+
Aa
-
like
comment

Về việc Việt Nam không được mời tại Hội nghị thượng đỉnh dân chủ

An Diễm - 06/12/2021 10:48

Bộ Ngoại giao Mỹ đang lên kế hoạch tổ chức cái gọi là “hội nghị thượng đỉnh về dân chủ” và dự kiến sẽ mời 110 nước tham dự, trong đó không có Việt Nam. Mừng như bắt được vàng, Việt Tân lại “ca” bài điệp khúc quen thuộc: Mỹ “bỉ” mặt Việt Nam vì không có dân chủ.

Một trong những Hội nghị thượng đỉnh do Mỹ tổ chức

Dân chủ và nhân quyền là hai khái niệm không tách rời nhau, và điều thú vị là việc định nghĩa các khái niệm này phụ thuộc vào bản sắc văn hóa, xã hội, tôn giáo và lịch sử của một quốc gia, không thể đánh đồng. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đặt nội dung quyền tự quyết dân tộc làm nội dung đầu tiên, cụ thể như sau: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá”. Điều này xuất phát từ một thực tế là không thể có dân chủ quá trớn, tự do không giới hạn khi mỗi cá nhân đều sống trong cộng đồng và phải chấp nhận các quy tắc cộng đồng để đảm bảo các quyền “dân chủ, tự do” của mình không ảnh hưởng đến “dân chủ, tự do” của người khác.

Trong báo cáo hàng năm của Viện Quốc tế về Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử (IDEA) phát hành ngày 22/11/2021 vừa qua của Thụy Điển, Mỹ bị xếp vào nhóm các nước có nền dân chủ tụt lùi. Ngay cả một nước đồng minh cũng đánh giá như vậy thì Mỹ đâu phải là tiêu chuẩn cho dân chủ? Những vụ sát hại và phân biệt đối xử người da đen, xả súng hàng loạt tại Mỹ thời qua là minh họa sống động cho cách “thực hành dân chủ” ở Mỹ. Những cuộc chiến tại Lybia, Iraq, Syria là ví dụ trực diện cho cái hậu quả của việc áp đặt “dân chủ” theo kiểu Mỹ. Vậy thì câu hỏi cho những người luôn kêu gào “dân chủ” là họ có thực sự quan tâm đến dân chủ không, hay là họ chỉ muốn Việt Nam đi theo đeo bám và cầu xin nước Mỹ?

Hiện nay, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ là bình đẳng, trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền và thể chế chính trị của nhau. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ năm 2015 vốn được xem là một cột mốc, lần đầu tiên người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam được mời sang thăm nước Mỹ. Và mới đây, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Haris cũng sang thăm Việt Nam với lời kêu gọi nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Những sự kiện này chứng tỏ Việt Nam đang có vị thế lớn hơn bao giờ hết, chúng ta chẳng cần phải đợi ai mời mọc, mà nếu cần tự họ sẽ phải tìm đến chúng ta.

Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Và không một quốc gia nào có thể định đoạt được quyền dân chủ ở Việt Nam.

Luận điệu về dân chủ, nhân quyền, lợi dụng các quyền tự do, dân chủ là thủ đoạn lâu nay được các thế lực chính trị cơ hội, thù địch sử dụng quá nhiều để công kích Nhà nước. Hãy nhớ rằng, dân tộc Việt Nam luôn kiên định với lựa chọn của mình để đem lại tự do, dân chủ đích thực cho mỗi người dân, chứ không phải chạy theo tiêu chuẩn của người khác.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều