+
Aa
-
like
comment

Xoá bỏ kẽ hở pháp luật trong thu hồi tài sản tham nhũng

LS Lê - 01/05/2022 12:30

Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, là sản phẩm của sự tha hóa quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Ý thức rõ ràng được điều đó, những năm trở lại đây, Chính phủ ngày càng mạnh tay hơn nữa trong việc xử lí và ngăn chặn tội phạm tham nhũng. Một trong những giải pháp mang tính chiến lược cho điều đó chính là thu hồi triệt để tài sản tham nhũng.

Hiện nay, vẫn còn rất nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây thiệt hại lớn, thậm chí rất lớn cho Nhà nước nhưng mới thu hồi được những khoản tiền bồi thường “nhỏ giọt”. Ví dụ: Vụ án Phan Văn Anh Vũ – Vũ “nhôm” đã tẩu tán tài sản bằng việc đồng loạt thoái vốn tại những công ty do ông ta làm chủ. Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, ngày 26-4-2017, Vũ “nhôm” đã rút toàn bộ 650 tỷ đồng, tương đương 92,86% vốn từ Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79.

Quyết tâm cao độ của Chính phủ

Từ thực trạng nêu trên cho thấy, dù quyết tâm chính trị có cao đến mấy, các cơ quan tiến hành tố tụng có làm tốt đến bao nhiêu và bản án xét xử có nghiêm minh đến đâu thì việc thi hành cũng không thu hồi được đúng số tài sản như đã ước tính từ đầu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế không đạt yêu cầu, trong đó nguyên nhân chính đã được xác định là do kẽ hở trong hành lang pháp luật có liên quan.

Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã tổ chức thi hành án, bàn giao tài sản là nhà đất tại số 129 Pasteur ( Quận 3, TP.HCM; liên quan đến vụ án Vũ “nhôm”) cho Bộ Công an.

Một trong những điểm nghẽn đáng chú ý chính là cơ chế ủy thác xử lý tài sản. Trong Luật Thi hành án dân sự hiện nay, bắt buộc phải thực hiện thi hành án hoàn thiện tại một địa phương mới được phép ủy thác cho địa phương khác, nghĩa là phải kê biên, thu hồi hết tài sản của bị cáo trên địa phương này thì mới được chuyển sang địa phương khác.

Điều này đã được khắc phục trong Luật sửa đổi được thông qua trong họp báo ngày 24-1 công bố lệnh của Chủ tịch nước về sửa đổi 9 Bộ luật. Luật sửa đổi lần này bổ sung tại Luật Thi hành án dân sự cơ chế mới cho phép đồng thời xử lý tài sản tại tất cả các địa phương liên quan. Theo đó, khi cơ quan thi hành án nhận bản án thì có cơ chế ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự địa phương để xử lý tài sản cùng lúc trên nhiều địa phương khi các tài sản bị kê biên, phong tỏa trong vụ án ở nhiều địa phương khác nhau. Điều này cũng góp phần đẩy nhanh thời gian kê biên và thu hồi tài sản, không cho đối tượng có thời gian hở để kịp tẩu tán, thanh lý tài sản.

Hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến kê biên, thu hồi tài sản tham nhũng

Kẽ hở tiếp theo về pháp lý chính là cơ chế “người phạm tội hưởng quyền bất khả xâm phạm về tài sản”. Cụ thể là tại khoản 1, Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định: Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại. Theo quy định này thì việc kê biên tài sản chỉ được áp dụng khi nào đối tượng bị khởi tố bị can hoặc bị đưa đi xét xử. Điều này vô hình trung đã tạo cho đối tượng “thời gian vàng” để tẩu tán và hợp thức hoá tài sản. Tuy vậy, quy định này phù hợp trong việc bảo vệ quyền lợi về tài sản cho bị can bởi trước khi có đầy đủ cơ sở để kết án thì bị can vẫn có những quyền công dân hợp pháp được pháp luật bảo vệ. Điều này cũng góp phần bảo vệ lực lượng chức năng bởi nếu gặp sai sót trong kê biên, thu hồi thì chi phí bồi thường không hề nhỏ. Chính vì những lí do trên mà việc xoá bỏ “kẽ hở” này gặp rất nhiều khó khăn bởi nó có thể vi phạm đến quyền con người của công dân trong khi Nhà nước chúng ta luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.

Ngay sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố thì cơ quan chức năng đã kịp thời phong tỏa giao dịch tài sản có liên quan.

Để phần nào khắc phục “kẽ hở” trên, cơ quan có thẩm quyền phải xác định được biện pháp chế tài dân sự phù hợp mà tòa án sẽ áp dụng. Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra cũng phải phải ước tính mức tiền phạt, tài sản tham nhũng bị tịch thu, số tiền bồi thường rồi xác định tài sản cần kê biên và cần kê biên bao nhiêu để tương ứng với số tiền đối tượng phải trả lại cho ngân sách Nhà nước. Đã có rất nhiều vụ án tham nhũng, đại án kinh tế mà số tiền, tài sản Nhà nước bị thất thoát, bị chiếm dụng lên đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng không thu hồi được, vì số tài sản tham nhũng này đã bị sang tên, chuyển nhượng cho người khác. Nhưng chúng ta có thể thấy “điểm nghẽn” này đã được rút kinh nghiệm từ vụ án thao túng chứng khoán FLC khi cơ quan chức năng ngay lập tức phong toả khẩn cấp tài sản hợp pháp của ông Trịnh Văn Quyết cùng những người liên quan ngay khi vụ án vừa bước vào giai đoạn khởi tố.

Thời gian vừa qua, chúng ta có thể thấy được rõ ràng những cố gắng không ngừng nghỉ của Chính phủ trong công tác trừng trị và răn đe đối với tội phạm tham nhũng. Giống như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”. Vấn đề truy tố và xử lí tiêu cực chính trị trong hối lộ và tham nhũng chỉ còn ở thời gian.

LS Lê

Bài mới
Đọc nhiều