Văn phòng Cao ủy Nhân quyền bênh vực cho hành vi phạm pháp?
Ngày 3/6/2020, trong bản tin nhan đề “LHQ cảnh báo Việt Nam về việc trấn áp mạng xã hội trong dịch Covid”, VOA đã đề cập thông tin Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) “lên tiếng báo động về tình trạng vi phạm quyền tự do biểu đạt trong mùa dịch Covid-19 ở 12 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam”.
Theo như bản tin đưa tin, người đứng đầu OHCHR là bà M.Bachelet, trong một thông cáo đã cho rằng các quốc gia này bao gồm cả Việt Nam đã gia tăng việc bắt bớ người dân một cách tuỳ tiện khi họ lên tiếng chỉ trích chính phủ hoặc chia sẻ thông tin quan điểm cá nhân về đại dịch với cáo buộc là loan truyền “thông tin sai lệch” trên mạng xã hội, đây là “hành động vi phạm nhân quyền, cụ thể là quyền tự do ngôn luận tại thời điểm bùng phát dịch Covid-19”.
Thế nhưng, trong bối cảnh đó lại xuất hiện một số cá nhân lợi dụng tình hình của dịch bệnh COVID-19, các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng bất mãn chính trị trong và ngoài nước đã lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh; kích động người dân đình công, ngừng buôn bán, tích trữ lương thực, thực phẩm… Mục đích của các đối tượng này là nhằm gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Và cũng không thể bỏ qua lý do có những người muốn thể hiện họ nhạy cảm với tin tức xã hội, muốn tham gia đưa tin, cảnh báo về dịch bệnh nhưng cũng có những người sẵn sàng đưa những thông tin sai sự thật, bịa đặt hoặc chưa được kiểm chứng nhằm quảng cáo bán hàng trên mạng hoặc đơn giản chỉ để tăng lượt thích, lượt theo dõi.
Nhìn lại, đó là những “thông tin sai lệch hoặc giả mạo có thể gây hại lớn vì thúc đẩy sự sợ hãi và định kiến” như ý kiến của bà M.Bachelet, đã xuất hiện trên phạm vi thế giới, đến mức Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông T.A Ghebreyesus phải gọi đây là “đại dịch tin giả” và cảnh báo: “Tin giả lan truyền nhanh, dễ dàng hơn cả virus, nhưng mức độ nguy hiểm thì không hề thua kém”. Thực tế, chính phủ các nước trên thế giới đã kiên quyết xử lý loại hiện tượng này và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Bởi thực chất cần hiểu đúng rằng đây không phải là thực hiện quyền tự do biểu đạt mà là hành vi phá hoại xã hội, xâm phạm quyền và tính mạng của người khác.
Trên thế giới, nhiều nước như Ai Cập, Azerbaijan, Iran, Philippines và Singapore,… cũng đã thực hiện các biện pháp quyết liệt chống tin giả trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Chính phủ Nam Phi vừa đưa ra cảnh báo bất cứ ai tạo ra hoặc truyền bá tin giả về dịch Covid-19 đều có thể bị truy tố. Trong khi đó, giới chức Anh đã thành lập lực lượng xử lý tin giả và những người can thiệp các nỗ lực chống dịch bệnh. Chính quyền London cho biết, lập đội chống tin giả để xác định quy mô và tác động của các thông tin giả mạo hoặc bị bóp méo nhằm vào những người đang thiếu thông tin “vì mục đích gây hại cho họ, hoặc nhằm đạt mục đích chính trị, cá nhân hoặc tài chính”. Theo đó, giới chức nước này khẳng định bảo vệ đất nước khỏi tin giả trên không gian mạng là một ưu tiên hàng đầu.
Trong bối cảnh thế giới nhiễu loạn nhiều nguồn thông tin, việc phối hợp chặt chẽ để bảo đảm có thể truyền bá thông tin quan trọng đến các cộng đồng và hạn chế tính độc hại của thông tin càng trở nên quan trọng. Đây không phải là hạn chế quyền tự do thông tin, mà trên thực tế là biện pháp cần thiết vì sự an toàn của chính người dân. Việc Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) “lên tiếng báo động về tình trạng vi phạm quyền tự do biểu đạt trong mùa dịch Covid-19 ở 12 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam” cũng như trang VOA Tiếng Việt đưa tin, phải chăng đây là chiêu trò nhằm vu cáo, bôi nhọ hình ảnh, kết quả chống dịch của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế?
Quỳnh Quỳnh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả