+
Aa
-
like
comment

Về những chiếc bánh chưng, quần áo từ thiện bị bỏ bên vệ đường

Hải Anh - 27/10/2020 17:36

Những ngày gần đây, xuất hiện nhiều hình ảnh của những bạn làm từ thiện đăng tải về những chiếc bánh chưng còn nguyên bị vứt lăn lóc trên đường, hàng bao tải quần áo chất ở khu vực ủy ban, khi nhiều người dân không nhận quần áo mà các đội từ thiện chuyển đến… Nhiều người tỏ ra bức xúc, chê bai tại sao nhân dân vùng lũ lại đối với với đồ từ thiện như vậy. 

Cụ thể, trên mạng xã hội mới đây bất ngờ xuất hiện các video được cho từ 1 đoàn thiện nguyện tố người dân xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vứt đồ cứu trợ ra bãi rác. Cụ thể trong đoạn video, 1 người phụ nữ đã ghi lại cảnh những chiếc bánh chưng, bánh tét nằm ngổn ngang dưới đất. Dù vẫn còn tươi nguyên, không bị hư hỏng nhưng không hiểu sao người dân không sử dụng mà vứt đi. Đoạn video này nhận được nhiều sự chú ý của cư dân mạng, gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Tôi cũng rất chia sẻ với các bạn từ thiện, vì đơn giản, các bạn xuất phát từ tinh thần tương thân tương ái. Nhiều người tiếc cho công sức của người đi quyên góp đã không được đón nhận, nhưng chúng ta hãy thử suy nghĩ “liệu những hình ảnh này có phải xuất phát từ vùng tâm lũ hay không?”, chứ bà con miền Trung đang thiếu thốn thì chắc chắn họ sẽ không bao giờ vứt đi những thứ họ đang cần cả.

Người dân vẫn nhận bánh chưng do đồng bào ủng hộ và chỉ bỏ những chiếc bánh đã ôi thiu. Việc vứt bỏ cũng tập trung để tránh ô nhiễm môi trường tại vùng lũ. Thậm chí, bà con vùng lũ còn cố gắng sử dụng nhanh nhất bánh chưng được ủng hộ để khỏi uổng phí. Việc lan truyền thông tin người dân vùng lũ “chê” bánh chưng đồng bào ủng hộ có thể xuất hiện theo cách nhìn phiến diện của một số cá nhân, tập thể.

Còn nếu họ không cần, đừng bắt họ phải vì nể nang mà vất vả ôm về, rồi cuối cùng cũng mất công bỏ đi. Nhìn thì chạnh lòng thật, nhưng tôi nghĩ nên coi tấm ảnh trên như lời nhắc nhở rằng đi làm từ thiện ngoài cái tâm ra còn cần cái đầu nữa. Bánh chưng có thể ăn 1-2 bữa, nhưng không thể ăn cả tuần, cả tháng. Chính vì thế, rất mong đồng bào cả nước và các đoàn thiện nguyện nên hạn chế việc mang bánh chưng tới ủng hộ bà con vùng lũ, với bà con lúc này quan trọng là những thứ cần thiết hơn như nước sạch, gạo, tiền bạc. Khi tình hình đã ổn định hơn, thực phẩm không còn thật sự cấp thiết như những ngày lũ cao đỉnh điểm, thứ bà con cần lúc này là thuốc men, vật dụng sinh hoạt, chất khử khuẩn, vệ sinh môi trường, hỗ trợ xây dựng lại nhà cửa, cơ sở vật chất.

Rồi chuyện quần áo, đúng là người dân miền Trung đang cần quần áo ấm, quần áo mà bà con có thể mặc được chứ không phải những chiếc váy ôm xẻ cao, váy ngủ hai dây hay quần jeans ‘te tua’ rách trên hở dưới. Có bạn, sau khi đăng trạng thái kêu gọi quyên góp quần áo, còn phải ý nhị nhắc thêm: ‘Mọi người vui lòng… giặt quần áo trước khi mang tặng giúp mình’. Quần áo từ thiện bị bỏ đi là câu chuyện vẫn tiếp diễn từ nhiều năm nay, bắt nguồn từ tình trạng người cho có tâm nhưng không tinh tế trong việc nhận biết nhu cầu người nhận. Nhiều người cứ tha bao nhiêu bao tải quần áo lên miền núi, đồng bào từ chối thì nghĩ là họ chỉ muốn tiền thôi.

Họ nghèo, cũng rất cần thêm quần áo chứ, nhưng bạn phải tặng thứ mà họ mặc được. Rất nhiều bộ là đồ tốt, đắt tiền, nhưng không phù hợp, họ mặc làm sao, họ cần những chiếc quần áo lành lặn mà họ không mang mặc cảm khi mặc trên người. Tình cảm bà con cả nước đều đáng trân trọng nhưng mà cũng nên lựa chọn cách thức hợp lý nhất.

Hơn nữa, sau lũ sẽ là thời kì mà các vấn đề về vệ sinh ‘lên ngôi’, bệnh da liễu, tiêu hoá và hô hấp sẽ bắt đầu tấn công. Nguồn nước sạch là vấn đề cực kì quan trọng sau khi lũ rút, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ: Vệ sinh nhà cửa, tắm giặt, ăn uống đều cần đến nước. Vốn dĩ sau lũ, nguồn nước này đã bị ô nhiễm nghiêm trọng do các vi khuẩn phát sinh từ chất thải của người và động vật, xác động vật phân huỷ,… nếu không được xử lý tốt sẽ gây ra rất nhiều bệnh tật kèm theo. Thế nên, thay vì bánh chưng, mì tôm, quần áo hãy cho họ những chiếc máy lọc nước.

Vậy nên ngay cả từ thiện cũng cần có tổ chức là vì vậy, nhà nước khi ban hành luật đã có sự cân nhắc rất kỹ, không phải ngẫu nhiên, một văn bản luật ra đời. Đôi khi mình đi vì sự nhiệt tình, nhưng các đoàn cứ ồ ạt đến tập trung làm từ thiện ở một chỗ (những nơi nước đã rút, có thể tiếp cận được), người dân ở đó cùng một lúc nhận được quá nhiều đồ, thậm chí có người nói vui rằng “sau lũ đủ để mở bách hóa”, như vậy thì tránh sao được cảnh kẻ ăn không hết người lần không ra (nhất là những nơi vẫn bị cô lập).

Chính vì thế, cần có sự tổ chức, điều phối trong việc hỗ trợ vùng thiên tai, chẳng hạn như chính quyền địa phương, mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ… khi ai đến hỗ trợ thì liên lạc với các cơ quan này rồi đi đâu do các đơn vị điều phối, có chính quyền, quân đội hỗ trợ như vậy mới không có cảnh như thế này. Đôi khi, nhiều người đi từ thiện, tuy là có tâm nhưng khi làm còn chưa khoa học, thậm chí là chỉ làm cho có chưa đến nơi đến chốn, dẫn đến những hình ảnh như trên.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều