+
Aa
-
like
comment

Về đề xuất quy định giờ bán cho các cây xăng

Minh Thanh - 28/10/2022 21:50

Sau kỳ điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào ngày 21/10/2022, tính đến thời điểm hiện tại tình trạng khan hiếm xăng dầu vẫn tiếp tục diễn ra tại TPHCM và nhiều tỉnh thành ở phía Nam. Theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, có tổng cộng 13 cửa hàng xăng dầu tại địa phương hiện không còn hoạt động, 15 cửa hàng xăng dầu treo bảng hết một trong 2 mặt hàng xăng hoặc dầu. Tại Sóc Trăng, hiện có khoảng 10% số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đang “không mua được hàng hoặc hết hàng” từ mấy ngày qua do doanh nghiệp đầu mối không cung cấp đủ hàng.

Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại Cà Mau cũng cho biết họ không thể nhập được hàng để bán khiến cho công việc kinh doanh bị đình trệ suốt nhiều ngày qua. Đa số các cửa hàng xăng dầu nhỏ lẻ tại Cà Mau đều có chung hoàn cảnh khi nào hàng về thì bán hết hàng thì lại đóng cửa tiếp chờ nhập hàng. Điều này vô tình khiến cho khách hàng nảy sinh tâm lý e ngại với các cơ sở kinh doanh xăng dầu nhỏ lẻ và đổ dồn sang các cửa hàng xăng của Petrolimex để mua vì đây là doanh nghiệp xăng dầu của nhà nước nên thường có đủ nguồn cung xăng dầu để bán. Từ đó khiến cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu nhỏ lẻ vừa mất khách, vừa mất thu nhập, dẫn đến lỗ liên tục, thậm chí là phá sản.

Tình trạng khan hiếm xăng dầu đang xảy ra trên diện rộng tại nhiều địa phương ở phía Nam

Trong khi đó tại TP.HCM, tình trạng khan hiếm xăng dầu cũng bị đẩy lên đến đỉnh điểm. Tính đến ngày 24/10/2022 số cửa hàng đang hoạt động tại thành phố chỉ còn 392, số tạm dừng hoạt động là 4, trong khi số cửa hàng có nguồn cung bị gián đoạn liên tục, không đủ các mặt hàng lên đến 51 cơ sở khác nhau. Đặc biệt, có một số cửa hàng chỉ bán đến 17h hàng ngày trong khi trên thực tế khoảng thời gian từ 17-18h là khung giờ cao điểm, lượng xe lưu thông lớn, nhu cầu đổ xăng dầu của người dân tăng cao. Do đó, việc các cửa hàng chỉ kinh doanh xăng dầu đến 17h là không phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, nhất là đối với một thành phố lớn như TP.HCM.

Do vậy để tránh tình trạng các doanh nghiệp xăng dầu tự ý thay đổi hoặc giảm thời gian bán hàng, đặc biệt là trong trường hợp nguồn cung xăng dầu đang thiếu hụt như hiện nay, Sở Công Thương TP.HCM đề xuất cần quy định chi tiết về khung giờ bán hàng tại các cửa hàng xăng dầu trên cả nước nói chung và địa bàn TP.HCM nói riêng. Các cửa hàng xăng dầu sẽ tự quy định thời gian bán hàng trong một ngày và giờ bán hàng cụ thể trong ngày sao cho phù hợp với khả năng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, phải đảm bảo tối thiểu 12 giờ trong một ngày (kể cả thứ 7, chủ nhật). Đồng thời, phải đảm bảo không mở cửa bán hàng trễ hơn 6h và không đóng cửa bán hàng trước 18h hàng ngày. Đối với những ngày lễ, tết thời gian bán hàng tối thiểu không ít hơn 8 giờ/ngày. Đồng thời Sở Công Thương TP.HCM cũng nêu rõ việc khuyến khích các thương nhân bán lẻ đăng ký mở cửa bán hàng nhiều hơn thời gian tối thiểu quy định như trên.

Rõ ràng trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu đang thiếu hụt như hiện nay thì việc quy định chặt chẽ thời gian hoạt động của các cây xăng sẽ giúp cơ quan Nhà nước dễ dàng hơn trong việc quản lý và kiểm soát các doanh nghiệp xăng dầu. Mặt khác, quy định này còn giúp đảm bảo quyền lợi cho người lao động là những nhân viên của cây xăng, tránh trường hợp các nhân viên bị bóc lột sức lao động, làm việc quá giờ quy định gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Tóm lại việc Sở Công Thương TP.HCM đề xuất quy định giờ bán hàng cho các doanh nghiệp xăng dầu là một điều thiết thực và hoàn toàn khả thi. Nếu được chấp thuận, quy định này sẽ phần nào giúp cho người dân không còn gặp khó khăn trong việc đổ xăng cũng như giúp cho các cơ quan quản lý xăng dầu dễ dàng kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về thời gian bán hàng nếu có.

Minh Thanh

Bài mới
Đọc nhiều