Về những lời tấn công nữ Đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khăp
Tôi có đọc trên này một số vị bới móc và tấn công đời tư của những Đại biểu nữ vừa chất vấn các Bộ trưởng. Tôi biết họ cũng có ý gây hiểu nhầm và còn tranh cãi nhưng đừng đòi hỏi một đại biểu kiêm nhiệm phải như một bách khoa toàn thư hoặc chuyên gia trong lĩnh vực đó thì mới được chất vấn.
Đại biểu Quốc hội cùng phát biểu, chất vấn của họ không phải là chân lý hoặc cái gì cũng đúng nhưng cần tôn trọng và nên sòng phẳng. Phản biện và chỉ ra sai sót của họ cũng nên làm, tuy nhiên không phải là dè bỉu, mạt sát và bới móc.
Chỉ riêng việc họ dũng cảm đứng lên truy đến cùng hoặc chất vấn ngay cả những bê bối trong ngành mình như Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo đoàn Nam Định đã đáng phục lắm rồi.
Dù các Đại biểu Quốc hội ấy có nhầm lẫn một vài điều hay đôi khi để cảm xúc cá nhân lấn át, tôi vẫn trân trọng họ. Còn những kẻ chăm chăm tấn công những phụ nữ dám lên tiếng ấy thì ngược lại hoàn toàn…
Hà Phan
*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả
Nữ Đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khăp đã làm nóng nghị trường khi nói rất rõ ràng, không tránh né, không ngại va chạm những vấn đề nhức nhối của xã hội. Bà nói rất lưu loát, ngôn ngữ có một chút teen teen, có một chút dân dã gần gũi, nhưng trên tất cả, là tâm tư của một người con của đất đại ngàn Tây Nguyên đang bị giày xéo.
Bà là con gái của ông Ksor Phước; là cháu gái của Tướng K’sor Nham, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Bộ Công An, người đóng vai anh Núp trong phim Đất nước đứng lên!
Ông Ksor Phước nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Việt Nam (2002-2007). Con gái ông, Ksor H’Bơ Khăp (sinh ngày 10/4/1982, tên thường gọi Ksor Phước Hà) nữ Trung tá Công an, dân tộc Gia Rai. Bà hiện là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kì 2016-2021, thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, Trưởng Công an thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Thiếu tá Ksor H’Bơ Khắp (ĐBQH Gia Lai) đã tranh luận thẳng thắn với Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về cách xử lý tấm pin quang học và diện tích rừng.. đã làm nghị trường sôi động trong phiên thảo luận kinh tế – xã hội ngày 5/11.
Với Bộ trưởng bộ NNPTNT:
Trong phần giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, diện tích và độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng lên trong 30 năm qua. Theo ông Cường, diện tích rừng của Việt Nam vào năm 1990 là 9 triệu ha với độ che phủ là 27%. Tới nay, diện tích rừng của chúng ta là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu; độ che phủ là gần 42% trong khi mức bình quân thế giới chỉ là 29%. Ông Cường khẳng định trước Quốc hội : “Đây là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân và cả hệ thống chính trị”.
Nữ đại biểu nêu : “Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại tăng lên như Bộ trưởng nói…Nghe Bộ trưởng phát biểu thực sự là thấy sai sai”.
Theo bà Ksor H’Bơ Khăp, hiện nay, cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng. “Rừng là nơi hấp thụ CO2 để thải ra O2, nhưng cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2. Không có một con gì sống được ở trong rừng đó”, nữ đại biểu nói và cho biết, cây cao su không chỉ trồng ở Tây Nguyên mà còn trồng cả ở Tây Bắc… Tôi nghĩ Bộ trưởng cần phải nghiên cứu lại, xem các dự án này phải điều chỉnh thế nào?
Với Bộ Công thương:
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, về các tấm pin quang điện trong dự án điện mặt trời, Thủ tướng đã quyết định giao cho Bộ KH-CN nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về tấm pin quang điện cũng như phương án xử lý các tấm pin sau khi dự án hết thời hạn. Theo quy định hiện nay, tất cả các chủ đầu tư đều phải chịu trách nhiệm về xử lý các tấm pin quang điện.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định : “Thực tế chỉ có 3% một số khoáng chất có thể liên quan đến môi trường thì các nhà cung cấp cho các tấm pin quang điện đều có những hợp đồng với các chủ đầu tư các dự án dự án điện mặt trời để chịu trách nhiệm thu hồi và xử lý”
Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp tranh luận: Điều các đại biểu, người dân cần là người đứng đầu ngành này phải có phương án đối với việc đó, chứ “không thể nói là đã có quy định, chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm xử lý”. Hiện cán bộ, nhân dân ở địa phương có pin năng lượng này rất hoang mang ngay kể cả bản thân bà.
“Bây giờ điện năng lượng, pin năng lượng tràn lan. Sau này pin đó dùng để làm gì? Dùng để nướng bò một nắng hay sao, vì vùng lòng chảo của chúng tôi có đặc sản là bò một nắng, heo một nắng. Thế những tấm pin đó sẽ xử lý thế nào, đưa lên mặt trăng hay dùng để tiếp tục làm món đặc sản bò một nắng”.