Về chỉ đạo rắn “không đụng 1 đồng tiền hỗ trợ” của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Miếng cơm, manh áo là sự quan tâm của phần lớn người dân Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài cuối năm 2019 đến tận ngày hôm nay. Ở thời điểm dịch bùng phát, Thủ tướng ra Chỉ thị 15, 16 về việc giãn cách xã hội, hàng ngàn doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, người lao động lâm vào cảnh thất nghiệp hoặc nghỉ không lương. Đó là lúc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoạt động hết công suất vì người dân.
Ngày 9/4/2020, Thủ tướng ký nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19. Xoay quay gói hỗ trợ hơn 62.000 tỷ đồng cho khoảng 20 triệu người, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã nhanh chóng phối hợp với các bộ ngành liên quan trình Thủ tướng ban hành quyết định về quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục triển khai với từng nhóm thụ hưởng.
Người xưa có câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, số tiền hỗ trợ tối đa 3 tháng với các mức khác nhau từ 250 ngàn đồng đến 1,8 triệu đồng/tháng tuy không lớn nhưng để số tiền đó trao tận tay gần 20 triệu người dân, đảm bảo đúng người đúng hoàn cảnh là một nỗ lực rất lớn của cả bộ máy Chính phủ, trong đó có Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – cơ quan chủ trì triển khai Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.
Để chính sách không đi lòng vòng khiến việc áp dụng bị chậm trễ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã không ban hành thêm thủ tục hành chính. Các thủ tục hiện hành đã rõ nên Bộ làm rất nhanh, khẩn trương, không để chính sách làm ra rồi mà còn lòng vòng mãi. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Giờ người dân mong chờ, quan tâm, kỳ vọng, lúc người ta đói cần thì phải hỗ trợ ngay. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của chúng ta”.
Đặc biệt, để kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện ở địa phương, không để lợi dụng trục lợi chính sách, tham ô, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Giải pháp quan trọng nhất là phải công khai, kiểm tra, giám sát ngay từ khâu rà soát, lập danh sách, xét duyệt và chi trả. Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo hỗ trợ đúng người, kịp thời, đầy đủ, không để xảy ra sai sót, tiêu cực. Danh sách thụ hưởng cần minh bạch trong từng tổ dân phố, thôn, xóm và niêm yết ở cấp xã, phường. Bộ trưởng yêu cầu: “Làm khẩn trương nhưng vẫn phải chắc, đúng đối tượng, đừng để tiền hỗ trợ dù rất bé mà vẫn lọt vào nhà quan. Cái quan trọng là công khai, minh bạch, không thể lây dây kéo dài”. Song song đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đã đề nghị Hà Nội cũng như các địa phương khác tiếp tục tập trung tối đa để nhanh chóng chi tiền hỗ trợ xong cho nhóm lao động tự do: “Không quá câu nệ về mức thu nhập, mức sống tối thiểu bởi lao động tự do đã mất việc là bị ảnh hưởng rồi. Không quá vì sợ chi sai mà làm cẩn trọng quá thì việc hỗ trợ cũng bị chậm”.
Sự chỉ đạo kịp thời, xuyên suốt cùng quyết tâm trao tiền hỗ trợ đến đúng người thụ hưởng của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã góp phần ngăn chặn tối đa các hành vi trục lợi và vi phạm trong việc thực hiện chính sách. Trên hết, nó là liều thuốc củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền đất nước, vào chính sách an sinh xã hội mà không phải quốc gia nào cũng đảm bảo thực hiện được trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách nhà nước.
Đến bây giờ, khi nhắc đến Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, có lẽ chúng ta sẽ ấn tượng nhất với câu nói: “Khi triển khai thực hiện gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, nếu đụng đến dù chỉ 1 đồng thôi sẽ là nỗi nhục suốt đời của các đồng chí cán bộ”. Đó chính là nỗi trăn trở của một người đứng đầu cơ quan an sinh xã hội của đất nước, một người dân chứng kiến hàng triệu người dân lâm vào cảnh khốn khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chính vì không cầm lòng nên ông ấy mới chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm không để ai đụng đến một đồng tiền hỗ trợ người dân.
Nhìn lại 4 năm qua, nhất là khi nhiều nước rơi vào suy thoái trong năm 2020, Việt Nam vẫn đạt được mục tiêu kép trong phòng chống dịch Covid-19 và duy trì phát triển kinh tế, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng được đảm bảo, hoạt động đối ngoại tích cực giúp nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, nhiều lĩnh vực đạt kết quả ấn tượng. Thật cảm ơn biết bao khi chúng ta có những người lãnh đạo luôn tâm huyết vì nước vì dân như Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Đặng Trường