+
Aa
-
like
comment

Về quan điểm “lẩu Thái giống phở Việt Nam”!

Thu An - 24/10/2022 16:35

Vài ngày qua xuất hiện thông tin đề cập đến quốc gia N – với các dữ liệu khá tương đồng với Việt Nam – đang tiến gần cuộc khủng hoảng giống như khủng hoảng tài chính Thái Lan năm 1997. Vậy có thực sự “lẩu Thái giống phở Việt Nam”?

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, đã có thêm 269 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn có xu hướng tăng lãi suất. Giá USD tăng vọt, các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, kinh tế thế giới có khả năng rơi vào suy thoái trên diện rộng. Việt Nam vừa phải chịu áp lực giữ vững giá đồng nội tệ, vừa phải kiềm chế lạm phát và vừa phải ổn định nguồn vốn cho các doanh nghiệp phát triển. Ngành ngân hàng được Chính phủ đưa ra làm “bệ đỡ” kinh tế. Với những chính sách điều hành linh hoạt cho đến thời điểm hiện tại đồng Việt Nam mất giá khoảng 4% so với đồng USD, thấp hơn rất nhiều so với các đồng tiền của nhiều nước khác.

Đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới

Chính vì ngành ngân hàng phải đưa ra “hy sinh” nên việc siết room tín dụng đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, động thái này cũng đã giúp chọc thủng những bong bóng bất động sản, đưa những tài sản này về đúng giá trị thực. Thị trường sụt giảm tuy nhiên không im ắng, bởi chính những người có nguồn vốn dư và có nhu cầu về nhà ở có khả năng tiếp cận rất lớn. Từ đó chính sách an sinh xã hội được nhân rộng, người dân an cư lạc nghiệp tạo ra nguồn lực rất lớn về nhân sự để phát triển kinh tế. Và cho đến thời điểm hiện tại những tập đoàn lớn liên quan đến bất động sản bị bắt giữ cũng chỉ là động thái giúp làm trong sạch và ổn định nền kinh tế.

Tờ Economist đã nhận định rằng, “Tỷ lệ lạm phát thấp của Việt Nam xuất phát từ thực tế Việt Nam sản xuất quá đủ lương thực để nuôi sống người dân”. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng khẳng định, nguồn cung lương thực dồi dào trong nước của Việt Nam sẽ giúp giảm lạm phát trong năm 2022. Do vậy, ADB dự báo, lạm phát của Việt Nam sẽ ở mức 3,8% cho năm 2022 và 4% cho năm 2023, không thay đổi so với dự báo ngân hàng này đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Không chỉ lương thực việc kiềm chế giá xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu khác cũng đóng vai trò then chốt cho kiểm soát lạm phát. Giá xăng dầu trong nước giảm mạnh dù thế giới tăng cao. Người dân được hưởng lợi rất nhiều từ các chính sách của Chính phủ.

Việc FED tăng lãi suất gây ảnh hưởng đến tỷ giá cùng với những chính sách liên quan đến ngân hàng cũng sẽ gây áp lực rất lớn lên thanh khoản của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có niêm yết trên sàn chứng khoán và vay bằng USD. Hiện tại, ngay cả thị trường chứng khoán Mỹ cũng lao dốc không phanh thì có thể khẳng định rõ ràng, đây là một trong những khó khăn chung của toàn khu vực. Tuy vậy, chưa có bất kỳ một tổ chức hoặc nghiên cứu quốc tế có uy tín nào dự báo sẽ có khủng hoảng tài chính giống như năm 1997 tại các nền kinh tế mới nổi. Ngược lại, kể từ khi Fed tăng lãi suất đầu năm đến giờ, ngoại trừ khủng hoảng nợ có thể xảy ra do một vài nước vay nợ nước ngoại tệ quá nhiều, chưa có bất kỳ một cuộc tháo chạy vốn ào ạt nào khỏi các nền kinh tế mới nổi. Trong đó, Việt Nam là quốc gia đang thu hút vốn ròng ấn tượng nhất khu vực.

Về nhận định Ngân hàng nhà nước can thiệp làm giảm dự trữ ngoại hối để cho rằng sắp có một dấu hiệu xấu được các chuyên gia kinh tế nhận định là sai lầm. Nhìn từ năm 1982, các nước phát triển G7 công bố kết luận, can thiệp tiền tệ có rất ít tác dụng lâu dài. Các bằng chứng cũ cho thấy, một khi thiếu hụt cầu USD xảy ra trên diện rộng và kéo dài, can thiệp của ngân hàng trung ương trên thị trường ngoại hối là không hiệu quả. Can thiệp ngoại hối không chỉ đơn thuần nâng hay giảm giá tiền tệ mà còn hướng đến điều chỉnh những sai lệch để đưa tỷ giá tìm điểm cân bằng mới khi các điều kiện thị trường thay đổi quá lớn. Vì vậy, cách đặt vấn đề hãy nhìn vào dự trữ ngoại hối để thấy sắp có khủng hoảng cũng giống như: “thấy lính phòng cháy nghĩa là sắp có hoả hoạn đâu đó”.

Cần nói thêm, Việt Nam là  một quốc gia gia công, sản xuất, giống như một cái lồng, xả ngoại tệ ra để mua nguyên vật liệu sản xuất, rồi bán thành phẩm để lấy ngoại tệ về. Nên việc tăng hay giảm ngoại tệ trong một thời điểm không nói lên được bức tranh toàn cảnh. Trong khi đó, quý 3 là thời điểm các doanh nghiệp sản xuất tiến hành mua nguyên vật liệu để sản xuất phục vụ các đơn hàng mua sắm mùa cuối năm.

Từ những dữ kiện trên cho thấy những lập luận trong tờ Bangkok Post về (1) thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh nhiều tháng (2) thanh khoản bị thắt chặt trong quý 3 và (3) Ngân hàng trung ương can thiệp bán (mất) dự trữ ngoại hối để dự báo một nước N sắp khủng hoảng là hoàn toàn thiếu thuyết phục.

Vào tháng 9 vừa qua chính tờ Bangkok Post đã đưa tin “Việt Nam đã đồng ý cùng với Thái định giá gạo trên thị trường”. Nói thẳng ra là ám chỉ việc Việt Nam bắt tay với Thái Lan để “thao túng” thị trường xuất khẩu gạo tuy nhiên sau đó, Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp Việt Nam Lê Minh Hoan đã phát biểu với báo giới, “Việt Nam tuân theo quy luật thị trường về giá lúa gạo”. Chính vì thế, cũng không quá ngạc nhiên khi vào tháng 10, tờ báo lớn thứ hai Đông Nam Á phải tượng tượng ra một nước N nào đó mà không dám chỉ đích danh để rêu rao rằng, “lẩu Thái giống phở Việt Nam”.

Thu An

Bài mới
Đọc nhiều