Vào sân bay Nội Bài, lái xe “cắn răng” nộp phí gấp 10 lần BOT
Dù Thanh tra Chính phủ đã khẳng định việc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thu phí ô tô ra vào sân bay là không đúng quy định, nhưng đơn vị này vẫn thu tiền các xe ô tô ra vào sân bay Nội Bài, mặc cho các lái xe bức xúc.
Cố tình không chấp hành
Năm 2018, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố Kết luận thanh tra liên quan đến khoản 3.600 tỷ đồng sai phạm tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Theo kết luận của TTCP, chi nhánh cảng hàng không đang thu tiền sử dụng sân bay đường dẫn vào nhà ga đối với ô tô đưa đón, trả khách là không đúng quy định của pháp luật về đất đai do không phải nộp tiền thuế sử dụng đất từ năm 2012-2015 với số tiền hơn 550 tỷ đồng. Cũng tại kết luận này, TTCP đã khẳng định, trách nhiệm này thuộc về ACV-21.
Cũng theo TTCP, có tới 21/22 cảng do ACV quản lý đang thu tiền dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với các ô tô đưa, đón trả khách (không sử dụng dịch vụ trông, giữ xe; chỉ tạm dừng dưới 3-5 phút để đón, trả khách) với mức giá vé lượt 7.000-30.000 đồng và vé tháng từ 600.000 đến 1.650.000 đồng.
Chỉ tính từ ngày 1/10/2012 đến 31/12/2015, tổng doanh thu từ việc thu phí ra vào cảng hàng không là trên 550 tỷ đồng. Tại TPHCM, số liệu báo cáo của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho thấy, năm 2014 có khoảng 22.400 ô tô/ngày ra vào sân bay. Với mức thu thấp nhất là 10.000 đồng/lượt xe, bình quân cảng này thu ít nhất được hơn 220 triệu đồng/ngày, hơn 80 tỷ đồng/năm. Việc thu phí này diễn ra liên tục từ năm 2002.
Ngày 22/1/2019, Thanh tra Bộ Tài chính ra Kết luận Thanh tra số 72/KL-TTr về việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP.
Theo đó, Thanh tra Bộ Tài chính đã kiến nghị với ACV: “Khẩn trương làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước về khoản thu giá sử dụng dịch vụ đường dẫn vào nhà ga Cảng hàng không tại ACV để thực hiện nộp Ngân sách Nhà nước đúng, đủ sau khi ACV được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 8978/VPCP-V.I ngày 19/9/2018.
Phản ánh đến Báo GD&TĐ, bạn đọc bức xúc cho rằng: “Với số tiền 15.000 đồng thu cho quãng đường khoảng 500m dẫn vào cảng sân bay Nội Bài như vậy là quá cao, gấp hơn 10 lần tiền phí của 1km đường cao tốc BOT. Một cái giá “cắt cổ” như vậy nhưng đến nay chúng tôi vẫn phải “cắn răng” nộp khi muốn đi xe ô tô vào sân bay Nội Bài thì quả thật vô cùng phi lý”.
Theo tìm hiểu của PV, giá dịch vụ dừng, đỗ ô tô tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài hiện nay, cụ thể: Với 60 phút đầu tiên xe ô tô đến 9 chỗ phải trả 15.000 đồng/lượt; Xe ô tô từ 10-16 chỗ, xe bán tải, xe tải trên 1,5 tấn – 3,5 tấn: 20.000 đồng/lượt; Ô tô từ 17-29 chỗ, xe tải trên 3,5 tấn đến 7 tấn: 30.000 đồng/lượt: Ô tô từ 30 chỗ trở lên, xe tải trên 7 tấn, xe kéo rơ-mooc, xe container: 40.000 đồng/lượt.
Ngoài ra, mỗi block 30 phút tiếp theo các xe phải chịu thêm từ 5.000 đến 15.000 đồng tuỳ loại. Giá dịch vụ chỉ bao gồm vị trí dừng, đỗ xe, không bao gồm dịch vụ trông, giữ xe.
… có sự hậu thuẫn bất thường
Trước đó, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Vũ Văn Ninh – Nguyên Uỷ viên Ban cán sự đảng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, do trong quá trình phụ trách lĩnh vực đổi mới doanh nghiệp từ tháng 8/2011 đến tháng 4/2016, ông Vũ Văn Ninh đã ký nhiều văn bản trái với Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ về cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, có việc đồng ý chủ trương cổ phần hoá Công ty mẹ – Tổng Công ty cảng Hàng không Việt Nam (doanh nghiệp này không thuộc đối tượng cổ phần hoá).
Ban Bí thư cũng quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT bằng hình thức cách chức Uỷ viên Ban cán sự đảng Bộ GTVT nhiệm kỳ 2011 – 2016, 2016 – 2021. Do trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ GTVT ông cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ GTVT.
Ngoài ra, ông Trường chịu trách nhiệm cá nhân về ký các quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị thuộc Bộ GTVT, đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa, cho cổ phần hóa,… không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định của pháp luật về cổ phần hóa, quản lý vốn tại các doanh nghiệp.
Ông Trường cũng đồng ý cho ACV thực hiện một số hoạt động không đúng với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2013 và các quy định của Chính phủ; thiếu kiểm tra, để các doanh nghiệp được phân công phụ trách vi phạm, khuyết điểm gây thất thoát tài sản của nhà nước.
(Theo Giáo Dục & Thời Đại)