Vẫn phải tử tế dù nhiều chuyện “không ai biết, cũng chẳng chết ai”
Một mẩu thông tin tìm người trên mạng xã hội trong ngày 19/10 đã gây chú ý lớn đối với công chúng. Người đăng tin là anh Lê Quang Khải, nhân viên lái xe của một công ty ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Báo ngày 20/10 thuật lại chia sẻ của anh Khải cho biết, ngày 11/10, trên đường đi công tác qua Quốc lộ 5 – TP Hải Dương, xe của anh đang đứng chờ đèn đỏ thì bị container mang biển số 15C – 03105 đâm từ phía sau.
Sau đó, lái xe container xuống xem tình hình và nhận lỗi. Anh Khải và lái xe này cùng đưa xe đến điểm sửa, bảo hành tại TP Hải Dương để thẩm định hỏng hóc, dự trù kinh phí là 22 triệu đồng tiền sửa chữa.
Lái xe container đồng ý nhận trách nhiệm, xin anh Khải hỗ trợ 3 triệu đồng và đưa anh 19 triệu đồng để sửa xe. Tuy nhiên khi anh Khải quay về Vĩnh Phúc sửa xe thì số tiền sửa chỉ hết 7 triệu đồng. Vì vậy anh đăng thông tin lên mạng xã hội, tìm lái xe container để trả lại số tiền thừa trên.
Trước hết, việc thoả thuận đền bù thiệt hại sau va chạm một cách nhanh chóng và gọn gàng, theo nhìn nhận của người viết, là một xử sự văn minh.
Thực tế, va chạm khi tham gia giao thông là khó tránh khỏi và cũng là điều không ai mong muốn. Thế nên mới gọi là “tai nạn”. Song khi xảy ra va chạm, nhiều người đã không giữ được bình tĩnh và ứng xử thiếu kiềm chế, gây ra hậu quả không đáng có.
Điều đáng nói là, theo bài báo nói trên, khi mang xe đến ga ra ở Vĩnh Phúc, anh Khải đã suy tính và xét thấy không nhất thiết phải thay mới. “Chỗ nào khắc phục được thì khắc phục, để giảm giá thành sửa chữa xuống mức thấp nhất vì muốn hỗ trợ tài xế container”.
Như đồng nghiệp của anh Lê Quang Khải có nói: “Anh Khải biết người lái xe trên cũng vất vả nên mới làm vậy. Anh ấy là lái xe kinh nghiệm, nhiệt tình và tốt bụng”.
Không cần phải dùng quá nhiều mỹ từ để nói về hành động đẹp và có phần “trượng nghĩa” của anh Khải. Một con người có cốt cách trung thực, thẳng thắn và sòng phẳng.
Nói thì dễ, nhưng chỉ khi đặt mình vào trường hợp anh Khải, tự hỏi rằng “ở hoàn cảnh đó, mình sẽ hành động ra sao?” thì chúng ta mới thấy, làm một hành động tưởng như “hiển nhiên” ấy là không hề đơn giản. Bởi lòng tham ẩn chứa trong mỗi con người không phải lúc nào cũng ngủ yên và chỉ cần một sự dao động trong suy nghĩ, lòng tham cùng sự trì trệ sẽ bùng phát và lấn át lý trí, sự tử tế, tính lương thiện.
Thú thật là bản thân người viết cũng đã từng trải qua sự đấu tranh để giữ phần tử tế trong con người mình. Chỉ 20 nghìn đồng mà người đổ xăng trả thừa trong buổi chập choạng tối và khi về tới nhà mới phát hiện ra, nhưng ý nghĩ đem trả lại và sự chây ỳ, lười biếng vẫn giằng co.
Có lúc tôi chậc lưỡi “chỉ là 20 nghìn, chẳng ảnh hưởng gì ai và cũng không ai biết”. Song ngày hôm sau, tôi vẫn quyết định đem trả lại tiền thừa trong sự ngỡ ngàng của người nhận. Tôi làm điều đó để đổi lấy sự an nhiên trong lòng. Ít nhất, tôi không thẹn với lương tâm, dù chỉ một vài nghìn đồng, không phải của mình cũng nhất quyết không chiếm giữ.
Thế nên tôi nghĩ, với số tiền 12 triệu đồng (một khoản tiền không hề nhỏ) mà anh Khải tìm đem trả lại, có thể sẽ là một quyết định rất khó khăn với nhiều người, chính bởi “không chết ai và không ai biết”. Kết quả của hành động ai cũng nhìn thấy được, còn quá trình đấu tranh trong tâm lý lại chỉ người đó hay.
Chế ngự lòng tham, kiểm soát được tình huống, và kiên định với sự tử tế, ngay thẳng của một con người – đó là điều mà trong cuộc đời hầu hết ai cũng đều phải trải qua. Làm được điều đó, hẳn rằng, xã hội sẽ tốt đẹp hơn và đất nước cũng chẳng còn tiêu cực, tham nhũng, phải không các bạn?
Bích Diệp
(Theo Dân Trí)