Về câu chuyện thu phí hay không thu phí?
Mới đây, ngày 1/9 Chính phủ đã ra quyết định thu phí đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam ở tất cả các nơi cách ly. Chi phí khám chữa bệnh tiếp tục do ngân sách nhà nước chi trả theo Khoản 2 Điều 48 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Có thể nói, việc thu phí cách ly đối với người nhập cảnh theo từng mức là một chủ trương sáng suốt được mọi người ủng hộ, tuy nhiên nhiều người lại phản ứng một cách thái quá, bức xúc và tiêu cực.
Cụ thể, sau khi có quyết định thu phí cách ly đối với người nhập cảnh, một số người đã vội vàng phản ứng gay gắt rằng: “Nếu thu phí sẽ dẫn đến hệ lụy trốn cách ly; Bên Úc, Mỹ, Hàn… người ta có thu phí cách ly của người dân không mà Việt Nam lại đi thu? Bọn quan lại ăn hết tiền của dân; Vé đã mắc gấp 3 lần bình thường giờ lại bắt trả phí cách ly thì khác gì ăn cướp? Toàn trục lợi bản thân….” Tuy nhiên các bạn đã đặt vào hoàn cảnh của nhà nước của Chính phủ để suy nghĩ chưa?
Tôi ủng hộ việc thu phí, bởi lẽ, việc này đã được nhiều nước như Úc, Đài Loan hay Hàn Quốc, họ đã thu phí từ lâu. Hay nói đơn giản về một trường hợp tương tự Việt Nam chẳng hạn, đó là câu chuyện ở Philippines, chính quyền quốc gia này tuyên bố “hết tiền” và “cạn ngân sách”, vì thế không thể hỗ trợ được nhân dân Philippines nữa. Thực tế, chi phí đó đắt không? Có đến mức phải trốn cách ly không? Hãy khoan nói đến việc cách ly tại các khách sạn hạng sang hay các khu nghỉ dưỡng, thường chỉ có những du học sinh, người Việt có điều kiện hoặc người nước ngoài lựa chọn.
Nếu chỉ tính riêng tại các khu cách ly tập trung, mức phí vẫn thực sự dễ chịu và phù hợp với đa phần người Việt từ nước ngoài. Trong đó, chi phí tạm tính sẽ vào khoảng 150 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng cho một ngày đêm. Vậy nếu tính hết chu kỳ cách ly 14 ngày, khoản tiền đó rơi vào khoảng từ 2,1 triệu đồng đến 2,8 triệu đồng và dĩ nhiên có thể hơn. Trong khi đó, Chính phủ cam kết vẫn điều trị miễn phí với các công dân Việt Nam nhiễm Covid-19. Trong điều kiện ngân sách nhà nước đang eo hẹp do dịch bệnh, thu ngân sách thấp hơn chỉ tiêu đặt ra chỉ bằng 70%, chính sách đó quá là nhân văn, phải không?
Việc gì phải ca thán cơ chứ. Không những thế, cách ly có thu phí sẽ giảm được gánh nặng không chỉ cho các cơ sở cách ly của Nhà nước mà còn tạo thêm doanh thu cho các doanh nghiệp, các khách sạn… Mặt khác, việc cách ly có thu phí tại những khách sạn, resort sẽ giúp cho người nhập cảnh vào Việt Nam yên tâm về mặt dịch tễ, tránh trường hợp lây nhiễm chéo và quá tải trong các khu cách ly.
Thực tế, có rất nhiều người đang mong mỏi được trở về Việt Nam dù có mất phí cách ly đi chăng nữa, ông Nguyễn Văn Nguyên làm việc ở Băngkok nói: “Tôi rất ủng hộ quy định thu phí cách ly đối với người từ nước ngoài trở về, song có thể chia thành nhiều mức. Người có điều kiện có thể thực hiện cách ly ở nơi có tiện nghi tốt với chi phí cao. Còn người không có điều kiện có thể cách ly tại nơi bình dân với chi phí thấp”.
Chị Nguyễn Thương cho biết: “Không chỉ mình em mà nói chung những người Việt bị kẹt ở Thái Lan từ 5-6 tháng nay đều rất vui mừng khi có chuyến bay hồi hương. Xin cảm ơn Nhà nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và các cơ quan chức năng đã tổ chức chuyến bay này. Trước thông tin sẽ tiến hành thu phí đối với người cách ly, em cũng hiểu là Nhà nước mình đã hỗ trợ một thời gian dài rồi nên việc thu phí cách ly là hợp lý”.
Trước đó, để bảo đảm cho việc cách ly, ngân sách Nhà nước và các địa phương đã phải sử dụng đến một nguồn kinh phí tài chính không hề nhỏ. Điều này vừa thể hiện truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc Việt Nam; vừa khẳng định quyết tâm chống dịch của Đảng và Chính phủ. Lúc này, trong khi điều kiện đất nước còn khó khăn, chỉ cần mỗi người một ít, chi trả phí ăn ở khi cách ly, hoặc ai có điều kiện hơn nữa thì trả theo nhu cầu ở dịch vụ. Đó là một phương án hợp tình hợp lý. Nếu việc thu phí cách ly (gắn với từng nhóm cụ thể) được thực hiện khoa học, hợp lý sẽ là biện pháp nhằm giảm tải gánh nặng kinh tế lên Chính phủ, Nhà nước. Đồng thời, là cơ sở để chúng ta có thêm nguồn lực phục vụ cho những hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm hiệu quả, thiết thực.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả