+
Aa
-
like
comment

Vào Quốc hội làm gì?

23/03/2021 09:31

Một sáng sớm năm năm trước, tôi gọi cậu cả vào phòng và tuyên bố quyết tâm ứng cử vào Quốc hội.

Con trai tôi tròn mắt ngạc nhiên. Từ trước đến giờ bố nó luôn nói không quan tâm đến chính trị, chỉ thích làm chuyên môn. Quả thật, đêm hôm trước tôi đã mất ngủ vì quyết định đột ngột ấy.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu tranh luận trước Quốc hội

Gần 45 tuổi, cái tuổi mà sự thay đổi con đường mình đã chọn có vẻ đã muộn. Ngay từ thời sinh viên, với thành tích xung phong đi cứu trợ miền Trung, tôi đã được xét đặc cách vào Đảng như các bạn cùng đoàn. Nhưng tôi đã từ chối, phần vì quá bận chuyên môn, phần vì nghĩ rằng vào Đảng sẽ đi theo con đường chính trị, sẽ trở thành ông nọ bà kia, tôi chùn bước.

Những năm tháng lăn lộn trong nghề Y, đi chữa bệnh khắp hang cùng ngõ hẻm ở Việt Nam rồi Myanmar, Ấn Độ, Philippines, Kazakhstan, Mông Cổ… tôi đã nghĩ cuộc đời mình sẽ chỉ đi theo một hướng đã chọn như định mệnh.

Định mệnh ấy bỗng chốc thay đổi chỉ sau một cuộc nói chuyện với vị bộ trưởng Bộ Y tế Myanmar. Ông rất khâm phục những gì nền y tế Việt Nam làm được cho trẻ em. Các em bé dưới 6 tuổi đều được nhà nước cấp bảo hiểm miễn phí. Chính vì vậy, số ca phẫu thuật can thiệp của chúng ta luôn đứng hàng cao trong khu vực. Tay nghề của nhân viên y tế cũng được trau dồi.

“Làm được như vậy ở Myanmar vô cùng khó khăn”, ông nói. Việc thay đổi luật pháp và cả tư duy của những người điều hành là quá trình rất dài, mất nhiều mồ hôi và cả sự hy sinh. Quan trọng nhất là Myanmar nhiều năm không có nhà chuyên môn y khoa nào lên tiếng trong quốc hội. Chữa được một ca bệnh đã khó, thay đổi được tư duy làm chính sách để giúp cho hàng triệu trẻ em là điều đáng quý vô cùng.

Tôi đã xúc động biết bao khi nghe điều ông nói. Cân nhắc rất nhiều ngày, tôi đã quyết định hy sinh một phần những đam mê, dành quỹ thời gian ít ỏi của mình cho một hoạt động hoàn toàn mới lạ. Thật may mắn, do có vị “thân sinh” đã hoạt động ba khoá Quốc hội nên tôi được truyền lại cả kho kinh nghiệm. Đó là hành trang vô cùng quý giá đối với tôi.

Tôi bắt đầu chiến dịch “tranh cử” đại biểu Quốc hội đầu tiên của mình vào năm 2016. Vượt qua vòng hiệp thương ở Tổng hội Y học và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi trở thành đại diện của nhân viên y tế toàn quốc tham gia tranh cử đại biểu Quốc hội khoá XIV. Với tham vọng giúp xây dựng một viện tim hoàn chỉnh, tôi đã chọn An Giang, nơi có một trong ba viện tim mạch trong cả nước, ngoài Hà Nội và TP HCM.

Hôm đầu tiên vận động tranh cử, tôi và vài người bạn thân đã vào Cần Thơ để sáng hôm sau xuống Long Xuyên sớm. Nhưng sau bữa cơm tưng bừng buổi tối muộn, tôi đành lủi thủi một mình bước vào buổi tiếp xúc cử tri đầu tiên.

Với cương lĩnh tranh cử khá ngắn gọn gồm ba ý: xây dựng Bệnh viện Tim An Giang ngày càng phát triển, chăm lo an sinh xã hội cho bà con trên địa bàn và công tác thiện nguyện cho trẻ em vùng khó khăn. Tôi khá “ngộp” trước các ứng cử viên nhiều kinh nghiệm ở cùng bảng với mình. Nghe các anh chị diễn thuyết, bản thân tôi cũng còn mê vì bức tranh được dựng lên đẹp quá. Thậm chí có lúc mải nghe quá nên thời gian dành cho tôi bị hết, tôi cũng chẳng khiếu nại vì tôi nghĩ nếu họ được bầu mà làm đúng những điều đã đề ra thì còn mong gì hơn thế.

