+
Aa
-
like
comment

Về kỳ thi tốt nghiệp THPT mùa Covid-19: Sao lại lên án Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ?

08/08/2020 19:39

Mấy hôm nay, bội thực thông tin Covid-19, lại đau đầu thêm vụ thi nhau chửi bới Bộ Giáo dục Đào tạo trong việc không dừng thi PTTH. Thật sự cảm thấy quá chán với những anh hùng bàn phím. 

Hồi đầu năm, mấy anh chị cũng lên đồng, không tiếc lời chê trách nào dành cho Bộ giáo dục và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vì không cho học sinh nghỉ học. Bởi lúc ấy Covid-19 đang bùng nổ khắp Trung Quốc. Sau, các thánh bàn phím lại tẽn tò, vì quyết nghỉ học có phải do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quyết định mà do UBND tỉnh.

Giờ, dịch Covid-19 đang trở lại Việt Nam, mà chủ yếu là xuất hiện ở Đà Nẵng. Chúng ta đã tìm ra các nguồn F1, F2 để cách ly và đang làm triệt để hơn nữa với sự chỉ đạo liên tục của Chính phủ. Và cũng phải nhớ rằng, xuất hiện 10 ca tử vong đều là những bệnh nhận lớn tuổi, bệnh nền quá nặng, phải đi điều trị trong bệnh viện Đà Nẵng. Thực ra virus Corona cũng chỉ là giọt nước tràn ly tác động lên các ca tử vong ấy. Nhưng, cùng với làn sóng Covid-19 trở lại thì đồng thời lại có làn sóng lôi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ra để “hỏi tội” vì… không dừng thi. Xin thưa, cái kỳ thi này nó nằm trong Luật Giáo dục, nên quyền quyết định ở đây là thuộc về Chính phủ và Quốc hội. Muốn dừng thi, thì đề nghị Chính phủ và Quốc hội duyệt, thậm chí là phải sửa lại Luật.

Vì, đây là kỳ thi hết sức hệ trọng, để tuyển sinh đại học một cách thực chất, lại có cả triệu vị phụ huynh quan tâm, nên tôi bỏ chút công sức, gọi cho mấy ông anh ở Bộ GD-DT và có được vài thông tin như sau:

1. Luật Giáo dục được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020…

Điểm 3, Điều 34 nêu rõ: “Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD-ĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Học sinh học hết chương trình THPT, đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ GD-ĐT nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật”.

2. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT thực hiện đúng Luật Giáo dục, kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định và giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức tốt. Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về nội dung.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương, nhất là các địa phương có nguy cơ cao xây dựng phương án phòng chống dịch và tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học trên địa bàn, bảo đảm an toàn.

3. Bộ GD-ĐT cũng đã chuẩn bị các phương án để có kỳ thi an toàn trước dịch Covid-19:

Các địa phương thực hiện cách ly xã hội như Đà Nẵng và một số vùng thuộc tỉnh Quảng Nam lùi thời gian tổ chức Kỳ thi vào thời điểm khác thích hợp hơn. Thời gian tổ chức thi do các địa phương đề xuất sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, bảo đảm an toàn cho công tác tổ chức thi.

Các địa phương còn lại tổ chức Kỳ thi theo kế hoạch (từ ngày 8 đến ngày 10/8/2020). Khi đảm bảo được an toàn, thì chẳng có lý do gì dừng hay bỏ kỳ thi trên cả nước, vì dịch có ở cả nước đâu mà phải dừng?

Có một điểm lưu ý: các thí sinh thuộc diện F1, F2 cả nước sẽ dự thi cùng thời gian với thí sinh của các địa phương phải lùi thời gian tổ chức kỳ thi do phải thực hiện cách ly xã hội.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục cũng đã phối hợp với Bộ Y tế triển khai rộng khắp cả nước để kịp thời xử lý với học sinh, thí sinh có các biểu hiện nhiễm Covid-19. Bộ GD cũng đã chỉ đạo các trường ĐH, CĐ… trên cả nước bố trí tỷ lệ chỉ tiêu cho các thí sinh phải thi đợt sau do giãn cách xã hội.

Bản thân tôi, cũng có ít nhiều tâm tư với kỳ thi mà hơn chín mươi mấy phần trăm đỗ này. Nhưng mà, nếu muốn ý kiến hay thậm chí chửi bới gì thì trước tiên phải hiểu đúng bản chất đã rồi mới nên cất giọng hoặc múa bàn phím. Và thực ra, bản thân tôi cũng không sợ cái con virus Corona này. Bởi thế giới này là của virus, ngày xưa khi chưa có vaccine thì cúm cũng là một đại dịch đấy. Nói như thế, là để hiểu rằng, dù muốn hay không thì chúng ta cũng phải xác định sống chung với những thứ virus này, bởi không có cái này thì sẽ có cái kia. Và việc của chúng ta là đi tìm giải pháp thay vì cấm và chửi.

Tóm lại, đóng góp ý kiến là một điều đáng hoan nghênh, nhưng nó sẽ được lắng nghe nếu xuất phát từ sự đóng góp tích cực dựa trên nền tảng kiến thức hơn là chửi đổng cho đã miệng. Viết mấy bài để cho đám đông cổ vũ và hò reo thì quá dễ, nhưng nó đi ngược với nguyên tắc nghề báo và những người có kiến thức họ lại cười cho.

Phạm Dương Ngọc

*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều