+
Aa
-
like
comment

Về đề xuất nức lòng của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Thế Khoa - 07/01/2020 09:31

Tại các diễn đàn liên quan đến giáo dục gần đây, có nhiều chuyên gia kêu gọi cần cải cách giáo dục để giảm đi những tiêu cực trong ngành. Nhiều đề án cải cách chương trình giảng dạy, đào tạo được trình lên, kèm theo các mổ xẻ vấn đề. Thế nhưng, như lời của GS Hoàng Tụy kể lại nói rằng, nhà vật lý nổi tiếng P.Darriulat đã gửi cho ông bài viết về giáo dục Việt Nam, trong đó có đoạn: “Nếu ai đó hỏi tôi biện pháp gì đột phá có thể nâng cao chất lượng dạy học Việt Nam, tôi không chút ngập ngừng trả lời ngay, đó là sửa đổi chế độ lương cực kỳ phi lý, bất công, vô hiệu quả”.

Có lẽ ít ai biết được rằng thu nhập của nhà giáo hiện nay là hết sức bèo bọt

Có lẽ ít ai biết được rằng thu nhập của nhà giáo hiện nay là hết sức bèo bọt. Một giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm mới ra trường, chỉ có mức lương trên dưới 3 triệu đồng một tháng. Ngoài ra không có bất cứ một thu nhập nào khác. Lương một năm của 3 phó giáo sư mới bằng tiền nuôi một chiếc xe công cho một cán bộ cấp huyện. Với mức lương đó, làm sao đủ trang trải cho cuộc sống? Tết đến, trong khi các ngành nghề khác lĩnh hàng triệu tiền thưởng hay tiền lương tháng thứ 13, thì các nhà giáo đành ngậm ngùi nhận dăm ba trăm ngàn. Đó là của những trường có điều kiện, còn những ngôi trường ở nông thôn, miền núi thì chẳng có đồng nào. Có lẽ không có giáo viên nào dám nói mình sống được bằng lương, nếu không nói đó là sẽ một cuộc sống thiếu trước hụt sau.

Thực tế có nhiều ý kiến cho rằng, nghề giáo viên là nhàn hạ không cần lương cao. Điều đó hoàn toàn sai. Giáo viên phải hội tụ của lao động trí óc, nghệ thuật thuyết trình, dẫn dắt, dùng nhân cách của mình giáo dục học trò, để làm tốt điều này họ sẽ phải học suốt đời. Thế nhưng, vì đồng lương không đủ sống mới có chuyện giáo viên làm “chân trong chân ngoài”, rồi dạy ở lớp thì lơ là, dạy ở nhà là chính, hoặc có thầy cô bán hàng đa cấp, bán hàng trên mạng, kinh doanh. Có thể nói, hiện tượng chán nghề, dạy thêm hay nhận phong bì một phần là do việc lương giáo viên không đủ sống. Giáo viên nghèo, không sống nổi với đồng lương của mình thì khó có thể đòi hỏi các thầy cô phải hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Lòng yêu nghề vẫn còn đó, nhưng khi cuộc sống còn bấp bênh, gia đình còn nghèo khó thì để tình yêu ấy, nhiệt huyết ấy trọn vẹn thì e rằng rất khó.

Có lẽ thấu hiểu được nỗi khó khăn trong cuộc sống của các giáo viên, mới đây tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị Ban chỉ đạo cải cách tiền lương của Chính phủ tăng 1 bậc trong thang lương điểm khởi điểm của giáo viên. Việc tư lệnh ngành giáo dục đề xuất tăng lương cho giáo viên đã cho thấy sự quan tâm của Bộ trưởng đến cuộc sống của các giáo viên. Hành động này được ví như “nắng hạn gặp mưa rào”, đây chính là nguồn động lực rất lớn để giáo viên chuyên tâm vào giảng dạy, phát huy chuyên môn, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục và thu hút người giỏi vào ngành sư phạm.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề xuất tăng lương cho giáo viên

Được biết đây không phải lần đầu tiên người đứng đầu ngành giáo dục lên tiếng đòi quyền lợi cho các giáo viên. Còn nhớ 11/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng có đề xuất xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục. Đề xuất này nhận được sự kỳ vọng của đội ngũ giáo viên tuy nhiên, đề xuất đó đã không nhận được sự đồng tình ủng hộ do ngân sách quá hạn hẹp. Có thể thấy, việc đề xuất tăng lương cho giáo viên bị “phá sản”, Bộ trưởng day dứt và xem đó là món nợ của người đứng đầu ngành với hàng triệu giáo viên.

Tin rằng đề xuất lần này của Bộ trưởng được chính phủ xét duyệt để cuộc sống của giáo viên được cải thiện, để các thầy cô chuyên tâm thực hiện sứ mệnh trồng người. Khi lương và đãi ngộ cao, đủ giữ chân nhân tài, để các giáo viên yên tâm làm việc giáo dục thế hệ tương lai cho đất nước. Bên cạnh đó, cần phải tái cơ cấu từ Bộ GDĐT cho đến các Sở địa phương, các giáo viên trong trường học. Ai xứng đáng thì để lại, ai không xứng đáng, đáp ứng các tiêu chuẩn về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật cho rời khỏi ngành thẳng tay.

Thế Khoa

Bài mới
Đọc nhiều