Về thông tin các nước dành 10% GDP để chống dịch, Việt Nam là hơn 2% của ông Nguyễn Thiện Nhân
Sáng 5-10, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị 6 đã có buổi tiếp xúc trực tuyến với cử tri quận Bình Tân trước kỳ họp thứ hai QH khoá XV. ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cho rằng “các nước khác dành 10% GDP để chống dịch, Việt Nam là hơn 2%”.
Tại buổi tiếp xúc, ĐB Nguyễn Thiện Nhân đã nhìn nhận lại quá trình dịch COVID-19 lây nhiễm từ tháng 1-2020, đến khi được công bố là dịch bệnh lây nhiễm toàn cầu.
“Các nước dành 10% GDP để chống dịch, còn nước ta là hơn 2%”
Về việc hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch, ĐB Nguyễn Thiện Nhân cho biết Chính phủ đã có nghị quyết nhưng do chưa có kinh nghiệm xử lý dịch quy mô lớn nên tổ chức thực hiện còn khó khăn, quy trình còn phức tạp, chưa giải ngân hết nguồn vốn đã dành cho chương trình.
Ông nhìn nhận so với các nước thì kinh phí của nước ra dành cho việc này là còn thấp. Qua nghiên cứu, hai năm qua, các nước dành mức hỗ trợ cho công tác phòng dịch khoảng 10% GDP, có trường hợp vay nợ công của Chính phủ để thực hiện thì mới đủ. Trong khi đó, kinh phí chúng ta chuẩn bị cho việc chống dịch là hơn 2% GDP và sắp tới Trung ương sẽ bàn tiếp về việc này.
Phát biểu này của nguyên Bí thư TP.HCM là có cơ sở. Trên thực tế, trong 3 đợt dịch đầu tiên, Việt Nam nắm rõ tình hình và chủ động chống dịch theo phương châm “tiết kiệm, chống lãng phí” là trên hết.
Nhiều báo chí nước ngoài cũng đã khen ngợi thành công của Việt Nam trong ứng phó đại dịch Covid-19 là thận trọng nhưng tiết kiệm khi số ca nhiễm trên toàn quốc chỉ ở con số hàng chục.
Điều này cũng đã được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất về ‘kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020’.
Tuy nhiên sau khi đợt dịch thứ 4 bùng phát và lan rộng toàn quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính mới bắt đầu ký ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP thông qua chủ trương thành lập Quỹ vaccinephòng COVID-19 vào ngày 28/5. Cũng như công khai các số tài khoản để các cá nhân, tổ chức có thể trực tiếp đóng góp, Quỹ vaccine nêu rõ mục đích:
“Để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho người dân”.
Đến tháng 7/2021, Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua việc bổ sung nội dung về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 vào chương trình Nghị quyết chung của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, với tỷ lệ tán thành đạt 94,99% tổng số phiếu bầu từ các đại biểu có mặt.
‘Điều chưa từng xảy ra từ năm 1995 đến giờ’
Theo nguyên Bí thư TP.HCM, tăng trưởng kinh tế của cả nước đã chậm lại hai năm liên tục, năm ngoái tăng trưởng 2,9%, năm nay dự kiến khoảng 3,5%. “Hai năm liền tăng trưởng kinh tế dưới 4%, đây là điều chưa từng xảy ra từ năm 1995 tới giờ, cần rà soát, điều chỉnh trong tình hình mới” – ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Ông Nhân cũng cho biết, giai đoạn 1997-1999 có khủng hoảng tài chính khu vực Châu Á, đến năm 2007-2009 thì khủng hoảng nợ công toàn cầu, còn năm 2019-2020 thì có dịch COVID-19. Qua đó, cứ bình quân 10 năm thì sẽ có một khủng khoảng quy mô khu vực và toàn thế giới; vì vậy cần có sự dự báo, chuẩn bị sẵn sàng.
“Bà con lên thành phố để sống, làm việc, góp phần phát triển TP, vừa qua họ phải về vì họ không còn điều kiện, không còn thu nhập sống ở đây nữa. Đây là điều cần suy nghĩ, lường trước khi ổn định xã hội, để việc hỗ trợ người dân sát thực tế”, ông Nhân nêu ý kiến.
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần tăng tính tự chủ kinh tế bên trong, tận dụng cơ hội, những lĩnh vực đảm bảo bền vững quốc gia, cơ chế chính sách như bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, doanh nghiệp, việc làm tốt hơn để có nguồn lực tự phục hồi khó khăn.
Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM nhìn nhận, chúng ta đã có đường lối phát triển đất nước 5 năm trong nhiệm kỳ này, cũng như định hướng tới năm 2030-2045, cơ bản sẽ không thay đổi nhưng dịch bệnh diễn ra hai năm nay đã làm cho điều kiện kinh tế khác hơn. Do đó trong 5 năm này cần có thích nghi với điều kiện dịch toàn cầu, chung sống với lây nhiễm trong tình hình mới.
Kim Thoa