+
Aa
-
like
comment

Về những tranh cãi trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1

12/10/2020 15:12

Nói ngay dòng đầu tiên, cho những người không thích đọc hết bài đã auto chửi, là tôi không tâm đắc hay khen ngợi gì bộ sách Tiếng Việt lớp 1. Tôi không thấy nó hay, cũng không thấy hoàn hảo. Tuy nhiên, mọi người nếu muốn “nhặt sạn” thì nên “nhặt sạn” cho đúng!

Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt cho hay, hình ảnh bài học ‘Chữ số 4’ với ví dụ ‘Bốn cái làn’ được lan truyền trên mạng xã hội là bịa đặt và ‘không đời nào hội đồng thẩm định lại để lọt những nội dung như thế’.

Đầu tiên, về ví dụ cụm từ “Bốn cái làn” nó không nằm trong sách này. Dùng “Bốn cái làn” để chửi cả bộ sách Tiếng Việt lớp 1 là sai.

Thứ 2, đừng cắt xén dẫn chứng để chửi sách dạy lọc lừa. Những câu chuyện mà mọi người đang lên án la liệt đó, thường cấu trúc làm 2 phần, có đánh số thứ tự (1), (2). Nếu tách riêng từng phần thì đúng là ngô nghê, khó hiểu. Nhưng ráp 2 phần lại thì thành ra 1 câu chuyện có đầu có đuôi.

Cố tình cắt xén là bóp méo sự thật, thậm chí quy chụp, vu khống, xúc phạm người khác. (trích bài nhà văn Trần Nhã Thụy).

Thứ 3, một số người nói rằng chiến đấu cho đạo đức, cho nhân cách của con, nhưng “bỏ bóng ném người”, đăng cả ảnh người cháu vô tội lên mạng để chửi ông GS Nguyễn Minh Thuyết, thì bạn đang sai luật rồi.

Thứ 4, các vị phụ huynh khi chửi cần phải hiểu trước đã. Có bài viết đang được share cả mấy chục ngàn lượt, chửi rằng “làm hỏng hết cả tiếng Việt giàu và đẹp”, “dạy đọc “chả” thay cho “Không”, “chẳng”.

Xin thưa là vì tới bài tập đọc đó, thì học sinh chưa đánh vần được vần ông-ăng-eo.

Truyện “Ve và kiến” phải thay thành “Ve và gà’, vì học sinh chưa học vần “iên” mà.

Các vị phụ huynh thương cho con, lo cho con, nhưng thầy cô còn có hướng dẫn giảng dạy, có tập huấn nghiệp vụ sư phạm, nên thầy cô sẽ có trách nhiệm giải thích cho học sinh những từ lạ, như “hí hóp”. Rồi như truyện “Cua, cò và đàn cá”, giáo viên sẽ dạy trẻ cảnh giác với người xấu, không nên nhẹ dạ nghe lời dụ dỗ, lừa dối mà.

Thứ 5, là về “liều lượng”. Nếu “Mèo tha miếng thịt thì đòi, kễnh tha con lợn mắt coi trừng trừng”, là không có fair nha.

Phản biện, lên tiếng, góp ý sách “có sạn” là việc nên làm. Tuy nhiên, hãy nhớ mang đúng năng lượng này, làn sóng này áp dụng vào những cuốn khác nữa! Hãy “soi” những lỗi khủng khiếp, những bài bẻ cong sự thật!

Chỉ “nhặt sạn” sách Tiếng Việt lớp 1, còn với những bộ sách các lớp lớn hơn lại im thin thít là sao?

Thứ 6, chất trách nhiệm đạo đức, chân thiện mỹ lên một vài tiết tập ghép vần, là đang trốn trách nhiệm dài hơi.

Trong vài tháng đầu của lớp 1, làm sao cho con ghép đươc vần và đọc được chữ đã. Giảm tải, chứ đừng ép thêm nhiệm vụ cảm thụ văn học giàu đẹp. Như khi vừa tập nói, con biết thốt lên tiếng “ạ” là được rồi, đừng bắt phải Lễ phép “Con xin chào bác ạ!”. Nếu đặt những bài đó vào toàn cảnh thì sẽ bớt sốt ruột!

Nói thật, 12 năm học, mỗi năm 10 tháng ròng rã, với hàng tấn tiền học phí, hàng mấy trăm giáo viên, mấy chục môn học, từ tiểu học, THCS, THPT… mà cũng chỉ chiếm có 25-30% con bạn thôi.

Con cái sẽ ảnh hưởng bởi năng lượng, góc nhìn, lối sống của ba mẹ nhiều nhất. Những buổi tối ngồi đọc truyện cùng con, trò chuyện và lắng nghe con, sống làm gương trước mắt con, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, nó mới hình thành nên đạo đức được.

Khoác cái trách nhiệm “hủy hoại đạo đức”, “hủy hoại nhân cách” vào bài học vần, thấy nó không hợp lý lắm. Nhân cách chứ có phải bong bóng xà phòng đâu mà xây dựng và hủy hoại dễ thế.

Trong khi người lớn Việt thì hầu như không đọc sách, chỉ có 0,8 cuốn/năm.

Không thể nhìn một bé 8 tháng tuổi đang bò rồi than: “Sao sống quỳ gối thế, hèn thế”. Hay nhìn chén cháo bé 6 tháng tuổi rồi nói: “Hủy hoại tinh hoa ẩm thực!”

Trần Thu Hà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều