+
Aa
-
like
comment

Về chuyến thăm Trung Quốc bất ngờ của ông Kissinger

Huy Hoàng - 21/07/2023 06:24

Việc cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger bất ngờ thăm Trung Quốc hôm 18/7 đã thu hút sự chú ý đông đảo của dư luận thế giới. Câu hỏi được đặt ra là quan hệ Mỹ – Trung sẽ diễn tiến thế nào sau sự kiện đặc biệt này? Liệu lịch sử thập niên 1971 có lặp lại?

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc tiếp ông Henry Kissinger – nhà ngoại giao kỳ cựu 100 tuổi hôm 18/7. Ảnh: SCMP

Đằng sau chuyến thăm

Nhắc đến cựu ngoại trưởng Mỹ Kissinger người ta thường nhắc đến hoạt động ngoại giao nổi bật của ông trong những năm 1970. Đó là vào tháng 7/1971, Kissinger bí mật đến thăm Trung Quốc, sự kiện đó đã mở ra một thế giới mới – nơi Mỹ và Trung Quốc cùng nhau hợp tác cùng nhau cạnh tranh, đôi lúc còn coi nhau là đồng minh trên cùng một mặt trận, xóa nhòa đi xung đột về ý thức hệ gay gắt của những thập niên 1950 và 1960.

Năm 2023 lịch sử dường như một lần nữa lặp lại. Và điều thế giới có thể kỳ vọng ở chuyến thăm này là Mỹ – Trung có thể chung sống hòa bình để mở ra một giai đoạn phát triển tiếp theo.

Trong chuyến thăm tới Trung Quốc, ông Kissinger tuyên bố rằng hai nước Mỹ, Trung Quốc phải học cách chung sống hòa bình và tránh đối đầu với nhau. Cựu Ngoại trưởng Mỹ bình luận: “Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều sẽ chịu thiệt nếu xem nhau là đối thủ. Nếu chiến tranh xảy ra, đó sẽ là cuộc chiến vô nghĩa đối với nhân dân cả hai nước“.

Dù biết ông Kissinger không còn đại diện cho Chính phủ Mỹ hiện tại. Nhưng trước chuyến thăm của ông, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen cũng đã nhấn mạnh: “Thế giới đủ lớn cho Mỹ và Trung Quốc phát triển“. Vì vậy mục đích chuyến thăm của cựu ngoại trưởng Mỹ không nằm ngoài quỹ đạo này, thậm chí còn có thể nằm trong một chuỗi sự kiện ngoại giao do Mỹ tiến hành. Có thể nói đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế thế giới. Nền giao thương thương mại toàn cầu đã bắt đầu đi vào chu kỳ phục hồi khi quan hệ Mỹ – Trung Quốc ngày càng được cải thiện.

Ông Henry Kissinger và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Thế nhưng vì sao lại là Kissinger?

Vì sao ông Kissinger phải đến Trung Quốc mà không phải một quan chức ngoại giao nào khác? Câu trả lời đó là vì cựu Ngoại trưởng Mỹ nhận được sự nể trọng đặc biệt tại Trung Quốc. Ông là một chứng nhân lịch sử cho quan hệ hữu hảo giữa hai nước.

Chuyến thăm bí mật của ông vào năm 1971 đã từng dọn đường cho chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Nixon tới Trung Quốc vào năm sau đó. Đế rồi năm 1979 hai nước thiết lập ngoại giao chính thức, mở ra một thời kỳ tăng trưởng kinh tế như vũ bão của Trung Quốc. Chính vì vậy mà hơn nửa thế kỷ sau, Bắc Kinh vẫn xem Kissinger là “người bạn của Trung Quốc”.

Hồi tháng 5, tờ Hoàn cầu Thời báo thuộc Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi ông Kissinger “vẫn giữ được đầu óc sắc bén dù đã bước vào hàng bách niên”.

Trong bối cảnh hiện nay, quan hệ Mỹ – Trung đã có nhiều rạn nứt, đặc biệt các quan chức hai bên đã nhiều lần bất đồng quan điểm dẫn đến những sự mất tin tưởng lẫn nhau. Đó là lý do vì sao cựu Ngoại trưởng Mỹ đóng vai trò quan trọng. Chuyến thăm của ông giúp hâm nóng quan hệ Mỹ – Trung một cách nhanh chóng, nhanh hơn bất kỳ một quan chức cấp cao nào của Mỹ hiện nay tới Trung Quốc. Bằng chứng là hôm 18/7 vừa qua, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã đến gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc, dù rằng ông Lý trước đó đã từng từ chối gặp người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin.

Quan trọng hơn nữa, sự có mặt của một nhân vật lịch sử sẽ giúp Mỹ có thể thể hiện thành ý một cách rõ ràng nhất, thắt chặt hơn nữa quan hệ với Trung Quốc mà không cần thể hiện quá lố tránh gây ra những tranh cãi và rạn nứt với đồng minh.

Chuyến thăm của ông Kissinger khả năng sẽ mở ra nhiều chuyến thăm hơn nữa của Mỹ tới Trung Quốc và đó là tín hiệu tốt cho kinh tế thế giới vốn đang chịu nhiều áp lực từ dịch bệnh, chiến tranh và xung đột thương mại.

Vì sao Mỹ muốn thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc?

Có ý kiến cho rằng chuyến thăm của cựu ngoại trưởng Mỹ có mục đích tương tự như những năm 1970, khi ấy Mỹ đã dùng chiếc ghế của Trung Hoa Dân Quốc tại Liên Hiệp Quốc để đổi lấy sự cam kết của Trung Hoa Cộng Sản không đưa quân can thiệp vào Việt Nam. Và nay câu chuyện tương tự như thế với Nga. Thế nhưng khả năng này khó xảy ra. Lý do là cựu Ngoại trưởng Mỹ không còn đóng vai trò quá lớn trong Chính phủ. Nếu Mỹ muốn mặc cả với Trung Quốc thì đó sẽ là chuyện của tương lai với vai trò của một nhân vật khác, chứ không phải vào lúc này.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 7/7.

Hơn nữa động lực để Mỹ kéo Trung Quốc trở về quỹ đạo phần nhiều là vì vấn đề kinh tế hơn là cạnh tranh địa chính trị.

Trong chuyến đi tới Bắc Kinh vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhiều lần nhấn mạnh rằng Mỹ không tìm cách tách khỏi Trung Quốc, mà muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực quan trọng để bảo vệ an ninh quốc gia.

Thế nhưng việc đa dạng hóa trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn như hiện nay sẽ càng tạo thêm nhiều cú sốc. Có thể ví chuyện này như việc chuyển đổi năng lượng xanh. Trước khi chuyển đổi thì vẫn cần nguồn cung cấp dầu và khí đốt ổn định. Tương tự, để chuyển dịch thương mại thì cũng cần có nền tảng và nền tảng đó là sự ổn định về kinh tế trong một thời gian đủ dài bất chấp những xung đột ngầm giữa những nền kinh tế.

Xung đột Mỹ Trung suốt hàng năm qua đã chứng minh rằng không ai được lợi trong cuộc chiến này. Đó là lý do vì sao quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu ấm lên. Về lâu dài, hai bên vẫn sẽ vấp phải những mâu thuẫn về lợi ích chiến lược, nhưng trong tương lai gần hai nước vẫn cần nhau trên cả các mặt an ninh, chính trị, kinh tế trong quan hệ song phương cũng như đa phương.

Việc hai đối tác thương mại lớn nhất nhì xích lại gần nhau chắc chắn là một tin tốt cho Việt Nam. Nhưng dù quan hệ Mỹ – Trung có diễn biến thế nào thì lập trường ngoại giao của Việt Nam vẫn là luôn kiên định và nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Việt Nam sẽ là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều