+
Aa
-
like
comment

Vận thăng rơi làm 3 người chết: Ai phải chịu trách nhiệm ?

03/01/2021 13:18

Luật sư cho rằng để xảy ra sự cố chết người, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và đơn vị giám sát thi công. Công an cần làm rõ nguyên nhân vận thăng rơi để xử lý người liên quan.

Sáng 3/1, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu công an sớm điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ rơi vận thăng tại công trình xây dựng trụ sở Sở Tài chính tỉnh khiến 3 người thiệt mạng và nhiều công nhân bị thương.

Với hậu quả chết nhiều người, luật sư cho rằng cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác định vận thăng rơi do nguyên nhân chủ quan hay khách quan để làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân liên quan.

Trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết tại các công trình xây dựng cao tầng, vận thăng là thiết bị nâng hạ rất cần thiết. Việc vận hành vận thăng đảm bảo an toàn lao động.

Theo luật sư, quy trình kiểm định vận thăng được thực hiện theo quy định tại Thông tư 05/2014 của Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội. Máy vận thăng phải do đơn vị có chức năng pháp lý thực hiện việc kiểm định.

Roi van thang o TP Vinh anh 1
Hiện trường sự cố khiến ít nhất 10 người thương vong. Ảnh: Phạm Trường.

Đối với sự cố xảy ra ở công trình xây dựng trụ sở Sở Tài chính tỉnh Nghệ An, ông Bình cho rằng nếu cơ quan chức năng xác định đây là vụ tai nạn lao động thì theo Điều 142 Bộ luật Lao động năm 2012, trách nhiệm trước tiên thuộc về nhà đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát, thi công.

Luật sư cũng cho biết Luật Xây dựng 2014 quy định hàng loạt trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng, trong đó có yêu cầu phải bảo đảm chất lượng, an toàn lao động và quản lý công nhân lao động trên công trường, chịu trách nhiệm mua bảo hiểm…

“Cần tìm hiểu và truy trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, giám sát năng lực hành nghề của công nhân tham gia xây dựng. Sau khi xác định rõ mới có thể quy kết trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai”, luật sư Bình nêu quan điểm.

Còn theo luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội, vụ rơi vận thăng ở Nghệ An là sự cố nghiêm trọng do hậu quả khiến nhiều người chết và bị thương.

Pháp luật quy định khi thi công những công trình cao tầng, trọng điểm như xây trụ sở Sở Tài chính như trên, đơn vị thi công có trách nhiệm phải đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động.

“Nếu để tai nạn xảy ra, thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì người thiếu trách nhiệm, không đảm bảo an toàn lao động sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư nhận định.

Roi van thang o TP Vinh anh 2
Thang vận rơi khi 11 người đứng trong thang để lên tầng cao. Ảnh: Phạm Hòa.

Theo luật sư, nếu cơ quan điều tra xác định đơn vị thi công không đảm bảo an toàn lao động dẫn đến hậu quả tai nạn xảy ra, thì bộ phận giám sát thi công có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, theo Điều 295 Bộ luật Hình sự.

Còn nếu cơ quan chức năng xác định đơn vị thi công có đầy đủ các điều kiện về an toàn lao động, sự cố rơi vận thăng do nguyên nhân khách quan, không có lỗi của chủ đầu tư hay đơn vị thi công thì vụ án không có dấu hiệu hình sự.

Tuy nhiên, luật sư cho rằng cho dù nguyên nhân nào, đơn vị sử dụng lao động vẫn phải bồi thường thiệt hại cho những công nhân gặp nạn theo quy định về tai nạn lao động, về bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động.

Khoảng 13h30 ngày 2/1, nhóm 11 công nhân đang đứng trong thang vận để lên tầng cao tại công trường trụ sở làm việc của Sở Tài chính Nghệ An, đường Lê Nin, phường Hưng Phúc, TP Vinh, thì cáp vận thăng bị đứt.

Sau khi sự cố xảy ra, toàn bộ nạn nhân được đưa đi cấp cứu. Tính đến sáng 3/1, có 3 nạn nhân không qua khỏi, một công nhân được tiên lượng xấu, 7 người còn lại đang chữa trị.

Hoàng Lam/ZNS

Bài mới
Đọc nhiều