Về những chất vấn của đại biểu Ksor H’Bơ Khăp
Gần đây dư luận xôn xao, bàn tán về các phát biểu và chất vấn, tranh luận với 3 Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Tài nguyên và Môi trường về diện tích rừng, xử lý pin năng lượng mặt trời, thủy điện… của nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (đoàn Gia Lai) đã gây ấn tượng mạnh, làm nghị trường Quốc hội sôi động.
Đại biểu H’Bơ Khăp cũng không “ngại” phản biện, truy vấn khi giải trình của các vị Bộ trưởng không đủ sức thuyết phục. Những câu tranh luận của nữ đại biểu như: “Nghe Bộ trưởng nói rất vô lý và có gì đó sai sai”, “Sau này pin năng lượng sẽ xử lý vào đâu, đưa lên mặt trăng hay dùng để nướng bò một nắng?”, “Tôi rất chăm chú lắng nghe và cố gắng thấu hiểu, còn Bộ trưởng có nghe nhưng mà không hiểu tôi hỏi gì. Câu hỏi của tôi Bộ trưởng vẫn chưa trả lời”… liên tục làm “nóng” nghị trường Quốc hội và được dư luận đặc biệt quan tâm, chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Trước hết, phải công nhận một điều rằng Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp trên nghị trường nhiều ngày qua đã có những chất vấn thẳng thắn, đúng trọng tâm, dám nói lên những bức xúc của người dân trước thực trạng sạt lở đất, để mất rừng và biến đổi khí hậu toàn cầu khiến cho thiên tai, lũ lụt xuất hiện với tần suất ngày càng dày hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Tuy nhiên, thiết nghĩ trong lời của đại biểu này vẫn còn có nhiều sơ hở, cảm tính và thiếu chuyên sâu trong nghiên cứu các vấn đề.
Ví dụ về câu chuyện thủy điện vừa và nhỏ, đồng ý là chúng ta cần lên án và siết chặt việc lợi dụng làm thủy điện để phá rừng, khai thác kim loại quý vì đây là một trong những nguyên nhân khiến cho rừng bị mất, khai thác cạn kiệt tài nguyên. Chúng ta cần khảo sát, quy hoạch và có cơ chế kiểm soát kỹ, đánh giá tác động môi trường chặt chẽ, đánh giá tính khả thi trước khi thực hiện chứ không phải là: “Bộ trưởng nói bão lũ, sạt lở ở miền Trung trong thời gian qua là do trời mưa, địa chất bị nứt gãy. Vậy bộ trưởng cho biết thời gian tới bộ trưởng vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng, phát triển thủy điện nhỏ đúng không?”. Sau đó đại biểu lại chốt lại một câu rất cảm tính và có hơi hướng “thách đố” là “Bộ trưởng ủng hộ thủy điện nhỏ phải không?”. Có ủng hộ thủy điện hay không thì cần phải có hồ sơ dự án dựa trên kết quả, khảo sát, thiết kế, đánh giá của các chuyên gia đầu ngành về thủy điện. Việc hỏi Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường phải nói rõ có hay không làm thủy điện nhỏ, ai trả lời vấn đề như vậy?
Về vụ rừng tự nhiên, thế nào là rừng tự nhiên, quy định trồng rừng thế nào có luật, phương pháp thống kê quy định, Bộ trưởng nói diện tích tăng là đúng với con số thống kê chính thức. Và trước đó Bộ trưởng cũng thừa nhận rằng diện tích tăng nhưng chất lượng thì thấp. Rồi vụ cây cao su, vấn đề ở đây đúng là trong rừng cao su thì không có sinh vật sống nhưng đó là vì nhựa cây cao su rất độc. Nên không có sâu bọ trong đó, từ đó cũng chẳng có chim muông gì sống ở đó. Chứ không phải là do quá trình quang hợp hấp thu O2 thải ra CO2 như đại biểu trình bày nên mới gây ra tranh cãi. Còn vấn đề ở pin mặt trời thì đại biểu này nói hoàn toàn đúng. Nhưng đây là vấn đề toàn cầu. Các nước tiên tiến trên thế giới bao nhiêu năm nay còn chưa nghĩ ra được giải pháp triệt để và an toàn để xử lý rác thải năng lượng đó thì sao có thể đòi hỏi Bộ trưởng trả lời và giải quyết thỏa đáng trong mỗi một nhiệm kì được.
Mặc dù có những luận cứ chất vấn của bà Ksor H’Bơ Khăp còn những điểm cần tìm hiểu thêm liên quan đến lập luận về rừng trồng, cây cao su, khí thải từ loại cây này… nhưng đó cũng là một lời đề nghị, một thỉnh cầu tha thiết, rằng thiên tai có mối liên hệ nào không với những dự án thủy điện kia, với mất mát rừng tự nhiên… Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng liên quan đến tài nguyên, môi trường là cần tìm ra nguyên nhân, giải pháp để trả lời cho người dân bằng thực tiễn. Có phải vì rừng mất đi nhiều và thủy điện nở rộ, trồng rừng thiếu khoa học… đã là nguyên nhân dẫn đến của thiên tai bất thường, gây hậu quả kinh hoàng hiện nay?
Phải công nhận một điều rằng trong kỳ họp lần này, các Đại biểu Quốc hội đã phát huy hết tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với nước, với dân; điều này được thể hiện qua các phát ngôn của Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng các ngành. Các đại biểu Quốc hội đã đề cập nhiều vấn đề nóng, được đông đảo cử tri cả nước quan tâm trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, tài nguyên và môi trường… Các bộ trưởng, trưởng ngành và các thành viên Chính phủ cũng đã giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu nêu trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, đồng thời nêu rõ những giải pháp khắc phục bất cập.
Tuy nhiên trong vấn đề đặt câu hỏi trong kỳ họp Quốc hội vừa qua vẫn bắt gặp những câu hỏi không rõ ý hoặc dựa vào dư luận chung, từ những cảm nhận chủ quan của người chất vấn, thiếu thông tin thực trạng, tình hình cụ thể từ các cơ quan, người có trách nhiệm cung cấp chính thức. Nhiều thông tin còn thiếu tính chọn lọc. Thiết nghĩ đại biểu Quốc hội nêu vấn đề nên đồng thời có ý kiến tham mưu đề xuất để giải quyết vấn đề. Và việc đại biểu nêu ý kiến chất vấn là “cần” nhưng chưa “đủ”. Mà ý kiến đó phải dựa trên những khảo sát cụ thể và quan trọng là phải chỉ ra được (theo chủ quan) những nội dung cần bổ sung để hoàn chỉnh hệ thống pháp luật (liên quan) hiện hành.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả