Vào Đại học không phải con đường duy nhất để lập nghiệp
Vào Đại học là ước mơ của nhiều học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì vậy, sau Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia, nhiều em có tâm lý hoang mang, buồn bã, mất hy vọng bởi kết quả không như ý.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Đại học không phải con đường duy nhất để lập nghiệp. Các bạn trẻ có thể lựa chọn hướng đi khác với những kỳ tuyển chọn vào các bậc học thấp hơn nhưng tương lai vẫn rộng mở.
Động lực mới cho giáo dục nghề nghiệp
Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, kết quả tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2018 đã vượt chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh 2,2 triệu người. Các trường Trung cấp, Cao đẳng tuyển sinh song song cùng các trường Đại học. Nhiều trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu, tổ chức khai giảng sớm; phổ điểm thí sinh vào cao đẳng cao hơn. Số học sinh Trung học Cơ sở vào học nghề tăng cao.
Cũng theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2018, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ Cao đẳng, Trung cấp có việc làm ngay đạt khoảng 85%. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng nhận định: Thị trường lao động đang tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động trẻ. Thực tế, trong những năm qua, sau các kỳ thi tốt nghiệp Trung cấp, Cao đẳng nghề, có rất nhiều doanh nghiệp tham gia tuyển dụng ngay sinh viên tại các trường. Có những ngành nghề, học sinh sinh viên chưa học xong, doanh nghiệp đã đến đặt vấn đề tuyển dụng. Một số trường tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên; cam kết giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp…
Trong giai đoạn “thừa thầy, thiếu thợ” và tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm hàng năm cao như hiện nay, việc lựa chọn học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể coi là hướng đi mới. Phân tích về các lợi ích khi học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ông Trương Anh Dũng cho biết: Về thời gian đào tạo, chương trình giáo dục nghề nghiệp (Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng) ngắn hơn chương trình giáo dục Đại học. Đào tạo trình độ sơ cấp dưới 1 năm, hệ Trung cấp từ 1-2 năm, hệ Cao đẳng là 3 năm. Tần suất tuyển sinh quanh năm chứ không quy định theo đợt. Điều này tạo ra “đầu vào” linh hoạt cho học sinh, người lao động có nhu cầu học nghề. Về chi phí, chương trình giáo dục nghề nghiệp thấp hơn so với đào tạo Đại học. Mặt khác, Nhà nước đang có chính sách hỗ trợ cho người tốt nghiệp Trung học Cơ sở khi tham gia học Trung cấp được miễn học phí. Điều này tạo ra động lực, cách nhìn mới về giáo dục nghề nghiệp.
Xác định 2018 là năm đột phá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phát triển rộng khắp, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo. Các điều kiện đảm bảo chất lượng được tăng cường; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Chất lượng nhân lực qua giáo dục nghề nghiệp từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực triển khai việc đào tạo gắn với nhu cầu thị trường, kết nối doanh nghiệp, đồng thời chuyển mạnh sang đào tạo theo đơn đặt hàng, theo đầu ra. Các địa phương đã quan tâm đến hoạt động gắn kết với doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động hơn trong việc phối hợp với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường.
Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội từng bước thực hiện chuẩn hóa giáo dục nghề nghiệp, đổi mới các chương trình đào tạo nhằm thu hút người học, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo với nước ngoài – công nhận văn bằng chứng chỉ. Điển hình như, đào tạo trình độ Cao đẳng theo chương trình, công nghệ đào tạo chuyển giao từ nước ngoài để cấp bằng Cao đẳng quốc tế (Diploma) của quốc gia chuyển giao chương trình; đào tạo kép gắn với doanh nghiệp, đào tạo đặt hàng; mở rộng tổ chức đào tạo theo hình thức thường xuyên (vừa học, vừa làm), phương thức đào tạo theo tích lũy mô đun; đào tạo theo mô hình Kosen…
Nhiều cơ hội cho học sinh, sinh viên
Bên cạnh việc phân luồng cho học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng hướng tới việc đào tạo cao đẳng liên thông từ trung cấp cho hoạt học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở (chương trình 9+).
Cụ thể, chương trình 9+ là mô hình đào tạo song hành học nghề – văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 9 và có thể tiếp tục liên thông lên bậc Cao đẳng, rút ngắn thời gian đào tạo. Mô hình này đã triển khai thành công ở nhiều nước trên thế giới. Điển hình là tại Đức với mô hình đào tạo kép và tại Nhật Bản với mô hình đào tạo Kosen.
Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp và thông lệ quốc tế, học hết lớp 9, học sinh có quyền lựa chọn học nghề ngắn hạn trong thời gian 6 tháng đến 1 năm, tham gia thị trường lao động ngay tại các trung tâm dạy nghề. Các em không phải làm những công việc độc hại, được pháp luật cho phép độ tuổi từ 16 đến 18. Lựa chọn khác dành cho các em tham gia chương trình đào tạo 9+2, 9+3, 9+4, 9+5 để theo 8 bậc của Khung trình độ quốc gia. Sau 2 năm, các em lấy bằng Trung cấp, sau đó có thể học liên thông lên Cao đẳng, Đại học, không phải học lại những nội dung đã được học…
Chương trình này được thiết kế chặt chẽ, linh hoạt, để bảo đảm người học tùy theo điều kiện của mình, có thể học liên tục theo các giai đoạn của chương trình, hoặc cũng có thể dừng học để tham gia vào thị trường lao động với trình độ tương ứng với quá trình học tập. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Quân cho rằng, việc học Trung cấp ngay sau khi tốt nghiệp lớp 9 là một lựa chọn khả thi. Thay vì mất thêm 3 năm theo học Trung học Phổ thông, học nghề ngay từ khi học xong lớp 9, học sinh hệ Trung cấp sẽ gia nhập thị trường lao động sớm hơn.
Trong khi đó, cơ hội học lên Cao đẳng, Đại học vẫn rộng mở. Hiện, doanh nghiệp tham gia thị trường lao động quan tâm nhiều hơn tới tay nghề, trình độ, thái độ làm việc của người lao động, thay vì chỉ quan tâm tới bằng cấp như trước. Học Trung cấp là một trong những con đường ngắn, phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp, thu nhập ổn định. Đồng thời, các em vẫn có cơ hội học tiếp lên Cao đẳng, Đại học sau này…
Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 đã giao nhiệm vụ cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp. Ngày 7/3/2019, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 07/2019/TT-BLĐTBXH, với nhiều điểm mới, tạo điều kiện cho các trường Cao đẳng, Trung cấp tuyển sinh năm 2019.
Thông tư tạo điều kiện cho việc đăng ký học hệ Trung cấp, Cao đẳng dễ dàng hơn. Người học có thể đăng ký liên thông lên Cao đẳng từ bậc Trung học Cơ sở. Cụ thể, người học có thể đăng ký vào học Trung cấp, Cao đẳng (hệ giáo dục nghề nghiệp) ở nhiều nơi, như tại trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc tại trường đăng ký dự tuyển. Thủ tục đăng ký rất đơn giản, người học chỉ cần gửi phiếu đăng ký dự tuyển, hồ sơ sẽ nộp trực tiếp tại trường hoặc qua đường bưu điện theo yêu cầu của trường sau khi đăng ký dự tuyển.
Đặc biệt, việc đăng ký vào học giáo dục nghề nghiệp có thể được thực hiện qua các ứng dụng công nghệ thông tin, như: Đăng ký trực tiếp, trực tuyến trên website hoặc qua phần mềm “Chọn nghề” được tải từ ứng dụng của Google (Google Play) và Apple (Apple Store). Học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở có nguyện vọng học trình độ cao đẳng cũng có thể đăng ký dự tuyển. Tuy nhiên, trong quá trình học, học sinh phải hoàn thiện chương trình văn hóa Trung học Phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Để thực hiện được mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, thu hút người học, Thứ trưởng Lê Quân khẳng định: Thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tập trung triển khai đồng bộ 8 giải pháp, trong đó, có 3 nhóm giải pháp đột phá là: Trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đi liền với nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội…
(Theo Tin Tức)