+
Aa
-
like
comment

Về yêu cầu thô bạo đòi trả tự do cho Phạm Đoan Trang ngay lập tức!

Thu An - 13/10/2020 15:45

Mới đây, bị can Phạm Đoan Trang đã bị bắt giữ để điều tra về điều tra về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, được quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Mặc dù, đây là công việc nội bộ của Việt Nam nhưng rất nhiều tổ chức phi chính phủ đã can thiệp thô thiển và có những chỉ đạo rất phách lối vào sự việc này.

Như Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã lên giọng ngạo mạn yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bị can Phạm Đoan Trang – người được tổ chức này trao tặng cái gọi là Giải thưởng Tự do Báo chí hồi năm 2019. Christian Mihr – Giám đốc điều hành RSF đã mạnh miệng tuyên bố rằng “Bà Trang không thể bị tù. Bà ấy phải được thả ngay lập tức”.

Tương tự như RSF, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) cũng có một chỉ đạo rất phách lối. Phó Giám đốc Khu vực của tổ chức này, Ming Yu Hah lớn tiếng cho rằng, “Việc Phạm Đoan Trang bị bắt là một hành động đáng chê trách. Phạm Đoan Trang phải đối mặt với nguy cơ sắp bị tra tấn và đối xử tệ bạc dưới bàn tay của chính quyền Việt Nam. Bà phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện”.

Trái ngược với những chỉ đạo phách lối, ngang ngược của 2 tổ chức phi chính phủ trên thì Đại sứ quán Mỹ không hề ra một thông cáo nào về việc này. Chỉ có 1 đoạn ngắn trả lời qua email của RFA có nội dung như sau: “Chúng tôi lo ngại về các báo cáo ghi nhận tác giả Phạm Đoan Trang đã bị lực lượng an ninh ở Thành phố Hồ Chí Minh bắt tại nhà riêng vào ngày 6 tháng 10. Chúng tôi đang theo dõi tình hình chặt chẽ.”.

Từ đó có thể thấy, mặc dù cùng là phản ánh về cùng một vấn đề, tuy nhiên, 2 tổ chức phi chính phủ lại rất ngạo mạn, trong khi đó Đại sứ quán Mỹ tuy có thể hiện sự quan ngại nhưng vẫn rất tôn trọng, không cáo buộc, vu khống Việt Nam. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Đơn giản bởi nguyên tắc đầu tiên của Luật Quốc tế là không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Nhưng kể từ khi thành lập 2 tổ chức phi chính phủ kia đã sống bám và ăn theo từ việc can thiệp vào nội bộ của nước khác nên mới dám mạnh miệng và phách lối như thế.

Được biết, RSF có phạm vi hoạt động trên toàn cầu. Mục đích của họ được cho là bảo vệ tự do báo chí trên toàn thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ. Tổ chức này lấy Điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền làm cơ sở để hành động. “Phóng viên không biên giới – RSF là tổ chức lớn nhất thế giới bảo vệ tự do báo chí, được hiểu là quyền tự do của con người để thông báo và được thông báo”. Tuy nhiên, theo chính tiết lộ của RSF, nguồn ngân sách hoạt động hằng năm lên đến nhiều triệu euro, trong đó có đến trên 70% do các chính phủ và các nhà tài phiệt tài trợ.

Với thực tế tài chính như vậy, đủ hiểu để tổ chức này hoạt động vì ai, nhằm mục đích gì. Những cái gọi là “xếp hạng tự do báo chí” hằng năm đối với các quốc gia hay giải “nhân quyền”, “tự do báo chí” mà RSF thực chất chỉ giống như “mồi câu”, nhử các cá nhân có hành vi chống đối nhà nước sở tại cố gắng “lập thành tích” bằng các trò quấy phá, chống đối để lĩnh thưởng! “Ăn cây nào rào cây đấy”, RSF chủ yếu phục vụ mục đích chính trị của các thế lực núp sau cái bóng gọi là tự do báo chí, dân chủ, nhân quyền.

Do vậy, người ta cũng dễ hiểu, xếp hạng của RSF luôn dựa vào danh sách của Bộ Ngoại giao Mỹ dành sự “quan tâm” ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các nước như Iran, Syria, TriềuTiên, Việt Nam, Cuba, Trung Quốc; tuy nhiên lại né tránh, không đưa ra bất kỳ báo cáo nào về hoạt động chống lại nhà báo của Mỹ và các đồng minh.

Còn về tổ chức “Ân xá quốc tế” (AI – Amnesty International) được thành lập năm 1961. AI không giấu giếm tham vọng khi xác định mục tiêu hoạt động như: giải phóng mọi tù nhân lương tâm; bảo đảm các phiên tòa diễn ra công khai và công bằng; giúp đỡ những người tìm chỗ nương náu chính trị; hợp tác với các tổ chức cùng mục đích nhằm chấm dứt vi phạm nhân quyền… Để thỏa mãn tham vọng, AI vươn cánh tay tới hầu hết các quốc gia trên thế giới. Và trong quá trình đó, “tù nhân lương tâm” là yếu tố thường xuyên được sử dụng làm khái niệm công cụ để bao biện, bảo vệ một số người vi phạm luật pháp ở các quốc gia.

Trong nhiều văn bản luật quốc tế cũng như văn bản pháp luật của các quốc gia, không hề có mặt “khái niệm mới” do AI chế tạo. Có thể nói, với tham vọng “một mình một đường”, dường như AI muốn áp đặt “luật chơi riêng” của mình lên cả thế giới. Với cách hành xử áp đặt như vậy, AI đã tự cấp cho mình “quyền” đứng trên luật pháp của các quốc gia.

Các năm qua, vì bất bình trước lối hành xử bất chấp pháp luật của AI, rất nhiều quốc gia, tổ chức đã lên tiếng phản đối các cáo buộc thiếu căn cứ, phiến diện, cũng như không chấp nhận việc AI đã phớt lờ các mối đe dọa đến an ninh quốc gia từ những tổ chức, cá nhân vẫn được AI bao bọc trong tấm áo mỹ miều được gọi là “tù nhân lương tâm”. Tiêu biểu như năm 2016, Bộ Ngoại giao Thái Lan phủ nhận “Báo cáo tình hình nhân quyền thế giới 2015-2016” của AI, coi đây là một báo cáo “không cân bằng”. Năm 2017, Chính phủ Syria cũng đã bác bỏ chiến dịch của AI cáo buộc quốc gia này đã tra tấn, sát hại 13.000 người trong một nhà tù, đồng thời khẳng định những cáo buộc của AI là muốn làm tổn hại danh tiếng của Syria trên thế giới. Đồng thời hàng loạt quốc gia khác như Nga, Cộng hòa Dân chủ Công-gô, Trung Quốc,… cũng đã từng lên tiếng phê phán AI thiên vị và thân phương Tây.

Rõ ràng, hoạt động của AI không thực tâm hướng tới nhân quyền. Về thực chất, nhân quyền chỉ là bình phong, là nhãn hiệu AI tự gắn lên mình và dựa vào đó để đưa ra các cáo buộc tùy tiện, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của nhiều quốc gia nhằm thực hiện mục đích riêng của mình. Và Việt Nam không nằm ngoài mưu đồ của chúng.

Từ đó có thể thấy, Phạm Đoan Trang thực chất cũng chỉ là con tốt trên ván cờ chính trị của các tổ chức phi chính phủ này. Việc kêu gào cho Phạm Đoan Trang cũng chỉ vì những đồng đô la thơm phức mà tổ chức này nhận được từ các nhà tài phiệt và chính phủ nước khác. Chính vì mục đích đó, mà các tổ chức này mới ngang tàng, ngông cuồng và ngạo mạn như thế. Và rõ ràng, bất chứ một đối tượng phạm tội nào của Việt Nam chỉ cần chúng gán cho cái mác “tù nhân lương tâm” cũng sẽ trở thành món lợi để các tổ chức này khai thác.

Thu An

Bài mới
Đọc nhiều