Vật thể lạ phát nổ, tỏa sáng hàng trăm km trên bầu trời Úc
Các nhà khoa học vừa xác định vật thể lạ ở Úc – một quả cầu lửa lớn, phát nổ với âm thanh dữ dội và tia sáng có thể nhìn thấy từ hàng trăm km – là một vị khách từ vũ trụ.
Các đoạn phim ghi lại khoảnh khắc vật thể lạ bay qua bầu trời nước Úc và phát nổ đã giúp các nhà khoa học xác định đó là một thiên thạch, thậm chí dự đoán được tình trạng và kích thước của nó, theo Live Science.
Vụ việc gây xôn xao đến từ hàng loạt cảnh quay được phát tán trên các nền tảng mạng xã hội, ví dụ như cảnh quay từ sân bay Carins ở bang Queensland cho thấy vào lúc 9 giờ 22 phút tối 20-5 (giờ địa phương), có một tia sáng màu xanh lục chiếu qua bầu trời đêm, sau đó là một chùm sáng cực mạnh.
Một số cảnh quay bằng điện thoại, camera hành trình của ô tô, camera an ninh cho thấy ánh sáng kinh hoàng nhìn thấy tận Normanton, cách Carins khoảng 600 km về phía Tây.
Dường như âm thanh từ vụ nổ kèm tia sáng chói lóa đó nghe rõ nhất đâu đó phía trên thị trấn Croydin, cách Normanton khoảng 100 km về phía Đông.
Nhà vật lý thiên văn Brad Tucker từ Đại học Quốc gia Úc cho rằng đó phải là một thiên thạch băng giá.
Trả lời phỏng vấn của The Guardian hôm 24-5, ông dự đoán vật thể vũ trụ này khá nhỏ, đường kính khoảng 0,5-1 m. Nó đã di chuyển với tốc độ lên tới 150.000 km/giờ
Đó là một may mắn bởi nếu thiên thạch lớn hơn, sóng xung kích từ vụ nổ ngay trên bầu trời Trái Đất có thể gây ra nhiều thiệt hại.
Tiến sĩ Tucker cũng cho biết vụ nổ màu xanh lá cây này là hiện tượng thiên thạch nổ tung trong bầu khí quyển Trái Đất do ma sát tích tụ trên đường di chuyển trong bầu khí quyển.
Hầu hết thiên thạch nổ phát sáng trắng, nhưng vật thể lạ ở Úc có thể mang màu xanh do có nồng độ cao các kim loại như sắt và niken. Nó có thể vẫn đóng băng khi phát nổ.
Bích Vân