+
Aa
-
like
comment

Về chính sách thí điểm phát triển nhà ở xã hội

Hạ Băng - 18/02/2023 15:35

Chủ đầu tư có thể được chuyển nhượng nhà gắn với quyền sử dụng đất, kinh doanh và hưởng lãi thu từ diện tích làm sàn dịch vụ thương mại.

Các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn đang khó khăn về dòng tiền, đề xuất về gói hỗ trợ 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội có thể đảm bảo dài hạn, bền vững cho thị trường nhà ở.

Đây là một trong số giải pháp tháo gỡ tổng thể khó khăn, cơ cấu lại sản phẩm nhà ở được nêu tại dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Dự thảo này đưa ra sau hội nghị gỡ khó cho thị trường bất động sản được Chính phủ tổ chức ngày 17/2.

Chính phủ cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về thí điểm một số chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, các chính sách đưa ra sẽ giải quyết các nút thắt về giao đất đầu tư xây dựng theo hướng giao đất không thu tiền sử dụng đất, chủ đầu tư được chuyển nhượng nhà ở xã hội gắn với chuyển quyền sử dụng đất.

UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm bố trí, đảm bảo quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Chính quyền địa phương, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu công nghiệp.

Việc chọn chủ đầu tư sẽ thông qua đấu thầu hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ được chấp thuận chủ trương đầu tư nếu có quyền sử dụng đất phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, chương trình phát triển nhà ở xã hội của địa phương.

Chủ đầu tư nhà ở xã hội sẽ được dành toàn bộ diện tích sàn khối của dự án để làm sàn dịch vụ – kinh doanh thương mại, dịch vụ công cộng (y tế, văn hoá, thể dục thể thao…), hạch toán riêng và được hưởng toàn bộ lợi nhuận từ diện tích này. Với phần diện tích làm nhà ở xã hội, chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận định mức theo quy định tại Luật Nhà ở.

Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập phương án giá, trình cơ quan thẩm quyền thẩm định tại thời điểm nhà ở đủ điều kiện bán, cho thuê hoặc cho thuê mua. Trong đó, giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội tính toán trên cơ sở xác định đủ chi phí bảo trì nhà ở, chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng, lãi vay (nếu có), các chi phí hợp lý của doanh nghiệp, lợi nhuận định mức theo quy định và không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước.

Để có vốn phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội tới 2030, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng (khoảng 10% nhu cầu vốn giai đoạn 2022 – 2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo hình thức tái cấp vốn. Hình thức này tương tự gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016 trước đây.

Trong đó, chủ đầu tư dự án được vay ưu đãi 50% của gói tín dụng trên, tương đương 55.000 tỷ đồng. Số tín dụng còn lại, 55.000 tỷ đồng, sẽ dành cho người mua nhà vay. Gói vay lần này gấp 3 lần gói vay cũ mà đã rất thành công là gói 30.000 tỷ. Chính vì thế, đề xuất này phù hợp với sự phát triển thị trường, bối cảnh thị trường Việt Nam, đặc biệt là ít doanh nghiệp mặn mà trong vấn đề đầu tư.

Thị trường lúc này có thể được ví như nắng hạn gặp mưa rào, vì cũng gần 3 năm hoàn toàn vắng bóng nhà giá rẻ, dưới 30 triệu đồng/m2. Nhìn từ đó để thấy rằng, gói vay đang mang lại một động lực rất lớn cho người nghèo, người chưa có nhà ở. Tất nhiên đâu đó chắc chắn sẽ còn khó khăn, nhưng ít nhất phải có một cái gì đó thì mới có thể đi giải quyết vướng mắc. Đây có thể là một lời minh định rất lớn từ cam kết 1 triệu căn nhà ở xã hội của Thủ tướng đầu năm Quý Mão.

Hạ Băng

Bài mới
Đọc nhiều