+
Aa
-
like
comment

Về câu chuyện cột điện gãy!

Hải Anh - 20/09/2020 18:28

Mới đây trên mạng xã hội xôn xao hình ảnh kèm theo các bài viết, bình luận về việc cột điện tại số nhà 102 Tôn Đản, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng bị gãy đổ do ảnh hưởng bởi cơn bão số 5, dư luận nghi ngờ cột điện bị đứt gãy không có lõi sắt thép… Và lợi dụng điều này một số đối tượng chống phá đã có những bài viết xuyên tạc hạ bệ hình ảnh của ngành điện lực Việt Nam.

Tuy nhiên thực hư câu chuyện cột điện bê tông không có lõi sắt thép là sai sự thật bởi cột điện ngày nay được đúc theo công nghệ ly tâm dự ứng lực, ưu việt hơn công nghệ cũ bằng cốt thép dẻo. Theo công nghệ mới thì cột điện được gia cố bằng cốt thép cỡ phi 6, loại thép đã kéo căng, gia cố cứng để tăng cường khả năng chịu lực. Do vậy, khi bị gãy các thanh thép sẽ bị gãy cắt ngang không như loại thép thông thường có độ uốn dẻo. Vì vậy, khi có lực tác động lớn làm gãy cột, các sợi thép này có xu hướng tụt vào bên trong thân cột (khoảng 1cm, do trước đó đã được kéo giãn) do đó mà nhìn thoáng qua sẽ không nhận thấy các thanh thép bên trong.

Nhiều cây cột điện ở Đà Nẵng bị gãy khi được các trang mạng đăng tải đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Bê tông được ứng suất trước, kết hợp với quay ly tâm đã làm cho bê tông của sản phẩm đặc, chắc, chịu được tải trọng cao, không nứt, tăng khả năng chống thấm, chống ăn mòn cốt thép, ăn mòn sulphate, sử dụng rất phù hợp với các vùng ven biển, nước mặn… Bên cạnh đó, cột điện bê tông công nghệ ly tâm ứng suất trước sử dụng lõi thép cường độ cao nên có ít thép hơn so với lõi cột bê tông thường trước đây và giá thành cũng thấp hơn so với những cột điện theo công nghệ cũ trước đây. Và trên thế giới, nhiều quốc gia tiên tiến họ cũng sử dụng cột điện loại này.

Thực tế, công nghệ này được sử dụng từ lâu ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. So với cột điện thông thường, thép sử dụng theo công nghệ mới có hàm lượng cacbon cao, sẵn sàng chịu được lực, cường độ với giới hạn chảy, bền cũng gấp 3 lần bình thường. Về mặt trọng lượng, sản phẩm cũng nhẹ hơn tạo thuận lợi trong vận chuyển, di dời. Với chất lượng tốt, giá thành rẻ so với thông thường nên việc được sản xuất ngày càng phổ biến là điều không quá khó hiểu

Cột điện dự ứng lực bị gãy trong cơn giông, nguyên nhân là do ảnh hưởng của bão số 5 làm cây to ngã đè vào đường dây, tác động lực quá lớn kéo gãy cột. Chúng ta lên án cái xấu, cái sai cũng cần khách quan và có chuyên môn, không nên kết luận xuyên tạc ngành điện lực là ăn bớt, tham nhũng, làm ẩu khi chưa có đủ căn cứ.

Do đó, việc nghi ngờ cho rằng “cột điện không đảm bảo chất lượng” hay cho rằng nhà thầu “ăn bớt sắt thép”… như một số tờ báo và một số cộng đồng mạng là hoàn toàn sai sự thật. Vậy nên bản thân mỗi tờ báo hay cộng đồng mạng cần hết sức tỉnh táo và cần phải tìm hiểu rõ về sự thực vụ việc trước khi đăng tải trên không gian mạng, không để những thông tin của những đối tượng phản động dắt mũi, lôi kéo.

Tuy nhiên, thiết nghĩ qua vụ việc này cơ quan chức năng và ngành Điện lực Việt Nam cần phải có trách nhiệm đánh giá, xem xét khả năng chống chịu mưa bão đối với trụ điện này đối với các tỉnh miền Trung – nơi chịu nhiều mưa bão nhất cả nước. Bởi loại trụ điện này chỉ bị quật ngã đổ bởi gió bão rất mạnh, cường độ lớn nhưng bị gãy ngang (cả lõi thép cứng và giòn bên trong) khi không chịu đựng nổi sức gió cực mạnh. Do đó phải có giải pháp tăng cường khả năng chịu lực ở các vị trí xung yếu của lưới điện sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của các tỉnh miền Trung.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều