+
Aa
-
like
comment

Vẫn lối tư duy không quản được thì cấm, kinh tế Việt Nam sẽ bị bỏ lại phía sau

Thế Khoa - 03/01/2020 18:13

Thế giới không ngừng phát triển. Nhân loại đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp và nay đang bước vào cuộc CMCN 4.0. Việt Nam không nằm ngoài cuộc chơi này. Là nước đi sau so với nhiều quốc gia, điều đó sẽ giúp chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước. Như ý kiến của Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chia sẻ: “Nếu chúng ta có cơ chế chính sách tốt, chúng ta sẽ có đổi mới sáng tạo hiệu quả. Khi có đổi mới sáng tạo hiệu quả thì có những sản phẩm tốt, lúc đó sẽ kêu gọi được các nguồn lực đầu tư không những trong nước mà của toàn thế giới”.

Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình trao đổi với các doanh nghiệp tại diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2019 diễn ra ngày 03/10/2019

Còn nhớ, từ khi Uber, Grab ra đời, taxi và xe ôm truyền thống bỗng nhiên mất vị trí độc quyền, còn các hãng taxi cũng lao đao. Với hình thức vận hành hiện đại, văn minh, tiện lợi, loại hình mới này ngay lập tức chiếm lĩnh thị trường và tạo nên cơn sốt. Để thích ứng và không phải mất đi “miếng cơm manh áo”, nhiều người đã tự sắm cho mình 1 chiếc điện thoại thông minh cài app chạy Grab; các hãng taxi cũng bắt kịp xu hướng cũng đa dạng hóa dịch vụ để cạnh tranh. Còn những người khác vẫn chọn hình thức cũ thì ế ẩm, phải hạ giá thành để có khách.

Nói ra như vậy để thấy rằng, cạnh tranh là xu thế tất yếu của thị trường, nhất là trước làn sóng của cuộc CMCN 4.0 sẽ còn xuất hiện rất nhiều loại hình dịch vụ công nghệ cao. Trong thời đại thế giới phẳng, cả thế giới đang tiến tới một nền kinh tế không biên giới thì không có chỗ cho sự bảo thủ chậm tiến, hay đi ngược lại quy luật của thị trường.

Dòng chảy công nghệ thời đại chính là cơ hội nhưng cũng là thách thức đầy cam go cho mọi quốc gia. Nắm bắt được xu thế đó, Chính phủ cũng đã có những bước đi chủ động để mở đường cho Việt Nam tham gia cuộc chơi này. Chẳng hạn như áp dụng mô hình Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước được Chính phủ tích cực đẩy mạnh. Hay hành động của người đứng đầu Chính phủ khi ký và ban hành Nghị quyết 112, quyết định “khai tử” sổ hộ khẩu, hướng tới áp dụng công nghệ phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại và ký duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia bằng chữ ký số. Và để chắt lọc những ưu điểm CMCN 4.0, Thủ tướng không chỉ lắng nghe ý kiến đóng góp của chuyên gia, trí thức trong nước mà trong các chuyến công tác nước ngoài ông đều dành thời gian gặp gỡ nhà khoa học, nghe họ chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Từ khi Uber, Grab ra đời, taxi và xe ôm truyền thống bỗng nhiên mất vị trí độc quyền, còn các hãng taxi cũng lao đao.

Có thể nói, công nghệ mới sẽ tạo ra nhiều việc làm mới nhưng cũng sẽ khiến không ít ngành nghề bị mất đi, nhiều người sẽ mất việc. Chính vì vậy, vấn đề là chúng ta sẽ nắm bắt công nghệ như thế nào, trang bị kỹ năng ra sao để không bị cách xa so với thế giới. Như lời của ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ “Từ trước đến nay chúng ta vẫn có cái tư duy quản lý theo lối mòn là cái gì chúng ta chưa quản lý được hoặc không quản lý được thì chúng ta cấm. Như vậy làm gì còn đổi mới sáng tạo và nói đến cùng thì không thể có CMCN 4.0 nếu chúng ta vẫn tiếp tục với cách tư duy như thế để quản lý kinh tế và xã hội. Điều đó khiến chúng ta đứng lại trong khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tràn qua và chúng ta sẽ lại là người bị bỏ rơi ở phía sau”.

Càng hội nhập sâu rộng, cạnh tranh càng quyết liệt. Tương lai thế giới phẳng đang dần hình thành ngay trước mắt chúng ta và con người toàn cầu sẽ phải học cách đón nhận, thích ứng với những bước tiến đang đến như vũ bão trong thời đại kinh tế số này. Không thể dùng những điều luật cũ, tư duy, tâm thế 3.0 thậm chí 2.0 mà phải có thái độ 4.0, sửa đổi, tiếp thu cái mới, công nghệ mới, môi trường kinh doanh thông thoáng tạo điều kiện cho những đột phá, sáng tạo của doanh nghiệp trong CMCN 4.0.

Trong mọi việc, nếu đặt quyền lợi của người dân lên trên, sẽ có các biện pháp phù hợp. Nếu chúng ta không sớm loại bỏ những rào cản đối với doanh nghiệp và người dân, thì cơ hội giúp cho nền kinh tế đất nước phát triển sẽ vuột mất. Thiết nghĩ, để xây dựng “Chính phủ kiến tạo” thì điều kiện đầu tiên là cần phải thay đổi từ trong nếp nghĩ, cách làm mang tính quản lý, bảo thủ đã tồn tại bao lâu nay. Phải làm sao để tinh thần “kiến tạo” thấm sâu vào trong tư duy, nhận thức và trở thành hành động của các cá nhân trong bộ máy Chính phủ. Nếu các cán bộ, công chức không chịu thay đổi tư duy quản lý, cách làm việc, sáng tạo vẫn làm theo lối mòn thì đó sẽ là lực cản để Việt Nam bước lên “con tàu 4.0”.

Thế Khoa 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều