+
Aa
-
like
comment

Văn hóa Việt có dung dưỡng cho tham nhũng?

sông trà - 10/02/2020 18:12

Cần phải xây dựng thành công văn hóa nói không với tham nhũng trong xã hội. Chính văn hóa này trở thành một trong những nền tảng để quốc gia thịnh vượng và phát triển bền vững.

Tham nhũng và chống tham nhũng là hiện tượng xã hội đã có từ lâu trong lịch sử loài người. Đặc biệt, từ nửa cuối thế kỷ thứ XX, tham nhũng nổi lên như căn bệnh ác tính bùng phát, đe doạ cả nền kinh tế, văn hóa lẫn đạo đức của loài người, có sức tàn phá và ngăn cản rất lớn đối với sự phát triển của mọi quốc gia. Nhìn lại thời gian qua, chúng ta thấy rõ Việt Nam cũng nằm trong “vòng xoáy tham nhũng”.

Nhức nhối hai từ: Tham nhũng!

Ở nước ta, tình hình “tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Dưới góc nhìn văn hóa, chúng ta thấy văn hóa truyền thống của nước ta chứa đựng nhiều phong tục tập quán dễ bị lợi dụng để biện minh, ủng hộ cho hành vi tham nhũng.

Thí dụ: Tập quán “miếng trầu là đầu câu chuyện”, đạo lý “đền ơn đáp nghĩa”, kể cả tâm lý phục tùng vô điều kiện cấp trên… dẫn tới việc quà cáp, biếu xén đối với người có ân huệ với mình, đã dành cho mình những mối lợi. Tâm lý “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” đã trở thành điều bình thường mà mọi người dễ dàng chấp nhận, là mảnh đất thuận lợi cho tệ tham nhũng vặt tồn tại.

Vấn đề ở chỗ, “điếu thuốc, miếng trầu” bây giờ là cả hàng nghìn đô la, là cổ phiếu, cổ phần, là căn hộ… thì đó không còn là một tập tục tốt đẹp nữa mà đã bị lạm dụng thành hành vi tham nhũng cần phải được lên án. Xã hội đang hình thành một tâm lý mặc nhiên thừa nhận những hành vi tham nhũng, tiêu cực, chấp nhận việc lo lót đối với một số cán bộ, công chức để giải quyết công việc, coi việc lo lót như là sự trả ơn khi làm giấy tờ liên quan đến đất đai, để được khám chữa bệnh, thầy cô quan tâm đến con cái, nhận trợ cấp xã hội…

Bằng chứng là, nhiệm kỳ này với tinh thần “đốt lò” nghiêm túc, “không có vùng cấm”, đã đã có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 2 ủy viên Bộ Chính trị, 21 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 38 sỹ quan trong lực lượng công an, quân đội, 23 người ở cấp tướng.

Nói thẳng ra, “sờ” vào đâu cũng thấy sai phạm, “lò đốt chỗ nào cũng có củi”. 92 vị bị kỷ luật đều là lãnh đạo cấp cao, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là điều rất đáng lo ngại. Không biết còn bao nhiêu sai phạm, bao nhiêu vị lãnh đạo tham nhũng vẫn tồn tại trong xã hội? Các cơ quan chức năng cần tiếp tục tổng rà soát để xử lý theo quy định pháp luật đối với những trường hợp “chưa bị lộ”.

Ngoài ra con số 92 lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật cho thấy quyết tâm chính trị trong việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Lâu nay mọi người thường nghe nói “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái” song không biết cụ thể là ai. Đến nhiệm kỳ này danh sách cá nhân, tập thể sai phạm được công bố đã phần nào giúp nhận dạng bộ phận không nhỏ đó.

Đất nước muốn phát triển thì phải đưa ra ánh sáng những vụ đại án, những thành phần cản trở sự phát triển của xã hội; xử lý nghiêm khắc theo đúng pháp luật bất cứ ai ở vị trí quan trọng nhưng không gương mẫu, không thực thi đúng trách nhiệm của mình.

Xây dựng văn hóa: Nói không với tham nhũng!

Cần phải xây dựng  thành công văn hóa: Nói không với tham nhũng

Có thể nói, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã diễn ra từ khá sớm và được đặc biệt coi trọng dưới chế độ xã hội mới. Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo về nạn tham nhũng, coi đó là một loại “giặc nội xâm”; trong vài thập kỷ gần đây, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã coi tham nhũng là “quốc nạn” và rất tích cực đấu tranh chống tham nhũng.

Tham nhũng ở nước ta có mảnh đất thuận lợi để dung dưỡng và củng cố còn do truyền thống duy tình, coi thường pháp luật cộng với tâm lý tư lợi cá nhân chạy theo lợi ích trước mắt. Theo đó, người Việt Nam thường dựa vào các mối quan hệ để làm ăn cũng như giải quyết công việc.

Một con số thống kê cho thấy, văn hóa kinh doanh Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng thường dựa theo mối quan hệ cá nhân, có tới 70% doanh nghiệp tự động đưa hối lộ để được giải quyết công việc nhanh chóng, có 51% doanh nghiệp trả lời sẽ nhờ người có ảnh hưởng tác động để giải quyết khi đối mặt với hành vi tham nhũng vặt của công chức.

Đối với người tham nhũng, tham nhũng thực chất là hành vi thiếu văn hóa mà nguyên nhân là sự phai nhật lý tưởng như đồng chí Nguyễn Khoa Điềm nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban tư tưởng, văn hóa Trung ương khẳng định: “Chúng ta thấy hiện tượng quan liêu, tham nhũng, lãng phí tăng lên, chúng ta tìm cách ngăn chặn bằng cơ chế chính sách, kiểm tra, giám sát… điều đó là cần thiết nhưng cái gốc vẫn là sự phai nhạt lý tưởng. Cán bộ, đảng viên mắc khuyết điểm này, khuyết điểm khác trước hết vẫn là lý tưởng không rõ ràng, vướng vào ăn chơi, hưởng thụ”.

Đó là lý tưởng cách mạng, phấn đấu tận tụy phục vụ nhân dân. Lý tưởng sống và cống hiến cho sự hạnh phúc chung của nhân dân bị phai nhạt thì lòng tham vật chất cho cá nhân phát triển là nguyên nhân bên trong mạnh mẽ thôi thúc tham nhũng.

Đáng nói thêm ở chỗ, chúng ta có Luật phòng, chống tham nhũng, trong đó có quy định về kê khai và công khai tài sản, thu nhập – một giải pháp quan trọng song lâu nay hiệu quả còn khiêm tốn, đến nay rất hiếm trường hợp bị xử phạt. Thậm chí có người nói quy định pháp luật rất hay, tuy nhiên trong thực tế không chắc bao nhiêu người đã kê khai tài sản chính xác?

Liên quan vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu –  Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ với VnExpress thế này: “Tôi được đọc bản kê khai tài sản của các vị được bổ nhiệm làm đại sứ, và đã phát biểu trong cuộc họp của Uỷ ban đối ngoại là nhiều đại sứ nghèo quá. Tài sản, tiền gửi trong ngân hàng đến 50 triệu đồng không có, xe máy, xe đạp cũng không có nốt, nhà thì ở nhà bố mẹ vợ… Việc kê khai như vậy có dấu hiệu không nghiêm túc”.

Vì thế, bên cạnh việc xử lý nghiêm khắc theo đúng pháp luật bất cứ ai ở vị trí quan trọng nhưng không gương mẫu, chúng ta đồng thời phải đề ra các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Mục tiêu là những người có chức vụ, quyền hạn thấm nhuần “bốn không” gồm: “Không dám, không thể, không cần và không muốn tham nhũng”.

Dĩ nhiên, để thỏa mãn được những điều kiện “4 không” trên thật sự không phải là điều dễ dàng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trên con đường phát triển và hội nhập. Đó là cả một quá trình lâu dài, cần phải mất nhiều thời gian, không thể có trong một sớm, một chiều.

Hơn nữa, khi tham nhũng được coi là “chuẩn mực văn hóa”, người ta chấp nhận sống chung với nó, cho đó là chuyện bình thường thì phòng, chống tham nhũng là thách thức khó vượt qua. Do đó, đi tìm những giải pháp để phòng, chống tham nhũng từ góc độ văn hóa truyền thống mới là giải pháp căn cơ, gốc rễ cùng với các giải pháp khác mới có thể xóa bỏ tận gốc, triệt để tham nhũng.

Điều này cũng có nghĩa, để xóa bỏ triệt để tham nhũng phải chú ý đến thay đổi văn hóa trong đội ngũ những người có chức vụ, quyền hạn và nhân dân. Khi tất cả mọi người đều có tinh thần thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với cộng đồng, đất nước, tôn trọng lợi ích của người khác, thực hiện lợi ích cá nhân chính đáng theo quy định của pháp luật thì sẽ không còn cơ sở văn hóa cho hành vi tham nhũng.

Sông Trà

Bài mới
Đọc nhiều