Tích cốc phòng cơ trong thời chiến
Những ngày qua, có rất nhiều người lên tiếng phản bác, chửi bới những cá nhân ủng hộ quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo của Chính phủ. Họ cho rằng như thế sẽ khiến giá gạo bị giảm sút, gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Nhưng thực sự đó có phải là một quyết định thiển cận, làm tổn hại đến người nông dân?
Hầu hết các nước trên thế giới hiện nay đều trong trạng thái bế quan tỏa cảng với chỉ thị hoặc khuyến nghị người dân hãy tự cách ly tại nhà để chống dịch. Các tập đoàn, công ty từ lớn đến nhỏ hầu như đều trong tình trạng đóng băng khiến cho kinh tế toàn cầu bước vào suy thoái, sự suy thoái lần này là chưa có tiền lệ.
Mọi người cách ly tại nhà, không tập trung đông người, dừng sản xuất trong nhiều tháng thì không những kinh tế suy thoái mà lương thực cũng sẽ trở nên khan hiếm là điều chắc ai cũng hiểu.
Các nước phát triển đang tung ra những khoản tiền khổng lồ để chống đỡ cho nền kinh tế và phát tiền cho dân chúng tiêu dùng. Nhưng sản xuất thu hẹp mà tiền nhiều thì hàng hóa tăng giá là điều đương nhiên.
Đối với lương thực, cho dù chưa xảy ra nạn đói nhưng mỗi một người dân đều có tâm lý tích cốc phòng cơ, tức là lượng lương thực mỗi gia đình mua vào sẽ nhiều hơn bình thường để dự trữ đề phòng nạn đói.
Hãy nhìn những người quen xung quanh ta sẽ hiểu, trước đây một gia đình lẽ ra mỗi lần mua 10kg gạo, nay phần lớn mua một lần ít nhất gấp đôi gấp ba, nhiều người còn tích trữ nhiều hơn. Khi cả thế giới người nào cũng phải tích trữ lương thực, tức là nhu cầu lương thực sẽ tăng lên gấp nhiều lần thì giá sẽ tăng hay là giảm chẳng cần nói thì ai cũng biết.
Một số “chuyên gia kinh tế” được sự phụ họa của một số nhà báo phản đối chủ trương tạm dừng xuất khẩu gạo đã lớn tiếng than khóc, rằng việc dừng xuất khẩu gạo đang khiến cho giá lúa gạo giảm, rằng giá lúa giảm nông dân sẽ điêu đứng. Nếu thế, trình độ của các vị chẳng qua như người đánh cờ đi nước một.
Tôi bỗng nhớ chuyện ông nội tôi đánh cờ. Ba tôi cũng mê đánh cờ nhưng còn lâu mới cao cờ được như ông tôi. Nhưng ba tôi không lượng sức mình, mỗi lần ông tôi đánh cờ với người khác ba cứ chầu rìa làm khôn đưa tay chỉ chỏ. Ông tôi bực quá cho ba tôi một cái tát, ba một tay xoa má còn tay kia giơ ra chỉ tiếp. Chẳng biết ba tôi đã ăn bao nhiêu cái tát của ông tôi, nhưng ba vẫn không thể bỏ cái tật làm khôn chỉ chỏ.
Nói như thế để tất cả đều hiểu rằng, nếu dịch kéo dài thì giá lúa gạo chắc chắn sẽ tăng. Và đương nhiên những ngày gần đây giá gạo trên thị trường đã rục rịch tăng rồi.
Vì thế, thay vì tiếp tục cho xuất khẩu gạo, Chính phủ nên có giải pháp đặc biệt mạnh tích cốc phòng cơ, bằng hai cách: Một là lập kho dự trữ thu mua lúa gạo, hai là hỗ trợ tài chính cho các công ty lương thực thu mua lúa gạo để tích trữ.
Cần dành một phần thích đáng nguồn lực hỗ trợ kinh tế để thực hiện nhiệm vụ cấp thiết này. Việc triển khai cũng không phải là như các dự án thông thường mà áp dụng các biện pháp khẩn cấp trong thời chiến. Chính phủ chẳng phải đã tuyên bố cả nước đang bước vào thời chiến hay sao?
Cũng phải dự lường đến tình trạng bi đát nhất khi dịch kéo dài, Chính phủ có thể sẽ phải áp dụng chế độ phân phối lương thực để cứu đói cho dân. Nếu không dự trữ trước thì lấy gì mà phân phối? Đại dịch chưa chắc gây ra thảm họa, dân đói hàng loạt mới thật sự là thảm họa.
Tuy nhiên, phân tích là phân tích để mọi người có thể hiểu rằng việc xuất khẩu gạo là việc Chính phủ đang nghĩ cho dân và vì dân, chứ không hề chèn ép bất kỳ người trồng lúa nào cả. Hơn nữa, nước ta là một nước nông nghiệp thì việc thiếu thốn lương thực chỉ vì mấy tháng chống dịch chắc chắn là việc khó có thể xảy ra.
Như chính Thủ tướng Chính phủ đã luôn nhấn mạnh trong đề án “An ninh lương thực quốc gia” rằng “Trong hoàn cảnh biến động, thiên tai, dịch bệnh, vẫn bảo đảm cho cân đối sản phẩm nông nghiệp” và nhất là phải luôn “Đảm bảo an ninh lương thực vững chắc trong mọi tình huống”. Như thế thì cả người dân và nông dân đều an tâm được nguồn cung và cầu sẽ không bao giờ bị thiếu hụt khiến người dân phải chịu bất kỳ thiệt thòi nào.
Hoàng Hải Vân