Văn minh trên mạng đang xuống cấp trầm trọng
Giãn cách xã hội là thời điểm người người, nhà nhà tiếp xúc với nhau thường xuyên trên mạng xã hội. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng không gian mạng đã truyền tải thông tin sai lệch, sử dụng ngôn từ tục tĩu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến văn hóa Việt Nam.
Giải quyết vấn đề bằng ngôn từ tục tĩu
Mạng xã hội là không gian để mọi thành viên có thể dễ dàng thể hiện quan điểm cá nhân trong một vấn đề. Tuy nhiên, ngày càng nhiều các cá nhân lợi dụng mạng xã hội để công kích, chửi bới, lăng nhục người khác. Lên sóng VTV, biên tập viên Hoàng Dương đã phải thốt rằng: “Chưa bao giờ, chúng ta chứng kiến việc dùng mạng xã hội để kích động, tẩy chay và trả đũa nhau khốc liệt đến vậy.”
Để giải quyết các vấn đề, thay vì bình tĩnh và nhờ đến pháp luật, các cá nhân không ngừng công kích, chửi bới qua lại, gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội.
Thời gian gần đây, vụ việc CEO Phương Hằng tố cáo các nghệ sĩ không minh bạch trong việc từ thiện là chủ đề nóng hơn bao giờ hết. Các video livestream của nữ CEO thu hút gần triệu người xem một lúc. Thay vì vơ đũa “cả đám nghệ sĩ”, lần này CEO Phương Hằng chỉ đích danh các cá nhân như MC Trấn Thành, ca sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, nhưng lại không đưa ra bằng chứng thuyết phục. Thậm chí, nữ CEO còn “khiêu chiến” với ngôn từ như “mạng đổi mạng”, gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.
Không kém cạnh, một số nghệ sĩ khác cũng đăng tải livestream, video chửi bới qua lại, gây mất trật tự an ninh mạng. Đó là những ca sĩ, diễn viên, cựu người mẫu… có sức ảnh hưởng lớn. Những video này sử dụng ngôn từ khó có thể chấp nhận, đến mức đài truyền hình VTV đã phải đây gọi là “rác trên mạng”.
Chưa bao giờ, văn minh mạng là vấn nạn nan giải đến như vậy. Đáng sợ hơn, bên cạnh những bình luận không đồng tình với cách hành xử kém văn hóa, nhiều người lại đồng tình, nghiễm nhiên cho rằng việc lăng mạ, chửi bới người khác là đúng.
Xúc phạm tôn giáo, chia rẽ vùng miền, quan điểm xuyên tạc về đại dịch
Không chỉ dừng lại ở việc chửi bới qua lại, mạng xã hội gần đây còn liên tiếp xuất hiện những bài viết tiêu cực. Đó là những bài viết xúc phạm tôn giáo, chia rẽ vùng miền, nêu quan điểm xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch. Có thể kể đến như việc bà Phương Hằng phát ngôn xúc phạm tôn giáo gây bức xúc dư luận; MC Trác Thúy Miêu thể hiện thái độ tiêu cực với sự việc đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương vào TP.HCM chống dịch; Vượng Râu thể hiện thái độ “tẩy chay vaccine Trung Quốc”. Hay thậm chí như Angela Phương Trinh đã đăng cả nội dung sai sự thật, phản khoa học “Sử dụng giun đất điều trị COVID-19”…
Đó chỉ là các dẫn chứng điển hình trong vô vàn các bài viết gây ảnh hưởng tiêu cực trên mạng xã hội. Là người công chúng, có sức ảnh hưởng, đáng lẽ, họ nên truyền tải những thông tin tích cực, hữu ích. Nhưng, nhìn vào tất cả những gì họ làm, ta chỉ thấy một môi trường mạng đầy loạn lạc, tiêu cực và bất ổn.
Đã đến lúc, chúng ta cần nghiêm khắc hơn đối với các hành vi lăng nhục, chửi bới, xuyên tạc các cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng. Đã đến lúc, tất cả người dân Việt Nam cần đưa quy chuẩn văn hóa lên hàng đầu khi bình luận, chia sẻ các bài viết trên mạng xã hội.
Văn minh mạng xã hội đang xuống cấp trầm trọng là vấn đề vô cùng nan giải, cần phải được giải quyết bởi sự đồng lòng, chung tay của toàn dân. Chỉ khi mỗi người sử dụng mạng xã hội ý thức được trách nhiệm của mình, tự điều chỉnh hành vi,… thì những bài viết vô bổ, nhảm nhí, những hành xử lệch chuẩn đạo đức mới có thể xóa bỏ.
Đinh Thảo