+
Aa
-
like
comment

Về chuyện thầy giáo bạt tai học sinh ở Nghệ An

23/01/2021 13:16

Mấy ngày qua mạng xã hội, báo chí xôn xao việc thầy giáo tát một học sinh ở Nghệ An. Thấy nhiều người lên án thầy giáo thế này, thế khác, có người còn đẩy cao sự việc, xem đó là “cú tát vào nền giáo dục”. Cá nhân tôi thấy như sau:

Hình ảnh học sinh thể hiện tình cảm quý mến với cô giác khi đem cả mía nhà trồng lên lớp tặng cô.

Thứ nhất, không bênh vực hành vi thầy cô tát học sinh. Nhưng con mình đang đi học, nếu các cháu hỗn lão với thầy cô, cháu lớp 2 nhỏ dại mong thầy cô tha lỗi, nhắn tin gọi điện cho phụ huynh, chúng tôi sẽ có cách phạt con; Còn nếu cháu học lớp 7 đã lớn, thực sự hỗn lão, cô chủ nhiệm cứ cho một bạt tai, không việc gì. Biết đâu cái bạt tai của cô thức tỉnh cháu ở chỗ, với người lớn, đặc biệt là cha mẹ, ông bà, thầy cô không phải là đối tượng để con muốn nói gì thì nói.

Thứ hai, những người làm cha mẹ, ai chẳng yêu thương con cái, nhưng cưng chiều lại là việc khác. Nhịn ăn, nhịn mặc, thậm chí hy sinh cả hạnh phúc riêng tư, khát vọng cuộc đời cho con, nhưng “thương cho roi cho vọt”, cha mẹ, thầy cô phạt con hầu hết đều muốn tốt cho con, vấn đề là phạt thế nào, một cái bạt tai, một vài lằn roi đúng thời điểm nhiều khi lại tốt hơn nhiều lời “khen lên mây” của người lạ, của người đời.

Thứ ba, tất nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng, song có quá khứ mới có hiện tại và tương lai. Ngày chúng tôi, thế hệ 6x, 7x đi học, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, thầy cô ngoài bục giảng cũng phải bươn chải nuôi heo, làm ruộng, bóc lạc thuê,… Lên lớp, nhiều thầy cô không giữ được bình tĩnh khi trò nói chuyện riêng, không học bài thì thầy cô quát mắng, gò thước lên tay, véo tai, bạt tai, đuổi ra khỏi lớp… Nhưng hầu như không trò cũ nào oán thán thầy cô. Những câu chuyện thuở học đường còn được kể đi kể lại xem như kỷ niệm êm dịu. Những trò bị phạt nhiều khi vào đời lại hay nhắc nhớ, thăm hỏi thầy cô nhiều nhất.

Thứ tư, một cái bạt tai của thầy giáo với cậu học trò thực ra không có gì ghê gớm. Mà thực ra ghê gớm và đáng sợ nhất là mạng xã hội và một bộ phận báo chí xem đó như là đề tài ghê gớm. Một xã hội không bao giờ tiến lên được văn minh khi con cái coi thường ông bà, cha mẹ, học sinh hỗn láo với thầy cô giáo, chứ không phải là cái bạt tai của cha mẹ, thầy cô dành cho con cái, học sinh đúng lúc nào đó.

Thứ năm, đáng lo hơn là khi có học sinh nói gì cũng được, làm gì thì làm, học sao thì học còn giáo viên thì bâng quơ, cuối kỳ cho điểm 9-10, hạnh kiểm tốt.

Dương Sông Lam

* Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Bài mới
Đọc nhiều