+
Aa
-
like
comment

Về người đàn ông “ăn hôi” khi chụp hình với đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam

Phạm Khoa - 07/07/2023 11:00

Ông Trần Anh Tú, bị cho là “ăn hôi” khi tấm ảnh chụp ông và các quan chức LĐBĐVN, được xếp đứng trước các tuyển thủ nữ trong lễ xuất quân tham dự giải Vô địch Bóng đá nữ Thế giới 2023 lan tràn cõi mạng. Vậy, ông Tú là ai?

Ông Trần Anh Tú

Ông Trần Anh Tú đang là Ủy viên thường trực ban chấp hành VFF khóa VIII, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Người ta hay gọi ông là “bầu Tú” để nói đến tư cách đỡ đầu phong trào bóng đá trẻ, bóng đá trong nhà futsal cũng như bóng đá nữ Việt Nam suốt hơn 10 năm qua.

Không nhiều người biết bầu Tú là người tài trợ cho vòng chung kết bóng đá U17 quốc gia 9 năm (2011-2019 và 2023). Một trong những lứa U17 quốc gia ấy trở thành lứa U19 quốc gia, mà năm 2016 đã tạo lên kỳ tích lọt vào vòng chung kết World Cup U20 thế giới 2017.

Với bóng đá nữ và futsal, bầu Tú có một tình yêu đặc biệt. Ông đỡ đầu, góp công, góp của cho hai loại hình này từ khi còn chưa được nhiều người biết đến, còn nhận về không ít ánh mắt e dè.

Ở Việt Nam, bóng đá nam là môn thể thao vua. Làm bóng đá nam dễ có tiếng tăm, nhưng nhiều thị phi, và chưa chắc gặt hái được tiền bạc. Vì vậy, từng có những ông bầu thời gian đầu rất hăng hái hỗ trợ tài chính, công sức và mối quan hệ cho các câu lạc bộ và các giải đấu, nhưng sau vài mùa bóng lăn thì đã lặng lẽ rút lui, không làm bóng đá nữa hoặc làm bóng đá với quy mô một câu lạc bộ của doanh nghiệp.

Bóng đá nam đã vậy, thì futsal và bóng đá nữ “lép vế” là điều dễ hiểu. Thậm chí, phải đến những tấm huy chương vàng SEA Games thứ 2, thứ 3, thì công chúng mới bắt đầu biết đến tên các tuyển thủ nữ Việt Nam.

Tương tự vậy, đội tuyển futsal Việt Nam mãi đến khi thắng Nhật Bản ở vòng loại Châu Á, giành được quyền dự World Cup liên tiếp 2 lần; và ở World Cup 2021 thắng Panama, hoà Czech, lọt vào vòng đấu loại trực tiếp thì mới tạm gọi là được công chúng chú ý đến.

Để đến được vị trí của bóng đá nữ và futsal Việt Nam như hôm nay, chặng đường mười mấy năm lặng lẽ đầu tư, và đóng góp công sức ấy, nếu không nói ông Trần Anh Tú dũng cảm thì cũng phải dùng từ “kiên định” cho ông. Bền bỉ xây dựng thương hiệu 2 đội futsal Thái Sơn Nam và Thái Sơn Bắc, tham gia tài trợ cho giải vô địch futsal quốc gia hơn 10 năm trời để tạo sân chơi cho đội tuyển quốc gia có nguồn nhân lực. Mỗi năm, ngoài tiền cho 2 câu lạc bộ futsal của mình, nếu nhẩm tính đơn giản, ông Tú còn phải chi từ 3-4 tỷ đồng cho giải vô địch bóng đá nữ quốc gia, và gần 5 câu lạc bộ bóng đá nữ khác (2 của TP.HCM, 2 của Hà Nội, và 1 của Sơn La). Cùng với các lãnh đạo khác của Liên đoàn, ông Tú đã lo lắng vận động tài trợ từ lúc lương của các cầu thủ nữ chỉ 200-300 ngàn đồng/ tháng đến mức 1 triệu/ ngày chuẩn bị cho Giải Vô địch Bóng đá nữ thế giới năm nay.

Thành công của bóng đá nữ TPHCM cũng như đội tuyển nữ Việt Nam có những đóng góp thầm lặng của ông Trần Anh Tú

Ở Việt Nam, các giải đấu không thu phí của cả futsal lẫn bóng đá nữ thời gian đầu dễ làm nản lòng bất cứ nhà tài trợ nào, vì khán giả thì lèo tèo, trong khi công tác tổ chức thì tốn kém, phát sinh nhiều chi phí. Hơn 12 năm, tổng số tiền ông Tú bỏ ra cũng tính được con số tương đối, nhưng công sức thì khó mà đo đếm cụ thể được.

Nói đơn giản, chỉ khi thật sự có tình yêu với việc mình làm, ta mới đủ kiên nhẫn và ý chí theo đuổi đến cùng. Ông Tú yêu bóng đá, đặc biệt là bóng đá nữ và futsal, có khát vọng và tầm nhìn đúng đắn với bộ môn thể thao này, nên dù chẳng được nhiều người biết đến công sức đóng góp, ông vẫn lẳng lặng làm việc ông muốn làm. Nhờ đó, mà bóng đá Việt Nam có được những thành công đáng tự hào.

Nói gì thì nói, không có “scandal” ảnh chụp với đội tuyển bóng đá nữ vừa rồi, người hâm mộ bóng đá nói riêng, và công chúng nói chung sẽ còn mù mờ về chân dung ông Trần Anh Tú, một người lãnh đạo, một ông bầu mát tay, có tâm, có tầm của thể thao Việt Nam.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều