Rối loạn thông tin”mật” khiến nhiều phe “đá thúng, đụng nia”
Đại hội đại biểu toàn quốc là sự kiện chính trị trọng đại, có ý nghĩa lớn lao đối với con đường phát triển của đất nước trong thời gian tới. Chính vì thế, cứ mỗi kỳ đại hội của Đảng diễn ra, tin tức xuyên tạc, chống phá liên tục được tung ra để công kích, phá hoại… Những cuộc tấn công ấy theo đúng nghĩa “đá thúng, đụng nia” với mục đích nham hiểm là không phá hoại được đại hội cũng phải làm rạn nứt niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Về nguyên tắc thực hiện, không khó để nhận diện các thủ đoạn xuyên tạc, phá hoại Đại hội Đảng tại Việt Nam đang được thực hiện theo cách “xây dựng sự ảo tưởng về sự thật”. Nó xuất phát từ một câu nói rất nổi tiếng của Joseph Goebbels, bộ trưởng tuyên truyền của Phát xít Đức: “Một lời dối trá nếu được lặp đi lặp lại đủ mức thì nó sẽ trở thành sự thật”.
Về khía cạnh khai thác, xuyên tạc, phá hoại Đại hội Đảng tập trung chủ yếu vào việc dựng nên những “tranh giành, phe cánh” trong nội bộ vì đây là những vấn đề khó phản biện. Ai chẳng biết, “lưỡi không xương, trăm đường lắt léo”, nên lời đồn thổi, vu vạ thì dễ lọt tai còn sự thật thì khó lòng được lưu tâm. Nghĩ đơn giản một vấn đề, nếu một tập thể đoàn kết, vững mạnh bị thêu dệt là “đấu đá, phe cánh” thì ai sẽ là người lên tiếng phản hồi? Người trong tập thể mà trả lời thì bị đánh giá là “có tật giật mình”, người ngoài nhận định thì lại bị chê cười rằng “không ở trong chăn sao biết chăn có rận”… Lợi dụng vào đặc điểm này, người tuyên tuyền thông tin muốn đưa những câu chuyện thêu dệt ảnh hưởng dần dần, càng ít lời phản biện thì “sự ảo tưởng về sự thật” càng nhanh được hình thành.
Mới đây, một thông tin được cho là “mật” liên quan Bộ Giáo dục, Bộ Công an… lại tiếp tục được nhiều trang truyền thông mạng xã hội đăng tải. Theo đó, Bộ Công an bị chỉ trích là “tranh giành ảnh hưởng quyền lực trong bộ máy nhà nước” khi đề xuất nhiều chính sách quản lý; Bộ Giáo dục bị tấn công vì nhiều vấn đề chưa giải quyết trong ngành giáo dục. Để tăng thêm tính giật gân, những bài viết này cũng khéo léo lồng ghép câu chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không đồng ý việc thay thế bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ do lo ngại phe cánh và sợ Bộ Công an “nhảy vào”. Chỉ một nguồn tin thất thiệt như thế, nhưng đầy đủ rất nhiều cá nhân, bộ, ngành bị tấn công, ảnh hưởng uy tín. Đến cả Thủ tướng Chính phủ cũng bị thêu dệt là “giữ quân, bao ghế” thì thật sự là thủ đoạn “vô liêm sỉ”.
Thời gian qua, Bộ Công an chủ trì xây dựng, trình Quốc hội một số dự án Luật quan trọng. Các dự án Luật này sau khi trình Quốc hội xem xét thì thống nhất chưa thông qua bởi còn gặp nhiều vấn đề chưa hợp lý, hoàn thiện. Sự việc này ngay sau đó đã trở thành “miếng mồi” để nhiều kẻ tấn công Bộ Công an, cho rằng Bộ này muốn gia tăng quyền lực, ảnh hưởng toàn diện lên bộ máy nhà nước. Rõ ràng, việc tổ chức xây dựng luật xuất phát từ nhiều vấn đề trong công tác quản lý Nhà nước, do các Bộ, ngành đề xuất xây dựng hoặc do Chính phủ giao, nhưng các yếu tố này đều được “giấu nhẹm” nhằm mục đích đổ thừa tất cả sai sót cho ngành Công an. Phải chăng, đây là chiêu trò nhằm tấn công để hạ thấp uy tín của Bộ Công an khi trước đó Bộ này đã đạt được rất nhiều thành tích trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ngày càng nhận được niềm tin yêu của quần chúng nhân dân?
Ngược lại, với Bộ Giáo dục, khi trong nhiệm kỳ vừa qua để tồn tại rất nhiều vấn đề về quản lý như tình trạng bạo lực học đường, mối quan hệ thầy trò, sách giáo khoa, tự chủ trường đại học… thì ngòi bút tấn công lại rẽ hướng vào người đứng đầu – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Bộ ngành hoạt động chưa hiệu quả không những thuộc trách nhiệm người đứng đầu mà còn rất nhiều cán bộ cấp dưới có liên quan. Nhưng vấn đề ở đây, những tin đồn chỉ tập trung khai thác vào nhân sự cấp cao để tạo ra những trạng thái mâu thuẫn. Tin đồn “nhiều người muốn thay Bộ trưởng Bộ Giáo dục” vốn dĩ cũng chỉ là “đoán mò” dựa trên kết quả hoạt động của Bộ Giáo dục, nhưng lại lắt léo để nó liên quan đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Âm mưu, ý đồ đã rõ là muốn công kích vào việc sắp xếp nhân sự của Chính phủ. Nếu có sự thay đổi nhân sự thì những kẻ tung tin đồn được dịp hân hoan rằng đã biết trước, ngược lại thì chúng lại kêu gào rằng “phe cánh”…
Suy cho cùng, dù cho bộ ngành nào đó có làm tốt hay còn nhiều hạn chế thì cũng đều có thể trở thành mục tiêu tấn công của những đối tượng chống Đảng, Nhà nước. Chiêu trò “đá thúng, đụng nia”, thậm chí không buông tha bất kể một ai, không từ thủ đoạn nào để xuyên tạc, chống phá.
Thiết nghĩ, chỉ có sự minh bạch, công khai của Đảng, Nhà nước sẽ là câu trả lời đanh thép nhất trước những lời lẽ xuyên tạc, bôi nhọ. Sự minh bạch, công khai này chắc chắn sẽ tạo nên thành công của Đại hội XIII của Đảng, cũng như giữ trọn được niềm tin của Nhân dân.
Komi
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả