Về quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng “liền mạch”
Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, 63/63 địa phương ủng hộ chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là chủ trương cần thiết, giúp nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực liền mạch, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ trung ương đến địa phương.
Một trong những thành công nổi bật của đảng ta trong mấy khoá gần đây là cùng với sự lãnh đạo phát triển toàn diện, đất nước luôn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, mà trọng tâm là đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Lấy việc tiêu diệt những đàn sâu tham nhũng, chuyên đục khoét của dân, của nước là mục tiêu thanh lọc đội ngũ, để bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch. Cán bộ, đảng viên thực sự là những công bộc của dân.
Cán bộ tham nhũng khi còn ở cơ sở, nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời, lâu dần sẽ luồn sâu leo cao đến khi ngồi vào vị trí lãnh đạo trọng yếu trong tay có nhiều quyền lực sẽ có cơ hội kéo bè kết cánh lập sân xong, vơ vét những món lợi lớn, hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng của dân, của nước. Vì vậy, chống tham nhũng, tiêu cực muốn hiệu quả, cần phải có sự quyết liệt từ trung ương đến địa phương. Việc Hội nghị trung ương 5 lần này dự kiến thông qua Đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực là góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của đảng về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Có Ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ thực sự sâu sát hơn, giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với cuộc đấu tranh chống giặc nội xâm đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, để không còn cảnh “trên nóng, dưới lạnh”. Ban chỉ đạo Trung ương sẽ không phải làm thay việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cơ sở, mà chỉ đóng vai trò hướng dẫn, giám sát, đôn đốc. Một khi đã có tổ chức bộ máy thì việc nắm bắt tình hình, xử lý vấn đề vụ việc ở địa phương cũng sẽ sâu sát hơn, có trí tuệ tập thể, bàn bạc, quyết định chân lý cũng sẽ sớm được sáng tỏ hơn.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan được trao quyền, nhiều vụ án tham nhũng lớn ở địa phương thời gian qua đã được làm sáng tỏ. Nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Tuy vậy, tham nhũng ở một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp với biểu hiện ngày càng tinh vi. Do vậy, thành lập Ban chỉ đạo ở cấp tỉnh là để chia lửa với Trung ương trong việc chủ động tấn công, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đó là điều hết sức cần thiết.
Ban chỉ đạo địa phương sẽ do một cán bộ chủ chốt làm Trưởng ban chỉ đạo, sẽ sâu sát hơn với cơ sở. Nếu biết giữ mình thanh cao, trong sạch, nêu cao tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với tham tiêu cực, hành động thực chất, mạnh mẽ và không chịu bất kỳ sức ép nào, thì hoạt động của Ban Chỉ đạo địa phương sẽ giúp phát hiện, ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ xa những cán bộ tham nhũng, tiêu cực. Từ đó, góp phần làm trong sạch nội bộ, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền – một bộ máy không có cán bộ tham nhũng hết lòng vì nước, vì dân.
Diệu Hương