Về chỉ đạo không chủ quan, lơ là, “ngủ quên trên vòng nguyệt quế” của Thủ tướng
Tiếp nối đà tích cực của Quý I/2022, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong chương trình, kế hoạch và cả các công việc phát sinh. Nhờ đó, kinh tế – xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Thậm chí, nhiều lĩnh vực đạt mức tốt hơn cả những năm trước đại dịch. Điều đó cho thấy nhu cầu và niềm tin của doanh nghiệp, người dân vào sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Dịch bệnh được kiểm soát với số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3 cho thấy rõ sự đúng đắn của các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, củng cố niềm tin, sự an tâm của người dân, doanh nghiệp để tập trung phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, các số liệu trên cả 3 lĩnh vực là công nghiệp, xuất khẩu và tiêu dùng đều có những tín hiệu rất tích cực. Trong đó, hoạt động kinh doanh khởi sắc mạnh mẽ. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục đà tăng trưởng, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 122,36 tỷ USD, tăng 16,4%; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định. Lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép trong nước và quốc tế. Những sai phạm trên lĩnh vực bất động sản, chứng khoán đã được xử lý kịp thời, giúp thị trường vốn trở lại quỹ đạo phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Nhưng điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế 4 tháng đầu năm 2022 kể trên cho thấy, các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Quốc hội và Chính phủ đã đi đúng hướng và hiệu quả, tạo niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Việc Chính phủ mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế từ giữa tháng 3 là cú hích mạnh mẽ cho ngành công nghiệp không khói khôi phục nhanh. Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 4 năm 2022 đạt 101,4 nghìn lượt người, gấp 2,4 lần so với tháng trước và gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch và nhiều đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 192,4 nghìn lượt người, tăng 184,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn những bãi biển từ Bắc vào Nam đông nghịt người nghỉ dưỡng; sân bay, bến tàu chật kín du khách dịp lễ 30/4, mùng 1/5; các khu du lịch Sa Pa, Bà Nà, Đà Lạt, Nha Trang quá tải; nhiều khách sạn hết phòng từ sớm. Điều đó cho thấy tín hiệu vui khi du lịch phục hồi nhanh sẽ mở đường cho quá trình phục hồi kinh tế diễn ra mạnh mẽ hơn.
Theo các chuyên gia kinh tế: Đây là lúc những chính sách hỗ trợ cần phải tiếp tục thực hiện để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế. Phải biết dứt khoát bước qua cơn bĩ cực để tính kế cho một giai đoạn bùng nổ mới.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Hơn 90 % doanh nghiệp được khảo sát, đánh giá cao tính tích cực của Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời cho rằng: Những chính sách đề ra là kịp thời, phù hợp, thiết thực, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất cũng được kịp thời khắc phục; gánh nặng về chi phí được tháo gỡ đáng kể thông qua các chính sách giảm giá tiền điện, giảm giá điện, hỗ trợ dịch vụ viễn thông, giảm thuế thu nhập Doanh nghiệp, giảm thuế giá trị gia tăng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất…
Tỷ lệ trở lại thị trường của doanh nghiệp trong quý một năm nay được đánh giá là cao nhất từ trước đến nay, với 30.919 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 60,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là con số kỷ lục trong 4 tháng đầu năm, cao gấp 2,1 lần mức bình quân doanh nghiệp tái giá nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm giai đoạn 2017 – 2021. Điều đó cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại sau hai năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Đánh giá tổng thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Những kết quả đạt được trong tháng 4 là đáng mừng, tích cực, tạo niềm tin và là cơ sở để thực hiện các mục tiêu của các tháng còn lại và cả năm 2022. Đồng thời cũng quán triệt: Không được chủ quan, lơ là, “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.
Thủ tướng lưu ý một số vấn đề tồn tại, hạn chế như kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, áp lực lạm phát lớn, nợ xấu có xu hướng tăng. Sự phục hồi chưa đồng đều, một số nơi chưa quyết liệt trong thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Giải ngân đầu tư công vẫn chậm. Vốn FDI đăng ký mới chưa cao. Vẫn còn đó những băn khoăn của doanh nghiệp về áp lực tăng lương để thu hút và giữ chân người lao động; chưa giải ngân hết gói vay hỗ trợ trả lương cho người lao động; thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu tăng cao; một số thị trường bị ảnh hưởng lớn do những bất ổn chính trị giữa Nga và Ukraine.
Do vậy, để quyết liệt thúc đẩy chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính nhấn mạnh: Các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phải triển khai nhanh, đúng, đủ, để người dân và doanh nghiệp được hưởng thụ sớm, hưởng thụ thật, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; gia hạn nộp thuế; thực hiện các giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch cho các thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản. Bởi hiệu quả triển khai các chính sách và giải pháp của Chính phủ không chỉ phụ thuộc vào nội hàm chính sách mà còn phụ thuộc vào quá trình triển khai, thực hiện. Chính sách đúng được triển kịp thời sẽ làm tăng hiệu quả phục hồi.
Có như vậy chúng ta mới có thể tự tin bước qua bĩ cực, chuẩn bị tinh thần nguồn lực cần thiết cho một giai đoạn bùng nổ mới.
Diệu Hương