+
Aa
-
like
comment

Vàng thế giới lao dốc, tín hiệu tích cực cho dự trữ ngoại hối của Việt Nam?

Huy Hoàng - 22/07/2022 15:07

Giá vàng thế giới giảm 5 tuần liên tiếp, là do sự tăng giá của đồng USD từ kỳ vọng tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nhất là sau khi lạm phát ở Mỹ lập mức cao mới của hơn 40 năm. Trong bối cảnh đó, tín hiệu nào sẽ dành cho dự trữ ngoại hối của Việt Nam?

Những tháng qua, đồng USD)đã thật sự chứng minh được vị thế thống trị của mình. Chỉ với một động thái nhỏ là nâng lãi suất điều hành lên vài phần trăm của FED đã khiến cho đồng USD tăng không biết đâu là đỉnh, đẩy mọi đồng tiền trên thế giới phải cúi đầu quy phục.

Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho biết rằng sẽ tiếp tục tăng dần tần suất bán ngoại tệ để bình ổn thị trường. Tính tới ngày 11/7/2022, NHNN đã bơm từ 12 – 13 tỷ USD ra thị trường để bảo vệ cho đồng nội tệ không bị mất giá. Với lượng dữ trự ngoại hối dồi dào, hầu hết các tổ chức tài chính trong và ngoài nước đều tin rằng Việt Nam sẽ có thể trụ vững được qua thời kỳ thắt chặt lãi suất từ các ngân hàng trung ương trên thế giới. Có thể thấy, việc dự trữ ngoại hối đang có tầm quan trọng rất lớn. Hiện nay việc đồng USD tăng cũng đã đẩy vàng giảm mạnh. Đây vừa hay là một yếu tố tích cực để gia tăng dự trữ ngoại hối cho Việt Nam.

Vàng từ lâu đã được biết tới là một “nơi trú ẩn an toàn” giữa cơn bão lạm phát và suy thoái. Đặc biệt là trong lúc cơn bão lạm phát càn quét toàn cầu như hiện nay, thì lẽ ra vàng nên trở thành công cụ thanh toán giữa các quốc gia. Song, vị thế của vàng đã không thể phát huy do USD vẫn giữ ngôi vị độc tôn trên thị trường. Cũng do hàng hóa trên thế giới bấy lâu nay đều dùng đồng USD để thanh toán, nên khi FED thắt chặt nguồn cung tiền, thì giá trị đồng USD đã tăng lên, kéo theo nhu cầu mua vào USD lại càng tăng. Bởi khi đó, với từng đồng USD có trong tay, người ta sẽ có thể mua được nhiều hàng hóa hơn.

Việc này gây áp lực giảm giá lên vàng, một mặt vàng không thể dùng để thanh toán, mặt khác lãi suất từ vàng cũng không cao được như USD. Tuy nhiên, việc giá vàng giảm mạnh đã biến thành cơ hội giúp các ngân hàng trung ương mua vào và chờ đợi cho đến khi thị trường phục hồi, sẽ là thời điểm tốt để bán ra đổi lấy ngoại tệ bổ sung cho dự trữ ngoại hối.

Việc nâng lãi suất của FED cũng có giới hạn của nó, bởi nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái sâu nếu nguồn cung tiền cứ bị giữ lại trong ngân hàng. Mục tiêu của việc nâng lãi suất là hãm phanh lạm phát, nên khi lạm phát được kiểm soát, FED sẽ lại tiếp tục chu kỳ bơm tiền và hạ lãi suất nhằm kích thích lại nhu cầu tiêu dùng ở nước Mỹ. Và chính việc hạ lãi suất và bơm tiền sẽ làm cho đồng USD rớt giá, nhu cầu tích trữ vàng sẽ quay trở lại do lo ngại đồng tiền chung bị suy yếu. Khi đó giá vàng sẽ chinh phục lại mức trên 1.800 USD/ounce. Bán vàng ra khi thị trường phục hồi sẽ giúp các ngân hàng trung ương thu được một nguồn ngoại tệ lớn để tiếp tục dự trữ cho một chu kỳ thắt chặt tiếp theo.

Giá vàng thế giới sắp có lúc chạm ngưỡng 1.700 USD/ounce vào phiên 20/7

Mặc dù vàng thế giới giảm, nhưng các chuyên gia khuyến nghị người dân không nên mua vàng để đầu cơ kiếm lời. Do ở Việt Nam, giá vàng biến thiên khác với thế giới. Khi vàng thế giới giảm, vàng trong nước vẫn tăng, vàng thế giới tăng, vàng trong nước tăng mạnh hơn. Nguyên nhân đến từ rất nhiều nguồn như thuế phí nhập khẩu do Việt Nam chưa thể phát triển ngành khai thác vàng, nguồn cung eo hẹp khiến giá luôn đắt đỏ. Hơn nữa, chỉ Nhà nước mới được xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, cũng như cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Nguồn cung hạn chế khiến lợi nhuận từ việc đầu tư vàng sẽ không hấp dẫn được như lãi suất gửi tiết kiệm từ các ngân hàng.

Ngoài ra, Nhà nước cũng sẽ siết các hoạt động đầu cơ vàng, do việc đầu cơ sẽ làm một lượng tiền lớn trong dân chuyển vào kinh doanh vàng. Nhưng khi một thị trường mà không được chính phủ hỗ trợ thì việc cho tiền vào đó sẽ không thể đạt được hiệu suất sinh lời như các nhà đầu tư mong muốn.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều