Về bản kiến nghị có vấn đề ngay sát ngày xét xử vụ Đồng Tâm
Từ chuyện Nguyễn Văn Đài bốc phét, xuyên tạc về vụ án Đồng Tâm, chợt quan tâm đến các luật sư tham gia phiên tòa lần này, chợt cũng thấy nực cười không kém. Chẳng là 13 luật sư tham gia bào chữa cho vụ án tại Đồng Tâm vừa soạn và gửi lá “đơn kiến nghị trước ngày xét xử” gửi đến chủ tọa phiên tòa. Tuy nhiên, chưa bàn tới nội dung lá đơn, chỉ để ý qua, ta thấy sự bất thường trong lá đơn của mấy vị luật sư này.
Về mặt thời gian, lá đơn được gửi ngay trước ngày làm việc chính thức cuối cùng trước khi phiên tòa diễn ra. Đó là vào thứ 6 ngày 4/9, trong khi hôm nay (thứ 2, ngày 7/9) là phiên tòa bắt đầu diễn ra rồi. Thử hỏi tinh thần cầu thị của các quý vị ở đâu khi các vị luật sư này hoàn toàn có thể gửi lá đơn sớm hơn để cơ quan chức năng giải quyết nội dung kiến nghị của các vị (nếu nó đúng). Lẽ dĩ nhiên, để chuẩn bị cho phiên tòa thì các cơ quan chức năng sẽ làm việc cả thứ 7, chủ nhật tuần này rồi nhưng có những nội dung kiến nghị chắc chắn ngày cuối tuần sẽ không thể giải quyết được.
Xét một cách toàn diện về nội dung thì khá khó phân biệt đâu là phần trình bày, đâu là phân kêu than và đâu là phần kiến nghị. Nhưng điều đáng nói ở đây chính là nhiều nội dung trong lá đơn này chính là những lập luận quan trọng mà các luật sư sẽ nêu ra trước tòa để bênh vực cho thân chủ của mình. Vậy tại sao khi phiên tòa chưa diễn ra mà các vị đã phơi nó hết lên các trang mạng xã hội rồi?
Về phần lập luận, cũng có nhiều cái theo quan điểm cá nhân thì nó có vấn đề:
Thứ nhất, các anh viện dẫn quy định của Pháp luật rằng “…không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa án do đó, việc Viện KSND TP Hà Nội vội vàng quy kết hành vi của Lê Đình Kình đã phạm tội giết người theo quy định tại khoản 1 điều 123 Bộ Luật Hình sự là trái quy định của pháp luật”. Nhưng xin thưa, chưa ai gọi Lê Đình Kình là tội phạm mà người ta mới chỉ nói rằng hành vi của nhóm người Lê Đình Kình đã phạm vào tội “Giết người” được quy định tại điều 123 Bộ Luật Hình sự, cụ thể là ở khoản 1 điều này. Giải nghĩa theo khoa học hình sự và khoa học tố tụng thì thuật ngữ “hành vi phạm tội” hay “hành vi vi phạm pháp luật hình sự” không hoàn toàn đồng nhất với việc quy kết kẻ thực hiện hành vi đó là có tội hay là tội phạm. Cáo trạng ghi “hành vi của Lê Đình Kình đã phạm tội giết người” theo quy định tại…” chỉ là nhận định, đánh giá tính chất, mức độ vi phạm của hành vi và viện dẫn điều khoản cụ thể quy định tội danh mà hành vi đó thỏa mãn chứ không phải khẳng định Kình là tội phạm.
Thứ hai, các anh luật sư bảo việc cơ quan tố tụng thực hiện khám nghiệm mổ tử thi Lê Đình Kình mà không có sự đồng ý hoặc chứng kiến của đại diện gia đình Lê Đình Kình là không đúng với quy định của pháp luật. Nhưng các anh không chỉ ra được quy định nào của Pháp luật quy định rằng việc khám nghiệm tử thi bắt buộc phải được sự đồng ý và phải có sự chứng kiến của gia đình người chết. Cả trong Luật Dân sự và Luật Tố tụng hình sự đều không quy định việc khám nghiệm tử thi bắt buộc phải có sự đồng ý hoặc chứng kiến của gia đình, thân nhân tử thi. Trong Luật Tố tụng hình sự chỉ có duy nhất 1 trường hợp khám nghiệm tử thi mà bắt buộc phải có sự đồng ý của gia đình, thân nhân tử thi là trường hợp phải khai quật mồ mả để khám nghiệm tử thi đã chôn cất. Các anh là luật sư hẳn phải nắm luật chứ?
Ý kiến cá nhân là vậy, còn các vị đúng hay sai, có căn cứ đến đâu thì xin nhường lại cho Viện kiểm sát và tòa án sẽ xem xét, giải quyết, phúc trình lại cho các quý vị. Nhưng cần lưu ý rằng, nếu đó là các lập luận có giá trị, then chốt và có thể cứu được tính mạng của thân chủ các vị thì theo lẽ thông thường, các luật sư sẽ giấu bài đến lúc tranh tụng sẽ tung ra. Đằng này các vị lại đang đi ngược lại quy luật bình thường đó. Phải chăng mặc dù các vị nêu lên những lập luận trên nhưng những lập luận đó yếu, không xác đáng nên các vị đã tính đến bài viết đơn kiến nghị và đăng công khai, một mặt các vị sẽ định hướng dư luận theo những lập luận của các vị, hai là gây áp lực ngay lên phiên tòa trước khi nó diễn ra theo ý muốn của các vị. Đặc biệt, có một điều các vị có thể nghĩ tới hoặc không, đó là những lập luận của các vị luật sư đang được những kẻ chống phá, những kẻ bình thường đã xuyên tạc một cách vô căn cứ, nay được các vị gợi ý thì khác nào vẽ đường cho chúng.
Có một câu chuyện vui, đó là trước khi bị xét xử, người bao che cho kẻ phạm tội là đồng phạm, còn đến khi ra tòa thì người bao che lại được gọi là luật sư. Dĩ nhiên, không đồng tình với nội dung câu chuyện này vì nó đánh tráo bản chất sự việc như cái cách nhóm người chống phá đánh tráo bản chất vụ án Đồng Tâm lần này. Mong rằng, các vị luật sư trong vụ án Đồng Tâm sẽ là những người bảo vệ công lý chứ không phải là kẻ bênh vực cái sai.
Hạ Trắng (TH)