+
Aa
-
like
comment

Về chỉ đạo xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng của Thủ tướng

13/04/2024 14:05

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo số 160 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và chủ động điều hành thị trường vàng.

Thủ tướng yêu cầu can thiệp để rút ngắn chênh lệch giá vàng.

Đáng chú ý, chỉ đạo của Thủ tướng nêu rõ, NHNN và các cơ quan phải can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của thị trường vàng.

Thông báo của Chính phủ được ban hành trong bối cảnh giá vàng cả trong nước và thế giới đều chứng kiến những đợt tăng “phi mã”. Sáng ngày 12/4, giá vàng 9999 của SJC tăng thêm 300 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra, lên mức kỷ lục 85 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá vàng thế giới vẫn trên đà tăng khi xác lập mức kỷ lục mới 2.390 USD/ounce, kéo giá vàng trong nước tăng theo.

Mới đây, Ngân hàng HSBC đã dự báo rằng giá vàng sẽ dao động trong khoảng từ 1.975 đến 2.500 USD/ounce trong năm 2024. Các chuyên gia cũng đưa ra những dự báo tương tự, nhấn mạnh đến những lo ngại về rủi ro địa chính trị trong bối cảnh các xung đột vẫn đang diễn ra và loạt cuộc bầu cử sắp diễn ra. Các yếu tố này được dự đoán sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giá vàng.

Will Rhind, Giám đốc điều hành của Granite Shares, đã chia sẻ rằng nhu cầu về vàng trong năm 2024 đang rất cao, đặc biệt là do hoạt động mua vàng từ các ngân hàng trung ương của các quốc gia. Không chỉ ở khu vực phương Tây, mà cả các ngân hàng trung ương khác cũng đang mua vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng USD và sự không ổn định của đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.

Giá vàng thế thời gian qua liên tục lập đỉnh.

Liên tục trong thời gian qua, do tác động của những bất ổn trên thế giới khiến tâm lý bất an lan rộng trên phạm vi toàn cầu, kéo theo nhu cầu dự trữ vàng tăng cao. Hậu quả là giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh và phá vỡ kỷ lục. Trước những biến động này, Chính phủ thời gian qua đã liên tục có những chỉ đạo “nóng” để ổn định thị trường vàng trong nước. Các công điện số 1426 (cuối năm 2023) và công điện số 23 (tháng 3/2024) yêu cầu NHNN và các cơ quan liên tục theo dõi, ứng phó và giải quyết những vấn đề liên quan giá vàng.

Còn vừa qua, sau khi tiếp nhận thông báo số 160, NHNN cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp, đồng thời thực hiện công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, các ngân hàng trên toàn quốc vào các năm 2022, 2023…

Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà.

Đối với thị trường vàng miếng, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết NHNN đang thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với thế giới.

Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ. Phó thống đốc cũng cho biết, ngay trong tháng 4, NHNN sẽ thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp vàng và ngân hàng.

Đối với nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện nghị định 24 và cũng đã đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung đối với nghị định 24 và triển khai trong thời gian tới.

Những động thái nhanh chóng và quyết liệt của NHNN đang cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc quản lý và ổn định thị trường vàng, đặc biệt là trước tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới. Quyết định tăng cung vàng miếng sẽ góp phần giảm áp lực lên giá vàng trong nước và tạo ra sự cân bằng giữa cung và cầu vàng.

Khi thị trường đạt được sự ổn định nhất định, niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng sẽ ổn định trở lại, khả năng dự báo và quản lý rủi ro trở nên khả thi và càng củng cố thêm niềm tin cho thị trường. Các doanh nghiệp cũng sẽ tự tin hơn trong hoạt động kinh doanh và sản xuất. Dù vậy, khả năng tăng cung vàng miếng cũng cần được thực hiện một cách cân nhắc và có kế hoạch. Sự tăng cung quá mức có thể gây ra các vấn đề khác như giảm giá trị của vàng và ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà sản xuất vàng. Do đó, cần phải có sự điều chỉnh linh hoạt và đảm bảo sự cân nhắc giữa việc tăng cung và bảo vệ giá trị của vàng.

Việc ứng dụng hóa đơn điện tử sẽ góp phần tăng cường tính minh bạch và giám sát trong thị trường vàng, từ đó giảm thiểu rủi ro về gian lận và buôn lậu. Điều này phù hợp với định hướng của Chính phủ đối với thị trường vàng trong suốt thời gian qua. Tổng thể, những biện pháp được đề xuất và triển khai nhằm mục tiêu tạo ra một thị trường vàng ổn định, minh bạch và công bằng, đồng thời bảo vệ lợi ích của các bên tham gia trong thị trường này.

Trong bối cảnh những biến động phức tạp của thị trường vàng cả trong và ngoài nước, các động thái quản lý của NHNN là một phản ứng quan trọng và tích cực. Bằng việc tăng cường kiểm soát, can thiệp thích đáng và thúc đẩy sự minh bạch, NHNN đã cho thấy sự cam kết của mình đối với việc bảo vệ sự ổn định và công bằng trong thị trường vàng. Tuy nhiên, việc quản lý thị trường vàng vẫn đòi hỏi sự cân nhắc và phản ứng linh hoạt trước những biến động của thị trường. Cần tiếp tục đánh giá và điều chỉnh các biện pháp quản lý để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững trong dài hạn.

Hạnh Văn

Bài mới
Đọc nhiều