Về cái gọi là tương lai của đất nước qua bức ảnh người vô gia cư
Dùng bức ảnh ai đó chụp được một em bé vô gia cư nằm ngủ bên vỉa hè ở TP.HCM, Phạm Minh Vũ gọi đó là viễn cảnh tương lai đất nước “nghèo đói ăn bờ ngủ bụi”.
“Một buổi trưa, không nhất thiết phải là trưa tháng Chạp hay bất kỳ tháng nào trong năm, người ta bắt gặp những đứa bé nằm ngoan ngoãn trên đường phố. Bên cạnh các em có thể là đồ đạc, rác rưởi, những tấm bảng xin tiền hoặc thậm chí chẳng có gì. Em nằm đó ngoan ngoãn, giữa một thành phố được mệnh danh là giàu có nhất thế giới, với những tòa nhà chọc trời, đại lộ thênh thang và những công ty lớn nhất thế giới. Nơi em sinh ra và lớn lên là đất nước giàu có nhất thế giới, với nhiều người giàu có nhất hành tinh, nhưng em vẫn phải ngủ trên vỉa hè. Thành phố đó tên là New York, nơi thịnh vượng nhất nước Mỹ. Em nằm đó, em nghĩ gì?”
Lập tức chộp lại đoạn văn trên và thay bằng các chữ “TP. HCM”, “Việt Nam” cùng vài chi tiết khác, Phạm Minh Vũ dùng nó để quy chụp, kích động về tình hình xã hội của Việt Nam.
Theo các số liệu thống kê vào tháng 10/2021, toàn thành phố New York có tới gần 50 nghìn người vô gia cư, và 1/3 trong số đó là trẻ em. Nếu tính cả năm 2021 thì con số còn khủng khiếp hơn, với gần 30 nghìn lượt trẻ em vô gia cư từng cư trú trong các khu tạm trú cho người vô gia cư trong thành phố, và 4000 em khác sống trong công viên, ô tô hoặc các khu nhà bỏ hoang. Sự thịnh vượng chung của thành phố không đảm bảo mức sống cao cho toàn bộ người dân, và các nhà kinh tế gọi đây là hiện tượng bất bình đẳng thu nhập. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới năm 2018, chỉ số bất bình đẳng thu nhập (Gini) của nước Mỹ là 41,4 tức là còn cao hơn nhiều so với kết quả 35,7 của Việt Nam.
Thủ đoạn dùng hình ảnh tương phản để xuyên tạc này được Phạm Minh Vũ sử dụng khá nhiều trong các bài viết của mình. Trong một bài khác, Vũ dùng hình ảnh một bà cụ già bán vé số đi bộ dưới hàng cờ đỏ rồi rêu rao “tại sao đất nước nhiều dự án nghìn tỷ mà không lo cho cụ để cụ phải khổ sở như vậy”. Một bài viết nữa lấy hình ảnh một bà cụ đẩy xe nhặt ve chai giữa phố phường nhộn nhịp và “nhai lại” điệp khúc “sao chính quyền sung sướng mà để dân khổ”.
Hình ảnh rừng cờ rừng hoa rợp phố phường những ngày giáp tết, mọi người hồ hởi cùng nhau đi mua sắm sau một năm dù có nhiều khó khăn nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng; Những con phố tắc nghẽn xe ô tô và xe máy, đèn điện sáng choang thể hiện sự phục hồi mãnh liệt của đất nước trong thời kỳ “bình thường mới”. Tại sao Phạm Minh Vũ không dùng những chi tiết hiển hiện trước mắt này để mô tả “Tương lai đất nước”, mà phải cố bới móc cho ra những góc nhìn đơn lẻ, phiến diện? Đó chẳng qua chỉ là xảo ngôn dùng hình ảnh trẻ em, những người già vất vả vốn luôn có sức lay động lòng cảm thương trong mỗi người Việt Nam không phân biệt giai cấp, tuổi tác.
Trong những ngày trước Tết, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và chỉ đạo từ sớm các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến tất cả các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhân khó khăn và người nhiễm chất độc da cam/dioxin, không để ai bị bỏ lại phía sau, không ai là không có Tết. “Không để ai bị bỏ lại phía sau” cũng là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước lâu nay, thể hiện ở việc luôn quan tâm chăm lo cho cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người khó khăn, yếu thế, trẻ em, người cao tuổi. Em bé vô gia cư trong bức ảnh của Phạm Minh Vũ đã được ai đó đặt vào tay một ổ bánh mì, những người già neo đơn cũng được không ít người qua đường giúp đỡ.
Tương lai của đất nước trong những năm tới rất triển vọng qua các số liệu dự báo tăng trưởng kinh tế của Ngân hàng thế giới cùng nhiều tổ chức khác. Tương lai của đất nước trong nhiều năm sau cũng chắc chắn rất tươi sáng vì lịch sử đã chứng minh người Việt Nam có tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, từng cùng nhau lập nên nhiều chiến công hiển hách trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Dù Phạm Minh Vũ có bới móc, cố tìm ra những góc khuất nào đó trong dòng chảy phát triển của đất nước để xuyên tạc hay bôi nhọ thì cũng không thể phủ nhận đi thực tế ấy.
An Diễm