Vấn nạn tin giả là mối đe dọa thật với an ninh quốc gia
Thông tin giả luôn được lan truyền với tốc độ nhanh hơn và được phát tán rộng rãi hơn rất nhiều so với thông tin thật. Vấn nạn tin giả với dụng ý bóp méo sự thật đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị-xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, thậm chí nó còn đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia.
Thông tin giả và mối đe dọa thật đối với an ninh quốc gia
Theo số liệu thống kê đến giữa năm 2019, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới. Bên cạnh việc giúp nhà báo tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và là “kho” đề tài phong phú, đa dạng, nó còn là “con dao hai lưỡi” gây hậu họa khôn lường nếu người làm báo không tự ý thức được trách nhiệm của mình khi lạm dụng mạng xã hội trong tác nghiệp.
Thực tế cho thấy, thời gian qua có một bộ phận người làm báo cẩu thả, lười nhác, thiếu chuyên nghiệp trong việc kiểm chứng thông tin, nhiều cơ quan báo chí buông lỏng quản lí, chạy theo các hình thức đưa thông tin giật gân, câu khách được cắt ghép thông tin có chủ đích, sử dụng nguồn tin thiếu kiểm chứng từ mạng xã hội, xa rời tôn chỉ mục đích so với giấy phép được cấp, dẫn đến cung cấp thông tin sai lệch, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Đây là nguyên nhân khiến nhiều tờ báo đã bị “tuýt còi”, buộc phải cải chính, xin lỗi khi thông tin sai sự thật. Chỉ tính riêng năm 2018, đã có tới 26 cơ quan báo chí bị xử phạt hành chính, 1 báo điện tử bị đình bản tạm thời với lỗi chủ yếu là thông tin sai sự thật. Đây thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận người làm báo, cũng như việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận, lợi dụng nghề báo cao quý để làm ăn phi pháp của một số cá nhân, tổ chức, gây mất niềm tin của công chúng đối với báo chí hiện đại.
Theo số liệu của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, tại Việt Nam hiện có khoảng 1.300 trang mạng hoạt động như báo điện tử, trong đó có khoảng 25 trang giả mạo các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Cùng với đó là trên 14.000 trang cá nhân đưa tin xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền…
Với 64 triệu người sử dụng Internet, chiếm 67% dân số, đến cuối năm 2018, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới. Các thiết bị thông minh đã trở nên phổ biến và quen thuộc, gắn với sinh hoạt, học tập, lao động của của hầu hết người dân.
Đến cuối 2018, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới. Bên cạnh những tiện ích hữu dụng và thông tin tích cực, hàng ngày, người dùng Internet Việt Nam bị tác động tiêu cực bởi hàng ngàn thông tin giả, hình ảnh bạo lực, kích động được phát tán tự do trên mạng. Chỉ riêng năm 2018, cơ quan chức năng đã phát hiện 250 trang mạng, blog, gần 500 tài khoản Facebook, 50 kênh Youtube có hành vi này.
Cũng từ trang Youtube, có hàng nghìn clip nội dung được cắt ghép từ các bản tin của các đài truyền hình, nhiều nhất là của VTV nhưng che đi logo, rồi chèn thêm quảng cáo hoặc thêm vào những thông tin giả tạo sự chú ý của người xem.
Thậm chí, có đối tượng còn xây dựng những kênh để đưa những thông tin thật nhằm thu hút số lượng người xem. Sau một thời gian mới cho lồng ghép các thông tin giả để người xem không còn phân biệt được đâu thật, đâu giả nhằm đạt được mục đích của mình.
Tuy nhiên, để tin giả phát tán rộng một phần là do một bộ phận người dùng hiện nay chưa có ý thức trong việc thẩm định thông tin trên mạng xã hội nhưng đã vội vàng chia sẻ. Nhiều trang tin giả còn sử dụng các robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm lan truyền nhanh thông tin mình đưa ra.
Ngăn chặn tin giả trên không gian mạng ở các quốc gia
Tại Malaysia, Luật Chống tin tức giả ban hành vào năm 2018, với mức hình phạt lên đến 6 năm tù. Còn ở Đức, các trang mạng xã hội này sẽ có thời hạn 24 giờ để xóa bỏ các nội dung bị cấm, nếu không sẽ bị phạt tới 50 triệu Euro.
Mạnh tay hơn là nước Nga, chính quyền có thể khóa các trang điện tử không đáp ứng các yêu cầu xóa bỏ những nội dung sai lệch và cá nhân có thể bị phạt hơn 8.000 USD vì phát tán và lan truyền tin giả trực tuyến vi phạm nghiêm trọng tới trật tự công cộng.
Singapore trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế khi Quốc hội nước này ngày 8/5 thông qua “luật chống tin tức giả mạo” với đa số phiếu ủng hộ. Singapore có thể trở thành một trường hợp điển hình cho các quốc gia nghiên cứu để có thể triển khai tốt việc kiểm soát thông tin trong bối cảnh thời gian gần đây xuất hiện nhiều thông tin giả mạo có thể gây nhiễu loạn và tác động xấu tới xã hội.
Đạo luật chống tin giả của Singapore ngày 2/10 chính thức có hiệu lực, 5 tháng sau khi được Quốc hội nước này thông qua. Luật cũng quy định những chế tài xử phạt nặng với những tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm. Theo đó, những công ty có hành vi đăng thông tin sai lệch trên các phương tiện truyền thông tại Singapore sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 1 triệu SGD (tương đương 735.000 USD), còn các cá nhân có thể đối mặt với khung hình phạt 10 năm tù giam.
Luật An ninh mạng Việt Nam được thông qua vào ngày 12/6/2018 với 7 chương và 43 điều, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.
Dù được đánh giá là khá chi tiết và bao quát được nhiều vấn đề, Luật An ninh mạng vẫn nhận được những kiến nghị liên quan đến các cơ chế xử lý thông tin giả mạo theo hướng tăng nặng hình thức xử phạt để đảm bảo tính răn đe cũng như mở rộng độ tuổi của nhóm đối tượng chịu trách nhiệm trong bối cảnh những người sử dụng Internet ở Việt Nam ngày một trẻ hơn.
Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng đang đối mặt với những thông tin nhiễu loạn, thậm chí tràn lan thông tin giả, tác động không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, tác động đến các tổ chức và từng cá nhân.
Tăng cường kiểm soát thông tin trên không gian mạng là trách nhiệm của Chính phủ nhiều nước trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh mạng quốc gia, việc nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng cho mọi tầng lớp trong xã hội là việc làm hết sức cần thiết.
Đinh Lực