Tôi không hề lo lắng hay sợ “trượt”, vì đã xác định đây là một trải nghiệm, được hiểu hơn về con người và xã hội, được lưu giữ những kỷ niệm không bao giờ quên.

Người anh – nghệ sĩ Chí Trung nổi tiếng, đã đi phát tờ rơi cổ động cho tôi ở An Giang. Nhưng hoá ra dân vùng này họ không mê hài miền Bắc lắm. Mọi khi, chỉ nhìn mặt anh Chí Trung, người ta đã cười, còn hôm ấy anh cười mỏi miệng, ngoác đến mang tai mà chả thu hoạch nổi vài ánh mắt trìu mến ủng hộ chúng tôi.

Rồi khi đăng ký sơ yếu lý lịch để niêm yết, tôi chẳng biết mô tê, tự khai là hệ số trách nhiệm 6.2 như hệ số lương mình đang lĩnh khiến cô nhân viên Văn phòng Quốc hội trợn mắt ngạc nhiên “vì bộ trưởng còn không bằng”. Tra cứu mãi, với chức vụ của tôi thời điểm ấy, hệ số chỉ có 0.3 – tương đương với phó phòng cấp huyện.

Trong bản sơ yếu ấy cũng ghi một dòng rất to là “ngày vào Đảng”, tôi bèn điền “chưa vào” khiến có vị cử tri lão thành thắc mắc, chắc tôi có “phốt” gì lớn lắm nên mới không được kết nạp Đảng viên. Chẳng biết trả lời cụ thế nào, tôi chỉ còn cách phân bua rằng nhà con, từ ông nội, ông ngoại đến bố đều không phải Đảng viên, nhưng không phút giây nào ngừng suy nghĩ cống hiến cho đất nước.

Nửa đêm ngày bầu cử, chuông điện thoại reo, chị Bí thư Tỉnh ủy An Giang thông báo rằng tôi trúng cử với số phiếu hơn 60%. Một chút bất ngờ, một thoáng vỡ oà, nhưng ngay sau đó là nỗi lo vì nhiệm vụ nặng nề mà người dân đã tin tưởng đặt lên vai tôi. Cử tri bầu cho tôi chắc có niềm tin vào những dự án không quá vĩ mô nhưng lại thiết thực với đời sống của họ.

Kể từ hôm “thắng cử” làm dân biểu cho bà con An Giang, cuộc sống của không chỉ tôi mà cả gia đình tôi đã thay đổi. Vừa làm chuyên môn, tôi phải lo thực thi trách nhiệm người đại biểu với những lời hứa của mình trước cử tri.

Năm năm trôi qua như một cơn gió, vậy là đã đến buổi tiếp xúc cử tri cuối cùng trong nhiệm kỳ Quốc hội vào ba tuần trước. Vẫn những bức xúc, kiến nghị mà hướng giải quyết còn lắm chông gai. Những nông dân thật thà chất phác kỳ vọng vào “ông” dân biểu này nhiều quá, mà tôi làm chẳng được bao nhiêu.

Chỉ năm năm, nói hơi quá, An Giang đã như là quê hương thứ hai của tôi, quả thật tôi cảm thấy thực sự gắn bó với mảnh đất và con người nơi này. Vui nhất là tôi mới được chứng kiến các cậu học trò ở đây xử lý một ca bệnh rất khó mà tôi không phải “xỏ găng”. Rồi lại được nghe người bạn đàn và hát tặng bài “chia tay”, nhưng tôi xin đính chính, “tạm biệt” thôi anh nhé. Bởi, những khó khăn vướng mắc không phải một sớm một chiều giải quyết hết được, tôi chỉ biết chia sẻ với bà con và cố gắng hết khả năng nhỏ bé của mình.

Nhớ lại buổi nói chuyện với Bộ trưởng Y tế Myanmar về chính sách cho trẻ dưới 6 tuổi, chính trong nhiệm kỳ này, khi sửa đổi Luật Giáo dục, nếu không chú ý, tôi đã không kịp sửa lại dòng chữ “chăm sóc sức khỏe ban đầu miễn phí” thành “chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi”.

Vẫn có người nói, đại biểu Quốc hội chủ yếu sửa câu từ. Nhưng tôi tin rằng, trong nhiều trường hợp, một câu, một từ vô cùng quan trọng. Ban soạn thảo “chỉ” thêm vào hai từ, nhưng quyền lợi của hàng triệu trẻ em đã bị giảm đi đáng kể.

Tôi cũng tin những đại biểu thực sự vì dân luôn mong muốn đóng góp và thay đổi được nhiều hơn là việc “sửa câu từ”.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều