+
Aa
-
like
comment

Vàng có thể vượt 200 triệu/lượng, chuyên gia cảnh báo không ‘lướt sóng’

23/02/2022 08:57

Ngày 22/2, Thị trường vàng biến động mạnh theo những diễn biến khó lường tại các khu vực địa chính trị căng thẳng trên thế giới, trong đó có Ukraine. Vàng được dự báo còn tăng giảm với biên độ lớn, giá vàng trong nước cao chưa từng có khi tiến sát 64 triệu đồng/lượng, không ít người tính đến chuyện “lướt sóng”.

Vàng tăng dựng ngược

Giá vàng thế giới trong phiên giao dịch sáng 22/2 tăng mạnh hiếm có trong nhiều tuần gần đây, lên sát ngưỡng 1.915 USD/ounce sau khi quân đội Nga lần đầu tiên thừa nhận bắn hạ 2 phương tiện bọc thép chở quân của Ukraine và Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho các lực lượng tiến vào các khu vực phía đông Ukraine sau khi công nhận nền độc lập của họ.

Ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu yêu cầu các nhà lập pháp của nước này công nhận hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở Ukraine, giá vàng tăng vọt nhanh qua ngưỡng cản quan trọng 1.900 USD/ounce.

Giới đầu tư lo lắng động thái của Nga có khả năng làm hỏng các cuộc đàm phán hòa bình tại khu vực Ukraine với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Các thị trường chứng khoán từ Mỹ, Âu, Á đều giảm mạnh. Giới đầu tư lo ngại các lệnh trừng phạt phương Tây sẽ đưa ra trong thời gian tới nhắm lên Nga sẽ ảnh hưởng tới các loại tài sản rủi ro, trong đó có chứng khoán.

Súng nổ và lệnh trừng phạt: Vàng có thể lên 200 triệu/lượng
Giá vàng vọt lên 1.910 USD/ounce.

Tới cuối giờ chiều 22/2 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới hạ nhiệt đôi chút nhưng vẫn ở vùng đỉnh 9 tháng, ở quanh ngưỡng 1.905-1.910 USD/ounce, trong khi giá dầu thô Brent lên cao nhất kể từ năm 2014, ở mức trên 97 USD/thùng.

Bất ổn địa chính trị kéo giá USD đi lên và đồng Yen Nhật cũng lên đỉnh 3 tháng.

Trong nước, giá vàng lên đỉnh cao lịch sử. Vàng SJC 9999 lên gần ngưỡng 94 triệu đồng/lượng (giá bán ra). Tính tới 15h chiều 22/2, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý SJC được mua vào và bán ra ở mức 63,1 triệu đồng và 63,92 triệu đồng/lượng.

Trong phiên cuối 2021, giá vàng SJC bán ra chỉ ở mức 61,3 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, giá vàng trong nước đã tăng thêm hơn 2,6 triệu đồng/lượng theo diễn biến nóng lên ở thị trường vàng thế giới. Giá vàng trong nước hiện cao hơn giá thế giới khoảng hơn 11 triệu đồng/lượng.

Vàng sẽ còn tăng giá

Mặc dù đang ở vùng đỉnh của 9 tháng nhưng vàng được dự báo sẽ còn tăng tiếp nếu tình hình Nga Ukraine không dịu đi. Với những diễn biến gần nhất, giới quan sát cho rằng, tình hình tại Ukraine vẫn còn khá phức tạp.

Trên WS, chiến lược gia đến từ Investment Management cho biết, các nhà đầu tư đang tìm kiếm một sự phòng hộ trước rủi ro địa chính trị. Và vàng đang đứng trước cơ hội bứt phá về giá.

Trong một diễn biến mới, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh trừng phạt đối với Donetsk và Luhansk. Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ triển khai thêm các biện pháp trừng phạt đối với hai vùng ly khai này.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng cho hay các biện pháp này nằm ngoài và giữ vai trò bổ sung cho các biện pháp kinh tế và khắc nghiệt mà Mỹ đang chuẩn bị cùng với các đồng minh và đối tác để áp lên Nga, nếu Nga có thêm hành động tấn công Ukraine.

Bất ổn địa chính trị thống trị thị trường vàng, giá có thể lên 200 triệu đồng/lượngTrên Kitco, Chris Vermeulen, chiến lược gia thị trường của TheTechnicalTraders cho rằng, xu hướng vàng tăng giá còn rất dài, vàng sẽ tăng lên 7.400 USD/ounce (khoảng 210 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí).

Theo vị này, vàng vẫn đang trong chu kỳ tăng giá kỹ thuật dài hạn giống như hồi đầu năm 2008, chưa tính đến sự hỗ trợ từ căng thẳng địa chính trị.

Vermeulen nhận định, vàng có thể lên tới 2.700 USD/ounce (76 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí) trong vòng một năm tới và lên tới 7.400 USD trong 5 năm. Đây sẽ là một chu kỳ siêu lớn về kim loại quý. Đây cũng là giai đoạn cuối của chứng khoán.

Nếu chứng khoán rơi vào một đợt bán tháo, vàng cũng có thể bị bán theo. Còn nếu thị trường chứng khoán đi ngang và giảm chậm, thì đó là kịch bản hoàn hảo cho kim loại quý.

Còn với USD, đồng tiền này vẫn có thể tăng cùng chiều với vàng.

Ở chiều ngược lại, Capital Economics cho rằng, bất ổn địa chính trị là không bền vững và vàng sẽ tụt về 1.600 USD/ounce vào cuối năm, từ mức 1.900 USD/ounce như hiện tại. Theo đó, vàng tăng gần đây chủ yếu theo nhu cầu trú ẩn an toàn đối với kim loại quý do căng thẳng địa chính trị liên quan đến Nga và Ukraine. Nếu căng thẳng tiếp diễn hoặc xung đột bùng phát, vàng có lẽ sẽ tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu này. Tuy nhiên, nếu căng thẳng giảm bớt từ đây, vàng sẽ giảm trở lại khá đáng kể.

Cũng theo Capital Economics, giá vàng về dài hạn bị chi phối bởi chính sách tiền tệ mà xu hướng hiện tại là: các ngân hàng trung ương (NHTW) trên toàn thế giới đẩy nhanh việc tăng lãi suất.

Lạm phát cũng là yếu tố đẩy giá vàng đi lên. Hiện chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ ở mức 7,5%, cao nhất trong 40 năm qua. Tuy nhiên, theo Capital Economics, lạm phát ở Mỹ sẽ giảm đáng kể trong suốt năm nay. Hơn thế, lịch sử cho thấy chỉ riêng lạm phát không đủ để đẩy giá vàng lên cao hơn.

Vàng trong nước cao kỷ lục, chuyên gia khuyến cáo không ‘lướt sóng’

Lý giải về nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng “phi mã”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng do giá thế giới biến động mạnh. Cụ thể, giá vàng thế giới tăng do lạm phát tháng 1 và 2 đều cao, tăng trưởng sản xuất thấp so với dự trù nhà đầu tư, nên đầu tư sản xuất hay chứng khoán đều rủi ro lớn.

Ngoài ra, tình hình địa chính trị giữa Nga và Ukraine cũng tác động tới thị trường tài chính thế giới. Trong khi chứng khoán toàn cầu đỏ lửa thì thị trường kim loại quý lại tăng tích cực do nhà đầu tư tìm vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Giá vàng trong nước đang cao nhất lịch sử.

Bên cạnh đó, giá dầu thế giới tăng cao cũng khiến nhà đầu tư tìm đến vàng trú ẩn cho dòng vốn của họ.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, các nhà đầu tư trong nước không nên mua vàng để “lướt sóng” lúc này bởi lẽ hiện chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang quá cao, có thời điểm lên tới hơn 10 triệu đồng/lượng. Nếu “găm” vàng, người mua sẽ phải trả với mức giá đắt hơn hàng triệu đồng mỗi lượng so với giá thế giới và sẽ gặp rủi ro lớn nếu thị trường đảo chiều.

“Vì vậy, chỉ nên mua vàng với món nhỏ khi thực sự cần thiết, còn mua đầu tư dài hạn thì hiện không phải là thời điểm thích hợp, chỉ mua khi chênh lệch giá giữa hai thị trường ở mức hợp lý là khoảng 2-3 triệu đồng/lượng”, ông Thịnh nói.

Bên cạnh đó, ông Thịnh cho rằng, việc tăng “nóng” của giá vàng trong nước không có sự bền vững, giá có tăng sẽ có giảm, nên trong ngắn hạn mua vàng lúc này sẽ tiểm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Thịnh lý giải, giá vàng năm 2022 được dự đoán sẽ theo xu hướng tăng, có thể đạt ngưỡng 1.940 USD/ounce vào cuối năm. Vì vậy, giá vàng trong nước cũng có thể sẽ vượt ngưỡng 64 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, ngưỡng này chỉ là giai đoạn ngắn, vì thế nhà đầu tư nên hết sức thận trọng khi đầu tư vào giai đoạn giá có nhiều biến động.

Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, không nên đầu tư vào vàng khi chênh lệch quá cao.

Hiện nay, sự chênh lệch giá vàng này đến từ 4 nguyên nhân: Thứ nhất, thị trường vàng Việt Nam và thế giới không có liên thông với nhau nên phần lớn các thời điểm giá vàng trong nước đều cao hơn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị duy nhất được nhập khẩu vàng. Một nguyên nhân nữa là có hiện tượng đầu cơ, một số doanh nghiệp đã đẩy giá vàng lên khi họ thấy nguồn cung không đủ. Nguyên nhân cuối cùng, tại thời điểm này, một số kênh đầu tư không còn hấp dẫn như lãi suất giảm, bất động sản chưa hoàn toàn hồi phục, tỷ giá ổn định nên không phải là kênh đầu tư hấp dẫn, chứng khoán tăng nóng nhưng lại khiến nhiều người e ngại.

“Hiểu tâm lý đó nên các doanh nghiệp giữ giá vàng ở mức cao, đẩy rủi ro sang người mua, không những giá chênh với thế giới cao mà chênh lệch giữa mua và bán cũng ở mức cao, khiến người chịu thiệt cuối cùng vẫn là khách hàng” ông Hiếu phân tích.

Còn theo chuyên gia vàng Trần Thanh Hải, hiện nay vàng nhẫn phản ánh gần sát với xu thế giá vàng thế giới và đây là niềm kỳ vọng của những người có tài sản muốn đầu tư vào vàng. Ông Hải lý giải, thị trường kinh doanh vàng nhẫn liên thông với giá thế giới, nên chênh lệch giữa vãng nhẫn trong nước và thế giới có chênh lệch ít. Giá biến động bám sát được giá lên và giá xuống của thị trường thế giới.

Trong khi đó, Nghị định 24/2012 trao quyền cho nhà nước độc quyền sản xuất. Việc phân phối chỉ giao cho 2.000 cửa hàng trong cả nước với giấy phép kinh doanh đặc biệt. Chính vì việc hạn chế và kinh doanh có điều kiện đã làm cho vàng miếng trở thành thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, nên làm giá cả bị méo mó.

Hồng Anh

Bài mới
Đọc nhiều