+
Aa
-
like
comment

Vẻ đẹp con người Hà Nội trong một tùy bút của Nguyễn Tuân

02/01/2021 17:34

Nguyễn Tuân là nhà văn dành trọn cuộc đời đi tìm kiếm cái đẹp. Một trong những sáng tác tiêu biểu của ông là tùy bút “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”. Tác phẩm được viết trong khoảng thời gian cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội diễn ra cam go, ác liệt nhất (tháng 12/1972). Bằng ngôn ngữ điêu luyện, tinh tế, Nguyễn Tuân đã tái hiện hình ảnh con người Hà Nội chiến đấu kiên cường, anh hùng và không kém phần tài hoa, lãng mạn.

Người dân phố Hàng Đào, Hà Nội, tát nước khỏi hầm trú ẩn cá nhân năm 1972.

1. Nhắc đến con người chiến đấu, Nguyễn Tuân dành sự chú ý trước hết đến lực lượng vũ trang có nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ vùng trời Hà Nội. Nhà văn dẫn dụ người đọc qua những đơn vị mà ông trực tiếp đến để gặp gỡ, phỏng vấn. Đó có thể là một đơn vị bộ đội địa phương, dân quân tự vệ hay một đơn vị pháo cao xạ, đơn vị pháo phòng không. Nguyễn Tuân dành riêng những mỹ từ để tặng cho lực lượng không quân Việt Nam: “Lòng hồ thu giữa lòng Hà Nội chống Mỹ, như một bầu gương sáng đã bao nhiêu buổi phản ánh lên những mình thoi phản lực của không quân trẻ tuổi Việt Nam đang vòng nghiêng cánh bạc cảnh giới bầu trời Hà Nội mến yêu, sau mỗi lần xuất trận”.

Ngoài lực lượng vũ trang, “Hà Nội ta đánh Mỹ” giỏi của Nguyễn Tuân còn cho độc giả thấy đây là trận chiến đấu chung của các lực lượng. Trong miêu tả của ông, mỗi trận chiến tại Thủ đô luôn có sự góp mặt của tất cả những con người đang sống trên mảnh đất ngàn năm văn hiến. Có lẽ, chính ở thế trận toàn dân ấy, Nguyễn Tuân mới có thể phát hiện ra những chi tiết thú vị, đặc biệt nhưng cũng rất đỗi bình thường ở Hà Nội.

Trong nét phác thảo về tập thể con người chiến đấu, Nguyễn Tuân chỉ chú ý miêu tả một nét ngoại hình tiêu biểu của một số người. Nhãn lực của nhà văn bắt rất trọng tâm vào đối tượng được miêu tả, có thể là đôi mắt, nụ cười, dáng người… để toát lên thần thái, tính cách của nhân vật. Khi miêu tả về anh pháo thủ trẻ, Nguyễn Tuân đặc tả vào nụ cười rạng rỡ: “Có lẽ sau một ngày luyện pháo cật lực, lúc ngủ say, mặt anh cũng tươi giống đóa hoa như lúc tỉnh mà cười này”. Với Nguyễn Tuân, nụ cười của anh pháo thủ trẻ thật hồn nhiên, trong trẻo. Vậy nhưng, khi đối diện với kẻ thù anh trở nên lì lợm và sắc sảo: “Và lúc anh không cười, ấy là lúc giặc Mỹ lái máy bay luồn lách vào bầu trời Thủ đô, anh tập trung nhỡn lực vào đầu đại bác đang bắt lấy mục tiêu phản lực Mỹ”. Ở một góc nhìn khác, đó là ngoại hình của cô dâu và phù dâu trong lễ cưới đặc biệt bên ụ súng chiến đấu. Lần này, Nguyễn Tuân đi vào khắc họa đôi mắt: “Nhìn gần, cả cô dâu, và ba cô phù dâu đều đúng là mày ngài mắt phượng và sao mà mắt sắc đến thế. Hẳn là mắt ấy rất đẹp, nhưng ý tôi muốn nhấn vào cái khía này: Những con mắt ấy, cái đức tính ấy bắt mục tiêu các thứ F. cũng nhanh lắm đó”. Đôi mắt của những cô gái thật đẹp với những mỹ từ “mày ngài, mắt phượng”. Những con mắt sắc ấy cũng thật kiên gan khi liên tục bám bắt mục tiêu máy bay giữa lưới lửa Hà Nội.

Trong cuộc chiến khốc liệt, những người con Hà Nội đã tự nguyện tham gia chiến đấu, quyết tâm bám trụ với Thủ đô. Nơi đâu cũng có hình ảnh của họ từ vườn hoa, bãi chợ, bãi tha ma, ruộng rau, sân thóc, bờ ao cá, từ lề đường từ gác thượng… Kiên cường, gan dạ bám trụ để chiến đấu, quân và dân Thủ đô đã tạo nên lưới lửa phòng không chắc chắn. Họ sẵn sàng đối diện với tử thần. Những trận chiến cũng vì thế diễn ra đầy quyết liệt: “Mặt trận của thượng tầng Hà Nội buổi đó thiệt là dữ và cũng thiệt là đẹp mắt. Tên lửa nổi đám mây vàng làm nổ tan hàng chum giặc, giặc rụng lả tả xuống như một cơn mưa đá”. Nguyễn Tuân cũng dành sự ngưỡng mộ những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. Họ vừa là người lao động sản xuất giỏi, vừa là người chiến đấu kiên cường. Những cô gái trẻ có thể sử dụng thuần thục máy cày, súng trường, trung liên, đại liên. Điều bất ngờ ấy đã tô đậm hình ảnh những con người chiến đấu quên mình vì Thủ đô.

Bằng đôi mắt nghệ thuật nhạy bén, Nguyễn Tuân đã phát hiện ngay trong con người chiến đấu gan dạ, dũng cảm cũng có sự tài hoa, lãng mạn. Thật khó có thể tin được, ngay nơi tuyến lửa ác liệt nhất trên nóc cầu Long Biên, đơn vị pháo phòng không có thể vừa chiến đấu vừa trồng, chăm sóc những bông hoa đặc biệt: “Trên tít cù lèo nóc cầu sắt, gió nhiều mà nắng cũng quá nhiều. Thế mà đơn vị lại còn trồng được cả hoa mười giờ nữa kia đấy. Cơm nước đều kéo dây cho con ròng rọc rút lên, bát canh cua đồng cũng ròng rọc. Nước tưới cái khóm hoa tý ngọ đỏ chói ấy, hẳn lại cũng kéo lên bằng ròng rọc”. Có lẽ, đây cũng là dự báo cho hình ảnh những bông hồng xuất hiện trên đôi tay của người Hà Nội hay mâm pháo của một đơn vị ngày mừng công chiến thắng trong miêu tả của ông sau này.

Sắc hoa tươi thắm hòa nhịp cùng quá trình chiến đấu của Hà Nội. Nhưng còn một ánh sắc lung linh, huyền hoặc và say mê hơn nữa với những vũ điệu ánh bạc cũng sẵn sàng có những hành động đẹp: “Có hôm máy bay mình đánh mãi ngoài vòng xa kia, nhưng cũng bay về Hà Nội lượn mấy vòng nghiêng cánh để chào Thủ đô thân mến vừa chiến thắng trong ngày. Hồ Gươm mùa thu càng lộng đẹp tấm gương sáng hắt lên những cánh én bạc của một binh chủng không quân đang ra đời”. Những tâm hồn đẹp còn phủ lên những vật vô tri, vô giác. Để tránh những trận bom rải thảm của B-52, hầm trú ẩn có vai trò quan trọng. Qua quan sát tinh tế của mình, Nguyễn Tuân phát hiện ra những chiếc hầm được dựng lên ngoài sự vững chắc, người làm ra nó phải có tâm hồn yêu cái đẹp mới có thể mang đến màu xanh bắt mắt vậy. Có lẽ, cũng chỉ ở con người tài hoa, lãng mạn như Nguyễn Tuân mới đủ nhanh nhạy để bắt được điều tinh tế, dù chỉ là thoáng qua của những người chiến đấu cho Thủ đô.

2. Trong hành trình sáng tạo, Nguyễn Tuân luôn khao khát vươn tới cái đẹp, tôn thờ cái đẹp. Với ý thức cao cả ấy, nhà văn đã nhiệt thành, say mê tìm kiếm cái đẹp. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông quan niệm cái đẹp chỉ nhằm thỏa mãn, đáp ứng những khoái cảm thẩm mỹ cá nhân. Nhân vật trong tác phẩm của ông đều là người có tên gọi cụ thể như cụ Kép, cụ Ấm, Huấn Cao… Họ đại diện cho phần cá nhân, nhóm nhỏ những con người có tố chất tài hoa, nghệ sĩ. Nhưng sau năm 1945, Nguyễn Tuân hướng tới quan niệm cái đẹp lành mạnh, có mối quan hệ hài hòa với lợi ích của nhân dân, cách mạng. Vì vậy, tác giả ít khi cho nhân vật của mình xuất hiện với tên gọi cụ thể.

Trong “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, những nhân vật không có tên gọi cụ thể xuất hiện dày đặc. Đó là anh chiến sĩ cao xạ, đơn vị pháo, bác xích lô, anh biệt động cũ của Hà Nội, em nhỏ 12-13 tuổi, thanh niên, chiến sĩ cũ của Trung đoàn Thủ đô… Họ đại diện cho hình ảnh lớp lớp con người đang tình nguyện sống, chiến đấu, bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Nhân vật của ông được khơi nguồn từ cuộc sống lao động sản xuất và chiến đấu của quân dân Thủ đô nên mang đậm chất hiện thực. Họ chính là những người nghệ sĩ, những anh hùng vô danh thầm lặng rất đáng được ca ngợi.

“Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” là tùy bút có sự thay đổi rõ rệt về ngôn ngữ, giọng điệu của Nguyễn Tuân. Ngôn ngữ của nhà văn vẫn có sự tiếp nối của phong phú, sáng tạo, giàu tính gợi hình, gợi cảm, uyên bác, tài hoa, kết hợp nhuần nhuyễn ngôn ngữ cổ xưa và hiện đại. Điểm nổi bật về ngôn ngữ của Nguyễn Tuân trong tùy bút là sử dụng nhiều từ ngữ mang tính chất đời thường, gần gũi với cuộc sống lao động, chiến đấu của bộ đội và nhân dân. Nguyễn Tuân cũng rất tài tình khi sử dụng chất giọng ngông, mỉa mai, hài hước, kiêu bạc thật phù hợp khi viết về đối tượng giặc lái Mỹ. Đồng thời, tác giả cũng tăng cường thêm giọng điệu ấm áp, chân tình, sẻ chia mà ông đã hình thành từ những tùy bút kháng chiến đầu tiên. Không còn là giọng văn kén độc giả như trước, nhà văn đã hòa vào cuộc sống của tập thể những con người đang chiến đấu, bảo vệ Thủ đô.

Có thể nói, “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” đã khẳng định thêm những ấn tượng, độc đáo trong phong cách Nguyễn Tuân. Đặc biệt, tùy bút đã củng cố hơn nữa những bước chuyển mạnh mẽ và thành công của nhà văn từ cái tôi cá nhân cực đoan trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến cái tôi công dân nghệ sĩ sau cách mạng. Dù vậy, khi miêu tả hình ảnh con người chiến đấu trong tác phẩm, Nguyễn Tuân vẫn còn đôi chút hạn chế khi chưa làm rõ những khó khăn, gian khổ, sự mất mát, hy sinh của quân và dân ta. Nếu “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” có thêm những chi tiết, hình ảnh ấy, tùy bút sẽ sâu sắc, toàn diện hơn.

Nguyễn Đức Hà

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều