+
Aa
-
like
comment

Về chuyện “trẻ sơ sinh phải gánh 40 triệu đồng nợ công”

Thế Khoa - 08/11/2020 08:15

Nhân chuyện một trang báo chính thống có bài viết với tiêu đề “Từ trẻ sơ sinh tới người già sẽ gánh 40 triệu đồng nợ công”, khiến ai đọc vào cũng ám ảnh nghĩ rằng “khi sinh ra tại Việt Nam là bạn mặc định mang vài chục triệu nợ công trên đầu người”. Để mọi người bớt hoang mang tôi xin có một vài ý kiến như sau:

Hình ảnh mang tính chất minh họa

Thứ nhất, chúng ta cần phải hiểu rõ về khái niệm nợ công là gì, chứ nói khơi khơi như tờ báo giật tít, câu view ở trên là không hiểu gì về bản chất của vấn đề mà còn khiến cho dư luận hoang mang.

Theo đó, nợ công là nợ Chính phủ hoặc nợ quốc gia, là tổng giá trị các khoản tiền mà Chính phủ thuộc mọi cấp từ Trung ương đến địa phương đi vay. Việc đi vay này nhằm mục đích tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách, hay nói cách khác thì nợ chính phủ là thâm hụt ngân sách lũy kế đến một thời điểm nào đó. Chính phủ đi vay ngoài việc thông qua các tổ chức tài chính nước ngoài, các khoản viện trợ, thì còn từ chính người dân và doanh nghiệp trong nước thông qua phát hành trái phiếu. Để hình dung quy mô của nợ Chính phủ thì người ta thường đo xem khoản nợ này bằng bao nhiêu phần trăm so với tổng sản phẩm quốc nội GDP.

Hiểu một cách nôm na là Chính phủ là người vay do đó Chính phủ sẽ phải có trách nhiệm thanh toán khoản vay này. Và dĩ nhiên đây không phải là nguồn nợ mà các cá nhân phải trả, thậm chí chính người dân cũng là một phần “chủ nợ” của nhà nước chứ không phải “người trả nợ” thông qua việc mua trái phiếu và cũng chả có đơn vị thống kê nào tính số nợ công bằng việc chia đầu người như GDP cả. Nếu có, thì chỉ qua ngòi bút của những nhà báo nửa mùa, không hiểu bản chất của khái niệm nợ công, hoặc hiểu mà cố tình đánh vào tâm lý của dư luận dẵn dắt rằng “đứa trẻ sơ sinh phải gánh nợ”, khiến người dân hiểu sai vấn đề.

Thứ hai, vì sao Nhà nước phải đi vay? Một quốc gia đang phát triển, muốn đi nhanh hơn thì phải đầu tư nhiều hơn. Muốn sống trong nhà vững chắc thì phải xây nhà. Không thể tự dưng mà ta có đường để đi, có bệnh viện để khám chữa bệnh; có cầu bắc qua những con sông; có trường học cho con em chúng ta biết con chữ; những đường dây tải điện về với từng thôn, bản làng xa xôi… Tất cả cơ sở hạ tầng mà chúng ta đang có được đều từ nguồn vốn đi vay về sử dụng cả đấy.

Trên thế giới nước nào càng giàu thì càng nợ nhiều, có đi vay nhiều thì mới có tiền nhiều để phát triển kinh tế đất nước. Không tin thì nhìn sang các nước trên thế giới thử xem, Nhật Bản có nợ công trên GDP cao nhất thế giới với 237%; Mỹ là 105,2%; Singapore là 111,1%… Đây đều là những quốc gia lớn mạnh trên thế giới. Còn nhìn lại Việt Nam, với mức nợ công hiện nay là 56,8% vẫn chưa là gì so với thế giới cả và chúng ta đang ở mức an toàn cho phép. Cũng nói luôn là thời gian qua, Chính phủ không ngừng cắt giảm chi tiêu từ đó tỷ lệ nợ công/GDP từ 63,7% năm 2016 đã giảm dần về mức 56,8% trong năm 2020.

Thứ ba, có thể thấy, là nợ công được xem như đòn bẩy, nếu vận dụng tốt thì nó sẽ có lợi cho việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Thực chất, cái cục “nợ” đấy không cần trả hết mà chỉ cần giữ ở mức kiểm soát, miễn là nhà nước đủ năng lực chi trả.

Và theo như số liệu của Ngân hàng nhà nước cho biết, hiện tại dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 92 tỷ USD. Được biết là Việt Nam chưa bao giờ bị Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) réo tên bảo trả nợ chậm cả. Rõ ràng, Chính phủ Việt Nam vẫn dư khả năng trả nợ, chứ không bao giờ bắt người dân, kể cả đứa trẻ sơ sinh phải gánh khoản nợ lên tới 40 triệu đồng như tờ báo nào nó rêu rao cả nhé.

Còn ai nói rằng, vì sao Chính phủ có tiền lại đi vay nợ để làm gì, trong khi số tiền dự trữ lại nằm im không nhúc nhích? Đơn giản thôi, vận dụng với thực tế cuộc sống thì như lúc chúng ta có tiền nhưng vẫn thích mua hàng trả góp 0 đồng hoặc lãi suất thấp vậy. Chúng ta vừa có sản phẩm để dùng nhưng số tiền chi trả sẽ nhỏ giọt hoặc thậm chí là không mất lãi nếu chúng ta ngoại giao tốt. Nói thẳng luôn, nếu tổng thể kinh tế Việt Nam tiêu cực và đầy rẫy bất cập thì chả ai dại gì mà chúng ta vay tiền cả. Vậy nên, có thể hiểu là nếu Nhà nước vay nhiều thì chứng tỏ Việt Nam có sức mạnh nội tại, khả năng trả nợ là có.

Tuy nhiên, chúng ta không thể nhìn vấn đề nợ công với con mắt toàn bộ màu hồng, khi mà tiền vay về không được kiểm soát chặt chẽ, giải ngân nhanh sẽ dẫn đến tình trạng nợ chồng nợ. Vậy nên, Chính phủ cần quản lý nguồn vốn vay, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, thất thoát, lãng phí, khiến người dân mất niềm tin.

Quay lại với việc một tờ báo uy tín, có độ ảnh hưởng với người đọc, được kiểm duyệt kĩ càng mà lại viết bài, giật tít với tiêu đề “Từ trẻ sơ sinh tới người già sẽ gánh 40 triệu đồng nợ công”, hướng lái dư luận hiểu sai vấn đề, gây hoang mang cho người dân là không thể chấp nhận được. Chính những bài viết giật tít như kiểu này là miếng mồi ngon để tổ chức khủng bố Việt Tân và các đối tượng xuyên tạc về vấn đề nợ công của Việt Nam, kích động người dân. Thế nhưng, cũng xin nói thẳng với những kẻ không ở Việt Nam đóng một đồng thuế nào cho đất nước thì hãy im lặng và đừng chọc phá lung tung nữa. Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ cho biết rằng Chính phủ Việt Nam đã thanh toán hết số nợ 145 triệu USD phát sinh từ khoản vay của Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975 đấy. Đáng lý ra, Chính phủ không trả số tiền này đâu, nhưng vì muốn quan hệ Việt Nam và Mỹ phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế đất nước, nên thôi Việt Nam chơi đẹp. Cái này có phải gọi là nai lưng để trả nợ cho những kẻ trốn chạy khỏi quê hương hay không?

Thế Khoa 

Bài mới
Đọc nhiều