+
Aa
-
like
comment

Vấn nạn vaccine COVID-19 giả, 2.000 người Ấn Độ thành nạn nhân mới nhất

27/06/2021 17:54

Trong khi các quốc gia đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, vấn nạn vaccine giả cũng xuất hiện với 2.000 nạn nhân mới nhất ở Ấn Độ.

Khoảng 2.000 người ở Mumbai, Ấn Độ đã bị lừa tiêm vaccine COVID-19 Covishield giả. Ảnh: AFP

CNA đưa tin, theo thông tin từ cảnh sát thành phố Mumbai, khoảng 2.000 người có thể đã bị lừa tiêm vaccine COVID-19 giả làm từ nước muối.

Mumbai là thủ phủ của bang Maharashtra, đồng thời là thành phố đông dân nhất của Ấn Độ. Cảnh sát đã bắt giữ 10 đối tượng, trong đó có 2 bác sĩ làm việc tại một bệnh viện tư nhân. Những kẻ này đã lừa các nạn nhân tiêm vaccine giả ở 9 địa điểm khác nhau.

Cùng lúc, tại thành phố Kokkata, thủ phủ của bang Tây Bengal, Ấn Độ, cảnh sát cũng bắt giữ một đối tượng giả danh nhân viên nhà nước để điều hành 8 điểm tiêm chủng giả mạo.

Ít nhất 500 người tàn tật và người chuyển giới đã bị dụ dỗ tiêm vaccine giả tại một trong những địa điểm này.

Các tang vật thu được cho thấy, những kẻ lừa đảo đã sử dụng các lọ kháng sinh sau đó dùng thủ đoạn dán đè nhãn vaccine AstraZeneca – tên Ấn Độ là Covishield – lên nhãn cũ để làm giả và tiêm cho nạn nhân.

Trước đó, hồi cuối tháng 4, nhà sản xuất vaccine Pfizer lên tiếng xác nhận các vaccine COVID-19 khả nghi thu được ở Mexico và Ba Lan là hàng giả, tờ DW của Đức đưa tin.

Theo The Wall Street Journal, ở Mexico, các liều vaccine giả chỉ được phát hiện sau khi đã được sử dụng cho 80 bệnh nhân tại một phòng khám. Không có ai bị hại trong vụ việc vì vaccine giả được làm từ một chất vô hại. Các lọ vaccine giả đã gây chú ý khi chúng được bảo quản trong tủ mát với số seri và ngày hết hạn khác so với vaccine chính thức, có giá lên tới 1.000 USD/mũi.

Không ngạc nhiên trước vụ việc, Lev Kubiak – người đứng đầu bộ phận an ninh toàn cầu của Pfizer – cho biết: “Chúng tôi có nguồn cung rất hạn chế, nguồn cung sẽ tăng lên khi chúng tôi phát triển mạnh và các công ty khác tham gia vào lĩnh vực vaccine. Tạm thời, lúc này sẽ là sẽ cơ hội hoàn hảo cho bọn tội phạm”.

Tại Liên minh Châu Âu, giới chức cũng phát hiện ít nhất 1 vụ vaccine COIVD-19 giả ở Ba Lan. Theo tin từ đài truyền hình Polsat của Ba Lan, một nam thanh niên 26 tuổi ở Katowice đã bị bắt giữ sau khi rao bán chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính giả mạo và vaccine COVID-19 Pfizer giả trên thị trường chợ đen. Các nhà chức trách sau đó làm rõ vaccine mà anh ta rao bán thực chất là chất chống nếp nhăn nhưng may mắn chưa sử dụng cho bất kỳ ai.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã nhận định được vấn nạn vaccine giả. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng cảnh báo về các liều vaccine giả xâm nhập vào hệ thống chính thống theo nhiều cách, ngoài các kênh cung cấp thông thường. Trong một cuộc họp báo, ông cho biết các bộ y tế và cơ quan quản lý trên toàn thế giới đã nhận được những lời đề nghị đáng ngờ về cung cấp vaccine, cùng với báo cáo rằng “các nhóm tội phạm” đang tái sử dụng bao bì.

“Chúng tôi khuyến khích việc tiêu hủy hoặc tiêu hủy an toàn các lọ vaccine đã qua sử dụng và lọ vacicne rỗng để ngăn chặn tội phạm tái sử dụng” – Tổng Giám đốc WHO nói.

Ông cũng đồng thời kêu gọi mọi người không mua vaccine ngoài nguồn cung chính thống của chính phủ vì những liều lượng không đạt tiêu chuẩn hoặc bị làm giả có khả năng gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe.

Đối với chính phủ các nước, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến cáo chỉ nên mua các loại vaccine đã được WHO cấp phép sử dụng và có nguồn gốc rõ ràng, nên mua trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc đơn vị trung gian hợp pháp, trong bối cảnh ”nhiều sản phẩm vaccine ngừa COVID-19 giả hoặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đang được chào bán”.

Phương Linh

Bài mới
Đọc nhiều