Vẫn là những “ngòi bút máu” đâm sau lưng đồng bào
Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X có ý nghĩa quan trọng động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo khí thế và động lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII.
Lợi dụng sự kiện này, tổ chức Việt Tân liên tiếp cho đăng các bài viết sặc mùi phản động như “Nghịch lý, hèn với giặc nhưng lại hô hào thi đua yêu nước”… Dĩ nhiên, nội dung bài viết cũng chỉ xoay quanh luận điệu cũ rích đó là đả kích lãnh đạo, chế độ, bôi nhọ chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.
Thế nào là “hèn với giặc ác với dân?”
Thời gian qua có rất nhiều nhà “dân chủ” ở trong và nước ngoài, nấp dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”, thường đưa ra nhận xét, đánh giá xuyên tạc vấn đề dân chủ, chủ trương, chính sách ở Việt Nam. Những bài viết đó được các tổ chức phản động cổ súy, lăng-xê bằng cách trao giải thưởng này giải thưởng kia hoặc đăng phát trên các trang mạng cá nhân, báo đài hải ngoại.
Nói cách khác, các tổ chức, cá nhân phản động sẵn sàng “bơm” tiền cho các “cây bút” thả phanh xuyên tạc. Nên, động lực đàng sau những bài viết đó không khác gì đó là lợi ích vật chất.
Chẳng hạn, một số nội dung bài viết nói trên mang sặc mùi phản động như: “Hiện nay người Việt đã quá quen với câu “hèn với giặc, ác với dân”. Xét rộng ra trên phạm vi cả nước thì quân đội phải chịu sự chi phối của Bộ Chính trị. Mà Bộ Chính trị chi phối Bộ Quốc phòng bằng cái gì? Đó là nghị quyết sau khi họp Bộ Chính trị, rồi từ nghị quyết ấy mới phát triển thành chính sách chi phối Bộ Quốc phòng. Vậy nên, quân đội Việt Nam hèn với giặc ở đây là cái hèn bởi các chính sách gây ra…
Tác giả bài viết này diễn giải cụ thể, cái hèn đó nó nằm trong 2 chính sách lớn, một chính sách thành văn và một chính sách bất thành văn: “Chính sách thành văn đó là chính sách 4 không “Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”; Chính sách bất thành văn đó là không được kiện thiên triều lên tòa án quốc tế.”
Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta đã chứng minh rằng, yêu nước và giữ nước, kiên quyết chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền và thống nhất đất nước là truyền thống cực kỳ quý báu của dân ta.
Cũng chính từ thực tiễn đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. Mặt khác, thông qua quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện và ngày càng trưởng thành, xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của nhân dân.
Như vậy cũng có nghĩa, những luận điệu “hèn với giặc, ác với dân” mà bài viết đưa ra suy cho cùng cũng chỉ là một sự nói xấu chế độ, bôi nhọ chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam mà thôi.
Chẳng phải, các cây bút mang mác “dân chủ” kia đang tự biến mình thành con kền kền hoặc thành con rối cho Việt Tân giật dây đó sao?
Tất cả vì một Việt Nam hùng cường
Nói về Đại hội Thi đua yêu nước thì chúng ta không thể không đề cập đến tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khởi xướng, phát động các phong trào thi đua yêu nước, coi đó là một bộ phận quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước mà Bác còn là tấm gương mẫu mực trong những phong trào thi đua.
Cho đến nay, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nói riêng và tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung về thi đua yêu nước vẫn đang có giá trị lý luận và giá trị thực tiễn sâu sắc, có sức sống mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.
Thật vậy, phong trào thi đua ái quốc đã dần thấm sâu vào từng tế bào của xã hội, từng con người cụ thể, nó không chỉ dừng lại ở một cuộc phát động đơn thuần, mà nó có sức sống và sức mạnh lan toả sâu rộng trong nhân dân, tạo ra động lực tinh thần, một khí thế cách mạng mới trong xã hội. Nhờ đó đã đưa nước ta từng bước vượt qua những khó khăn trước mắt.
Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, năm 2020 đánh dấu một bước ngoặc lớn trong lịch sử 100 năm gần đây của nhân loại khi đại dịch Covid-19 gây ra những tác hại vô cùng lớn đến kinh tế và sự xáo trộn trong đời sống xã hội của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của sự hòa quyện giữa “ý Đảng và lòng dân”, chúng ta đã thi đua và giành thắng lợi trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Đến thời điểm hiện nay, khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới bị rơi vào suy thoái sâu, Việt Nam là nền kinh tế vẫn duy trì được tăng trưởng dương. Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, giảm thiểu số người chết và những thiệt hại về kinh tế, an sinh xã hội được bảo đảm, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả ấn tượng.
Và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trên cơ sở tiếp nối và phát huy những truyền thống tốt đẹp và những thành quả quý báu trong suốt 72 năm qua.
Đồng thời, đại hội còn có ý nghĩa quan trọng động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo khí thế và động lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, góp phần xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng, dân chủ, công bằng và văn minh. Cần phải nói, nếu như hơn 2000 đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước kia chính là những tinh túy nhất, linh hồn của sự phát triển trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học công nghệ cùng các thành phần tôn giáo, dân tộc, nhân sĩ, trí thức, thầy thuốc, nhà giáo, nghệ nhân, văn nghệ sĩ và các nhà khoa học.
Để có được bộ phận tinh túy kia, bộ máy lãnh đạo phải được dẫn dắt bởi những con người sôi sục ý chí tự cường. Tổng thể các đại diện tiêu biểu cho phong trào thi yêu nước và lãnh đạo xuất sắc trên đã góp phần làm nên những tập thể hùng mạnh, làm cho đất nước trở nên hùng cường.
Sự hùng cường của một quốc gia là do sức mạnh của chính quốc gia đó làm nên, chứ không phải do sức mạnh của quốc gia khác tạo thành. Cho nên, tự cường phải là tư tưởng thống soái trong tư duy của người lãnh đạo đất nước. Tự cường phải là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của bộ máy nhà nước.
Những gì mà Việt Nam có được như ngày hôm nay đó là thực tiễn minh chứng cho cái gọi là “lòng dân ý Đảng”. Nhân dân Việt Nam tin tưởng vững chắc rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Chính vì vậy, luận điệu “hèn với giặc, ác với dân” mà các cây bút dân chủ giả danh kia nói ra không khác gì “ngòi bút máu” đâm vào lưng đồng bào mình, dân tộc mình, đất nước mình. Nơi mà chính họ mang trong mình dòng máu Việt, nhưng lại trở cờ phản quốc chỉ vì lợi ích vật chất tầm thường.
Sông Trà
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả