+
Aa
-
like
comment

“Văn hóa từ chức” ở Việt Nam cần được hiểu như thế nào?

Công Luân - 14/12/2022 08:00

Ở nước ta việc từ chức khó là do một bộ phận những người làm quan vì đức mọn nên phải mua chức, chạy quyền. Với số tiền bỏ ra để “mua” một chức quan thì người ta phải bằng mọi cách ở lại để bù vào số tiền đó, đồng thời lại phải “tái sản xuất”, làm cho số vốn bỏ ra phải được thu về gấp hàng trăm lần… Từ đó để thấy không thể nào xếp việc từ chức là một loại “văn hóa”…

Ông Nguyễn Văn Thể chính thức rời ghế Bộ trưởng GTVT sau 5 năm đảm nhiệm để nhận nhiệm vụ mới theo sự phân công của cấp có thẩm quyền.

Thực ra “văn hóa” cho tới thời điểm hiện tại, khái niệm rất rộng. Nhưng nếu nói tóm gọn lại thì văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử. Và thực tế nó đều có xu hướng tích cực.

Soi chiếu vào những trường hợp từ chức thì thực sự không thể xếp nó thành văn hóa. Soi chiếu vào những trường hợp ở bộ máy nước thì sẽ thấy, quan chức ở nhiều nơi từ chức thì một là có sai lầm trong công tác hoặc sức ép từ nội bộ đảng của họ hoặc sức ép từ dư luận. Nếu như không chịu những sức ép này thì rõ ràng không có ai từ chức cả.

Có lẽ, không nên gọi là “văn hoá từ chức” mà chính xác phải là người có văn hoá thì phải biết lúc nào nên từ chức. Bởi có những ông, bà, cô, cậu cứ bám riết lấy cái ghế mặc dù năng lực yếu, tín nhiệm thấp, công việc dính bê bối… Lại có trường hợp bấu víu chức vụ bởi câu “tổ chức phân công nên tôi phải làm” để đổ oan cho Nhà nước.

Thẳng thắn mà nói thì lòng tự trọng của một bộ phận cán bộ, đảng viên ngày càng giảm sút, mờ nhạt. Số quan chức này chỉ biết đặt cái lợi cá nhân lên trên hết, trước hết. Họ sẵn sàng bỏ ra ngoài tai mọi dư luận xã hội, miễn là giữ được ghế, thậm chí chạy tuổi để thêm nhiệm kỳ. Không có liêm sỉ thì mấy ai có thể dễ dàng “cởi áo từ quan”, tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ. Ở nước ta, quan chức nhiều bổng lộc, vừa lương vừa “lậu”. Từ cấp Vụ trở lên đi đâu đã có xe và nếu chức vụ cao hơn nữa thì như Tổng Bí thư dẫn ca dao, hò vè: “Họp thì có người ghi, đi thì có người chở, ở thì có người chăm, nằm có người bóp”. Vậy thì ai còn muốn từ chức? Phải là những cán bộ thật sự vì nước, vì dân, dám hy sinh quyền lợi cá nhân, luôn luôn đặt lợi ích của nước, của dân lên trên hết, trước hết thì mới làm được điều đó.

Lại nói, truyền thống phi văn hóa “một người làm quan cả họ được nhờ” ở ta ăn sâu, bén rễ, thâm căn cố đế trong tâm lý một bộ phận không nhỏ quan chức. Giữ một chức vụ cao trong bộ máy Nhà nước, nếu không có lương tâm, có thể tham nhũng, nuôi được cả dòng họ; lợi dụng chức quyền để cho người thân, gia đình, vợ con vụ lợi bằng nhiều cách khác nhau.

Nói như vậy không phải là tiêu cực mà cần nhìn nhận đúng và đủ về thực trạng một số quan chức ở nước ta. Nhìn nhận đúng và đủ để thấy rằng, quy định hầu như không đơn giản giải quyết vấn nạn này. Bài học cho thấy các lĩnh vực khác nhau, chúng ta đều có các quy định chuẩn. Ví dụ, năm 2011, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 47 về những điều đảng viên không được làm mười năm trước. Nhưng hơn mười năm qua, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không tuân thủ quy định, phải vào vòng lao lý.

Vậy mới thấy, không nên coi là văn hóa thì mới có một hướng đi đúng đắn để xử lý vấn nạn này…

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều