+
Aa
-
like
comment

Về một cuộc cải cách chưa từng có trong ngành Công an giúp nhà nước tiết kiệm hơn 1.000 tỷ đồng 

Văn Dân - 20/07/2020 14:51

Suốt 2 năm qua, có thể nói ngành Công an đã lĩnh ấn tiên phong để thực hiện một cuộc Cách mạng về công tác tổ chức nhằm tinh gọn đầu mối và biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn lực lượng. 

Nói đến tinh gọn bộ máy là “cắt ghế, giảm người”, cụ thể ở đây là bỏ 6 Tổng cục, không còn 6 Tổng cục trưởng và mấy chục Tổng cục phó nữa. Không tổ chức cấp trung gian cũng có nghĩa là không còn tình trạng “bộ trong bộ”, giải quyết được căn nguyên cơ bản làm cho bộ máy ngày càng phình to, cồng kềnh, nguồn lực bị phân tán… Song đụng chạm đến tổ chức, bộ máy là đụng chạm đến quyền lợi, chức vị, đụng chạm đến tâm tư, tình cảm. Tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an nhẩm tính “Chỉ riêng việc sắp xếp này đã đụng chạm đến 300-400 tướng tá công an tại vị”. Bởi vậy, khi Bộ Công an chủ động đề xuất phương án tinh giản bộ máy theo hướng cắt bỏ Tổng cục, giảm một nửa số Cục hiện có vào tháng 4 năm 2018, có người tỏ ý hoài nghi khi nói rằng: “đây là một nước cờ chính trị không dễ chơi” hay “tái cơ cấu ngành công an là cơ sở cắt giảm binh quyền của Bộ Công an”. Tuy nhiên, vượt lên trên những hoài nghi đó, qua từng bước chắc chắn, Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành Công an đã được Bộ Chính trị thông qua, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Nghị định để triển khai thực hiện.

Với việc tái cơ cấu quyết liệt, mạnh mẽ, ngoài việc cắt giảm tầng nấc trung gian, bỏ 6 tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục, giảm gần 300 đơn vị cấp phòng, sáp nhập 20 sở cảnh sát PCCC, đến nay Bộ Công an đã hoàn thành việc đưa hơn 27.000 công an chính quy về 8.592 xã mà không tăng biên chế. Mà hiệu quả có thể đo đếm được dễ thấy như Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Tuấn Anh đánh giá: “Việc sắp xếp tổ chức bộ máy ở Bộ Công an đã giúp ngân sách nhà nước tiết kiệm hơn 1.000 tỷ đồng”.

Đó quả là một cuộc cách mạng không hề dễ dàng, được thực hiện với một yêu cầu nghiêm ngặt và xuyên suốt: Phải tuyệt đối giữ vững sự ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Mà cho đến thời điểm này, trên phạm vi cả nước, cũng chưa có những bộ, ban, ngành làm được việc này một cách thực chất, quyết liệt và hiệu quả như thế. “Bỏ 6 tổng cục mà vẫn rất êm. Cả một bộ máy lớn, đụng đến hàng nghìn cán bộ nhưng vẫn ổn thoả, êm thấm. Đây là bài học quý trong công tác tổ chức cán bộ. Nếu bộ ngành nào cũng làm mạnh mà ổn như Công an thì đất nước này sẽ tốt lên” – Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt ghi nhận.

Một cuộc cải cách chưa từng có trong ngành Công an. Điều này không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ủy Công an Trung ương mà còn là quyết tâm của cả Bộ máy, từ Bộ Chính trị cho đến Quốc hội, Chính phủ… Quá trình triển khai thực hiện đòi hỏi sự công tâm, công bằng, chính trực của người lãnh đạo chứ không thể máy móc hay có sự can thiệp của các nhóm lợi ích. Điều này rất đáng nhân rộng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Ngành nào sẽ làm tiếp như Công an?

Văn Dân 

Bài mới
Đọc nhiều