+
Aa
-
like
comment

Suy nghĩ “mất nước, chứ không mất làng” làm khổ người nông dân

Diệp Vấn - 12/10/2020 17:31

Văn hóa làng xã Việt Nam là nội dung quan trọng trong bản sắc văn hóa dân tộc ta, đồng thời cũng là sản phẩm chủ yếu của người nông dân. Là một nội dung quan trọng, đặc trưng cơ bản của bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa làng xã tồn tại khá bền vững trong lịch sử với cả những mặt tích cực và mặt tiêu cực cụ thể. Hiện nay, các mặt tích cực và tiêu cực của văn hóa làng xã Việt Nam đang có những biến đổi, chuyển hóa phức tạp đã đặt ra nhiều vấn đề mới cho các nghiên cứu cụ thể. Một trong những vấn đề nổi lên là văn hóa làng xã Việt Nam với trách nhiệm xã hội người nông dân hiện nay.

Lịch sử dân tộc ta với đặc trưng nổi bật là dựng nước gắn liền với giữ nước. Ngay từ rất sớm, ông cha ta đã biết vận dụng sức mạnh tổng hợp để bảo vệ độc lập, tự chủ dân tộc. Một trong những nhân tố có tính chất điển hình, đặc sắc tạo nên sức mạnh tổng hợp đó là văn hóa, văn hóa làng xã Việt Nam. Riêng ở dân tộc ta, lợi ích dân tộc với lợi ích giai cấp, lợi ích gia đình, cá nhân… là thống nhất với nhau nhiều hơn so với các dân tộc khác. Cho nên đại đoàn kết toàn dân tộc mới trở thành truyền thống, nét văn hóa đặc sắc Việt Nam. Trong sự thống nhất ấy, văn hóa làng xã là hạt nhân cơ bản, là trung gian bắt nhịp giữa cá nhân với toàn thể quốc gia, dân tộc. Hiện tượng “mất nước, chứ không mất làng” là nét đặc thù của dân tộc ta. Có cả một thời gian dài (một nghìn năm Bắc thuộc), chính quyền Trung ương bị mất, nhưng kẻ xâm lược không xâm nhập được vào làng xã Việt Nam. Những sắc thái văn hóa làng xã Việt Nam luôn bị chính sách đồng hóa về văn hóa, nhưng không bị mất, mà vẫn phát triển với những giá trị bền vững của nó. Nhờ đó mà những tiềm năng thuộc ý thức dân tộc âm ỷ và đến lúc nó mở rộng, phát triển thành cái phổ biến toàn dân tộc, khôi phục lại độc lập, tự chủ.

Trách nhiệm xã hội là vấn đề còn nhiều mới mẻ và cũng đang được đặt ra có tính cấp bách để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh ở nước ta hiện nay. Trách nhiệm xã hội bao giờ cũng gắn với chủ thể cụ thể trong xã hội trong quan hệ với toàn xã hội và cộng đồng dân tộc. Trong lịch sử, văn hóa làng xã Việt Nam và trách nhiệm xã hội của người nông dân gắn bó với nhau với tính thống nhất và sự khác biệt, vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của nhau.

Những người nông dân vừa là sản phẩm, đồng thời vừa là chủ thể của văn hóa làng xã Việt Nam. Về cơ bản, văn hóa làng xã Việt Nam phản ánh nền kinh tế khép kín, tự túc, tự cấp về nông nghiệp là chủ yếu. Nền kinh tế đó gắn với chủ thể nông dân trồng trọt ở nông thôn. Sản phẩm chủ yếu trong hoạt động kinh tế của họ không phải dùng trao đổi với bên ngoài, trên thương trường. Với những đặc trưng sản xuất ấy tạo nên một cộng đồng, một tâm lý khá vững chắc mang sắc thái làng xã. Họ có trách nhiệm khá cao với cộng đồng làng xã và gia đình ở mọi phương diện cả kinh tế và xã hội. Giá trị nhân cách thường được khẳng định, đánh giá trong làng xã, dòng họ là chủ yếu. Trách nhiệm đó là sức mạnh to lớn làm cho pháp luật nhà nước “phép Vua” cũng phải thua thiệt với “lệ làng”. Thậm chí cả chính sách đô hộ về chính trị, quân sự của kẻ xâm lược cũng khó xâm nhập vào làm biến đổi nó. Tuy nhiên, khi Tổ quốc bị các thế lực nước ngoài thôn tính thì người nông dân Việt Nam chuyển hóa trách nhiệm với cộng đồng làng xã thành trách nhiệm xã hội với ý nghĩa đối với quốc gia, dân tộc. Nhờ có sự chuyển hóa này mà các cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm giành quyền độc lập, tự chủ dân tộc có sức mạnh to lớn.

Hiện nay, trách nhiệm xã hội của người nông dân Việt Nam đòi hỏi có những vấn đề mới cả về phạm vi, trình độ và tính chất thường xuyên, liên tục. Trách nhiệm xã hội đó không dừng lại ở giới hạn làng xã, mà ở tầm quốc gia, dân tộc, thậm chí cả vấn đề cấp bách toàn cầu. Hơn nữa, trách nhiệm xã hội đó không chỉ khi có thế lực xâm lược nước ngoài đến thôn tính, mà ngay trong điều kiện đất nước đang có hòa bình.

Trách nhiệm đó đang bị văn hóa làng xã chi phối cả về mặt tích cực và cả về mặt tiêu cực. Văn hóa làng xã Việt Nam có thế mạnh tạo cho người nông dân về tâm lý, ý thức cộng đồng trong phạm vi hẹp, nhưng lại hạn chế về ý thức chung toàn xã hội. Trong điều kiện hiện nay, trách nhiệm xã hội của người nông dân Việt Nam đang diễn ra những xung đột ở lĩnh vực văn hóa, văn hóa làng xã với cả hai mặt cơ hội và thách thức; tích cực và tiêu cực khá phức tạp. Trong các nhân tố cấu thành văn hóa làng xã Việt Nam liên quan đến trách nhiệm xã hội của người nông dân hiện nay là vấn đề tâm lý.

Hiện nay, trách nhiệm xã hội ở nước ta đang đặt ra cho người nông dân ở phạm vi rộng quốc gia, dân tộc và ở trình độ cao gắn với xã hội công dân, gắn với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, làng xã phải tháo gỡ những nếp cũ đã lỗi thời, không còn phù hợp của làng xã truyền thống như co cụm, khép kín “Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ” hay kiểu “Phép vua thua lệ làng”… nhưng cũng đồng thời phải bảo lưu được những giá trị quý báu của văn hóa làng xã như ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng; tôn trọng trật tự, kỷ cương; tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc “tắt lửa tối đèn có nhau”… Chúng ta xây dựng nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong đó bản sắc dân tộc phải chăng một phần quan trọng nằm ở văn minh làng xã cổ truyền.

Những giá trị mang tính bản sắc ấy ở nông thôn đang đứng trước những thách thức rất lớn.

Để giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ Nhà nước cần có những giải pháp vĩ mô, nhưng vai trò rất quan trọng của mỗi cộng đồng dân cư, làng xã, dòng họ và mỗi cá nhân phải được phát huy, khơi lại những giá trị truyền thống trong trẻo, nâng cao lòng tự hào về truyền thống để thích nghi với xã hội hiện đại mà không mất gốc, mất đi bản sắc văn hóa Việt được đúc kết qua ngàn năm lịch sử đáng tự hào của tổ tiên ta.

Cần bảo tồn nguyên vẹn tri thức, cảnh quan, không gian văn hóa cổ truyền, giữ gìn môi trường, nét đẹp văn hóa làng quê trong sự tương quan hài hòa với những công trình kiến trúc hiện đại. Đồng thời, dự báo được xu thế vận động, phát triển của làng quê trong tương lai; không được nóng vội, chủ quan mà cần có thời gian để người dân quê có tâm thế sẵn sàng thay đổi.

Việc tiếp cận những giá trị mới đến từ bên ngoài như tinh thần thượng tôn pháp luật, thực hành tự do dân chủ, bảo đảm quyền con người, tôn trọng sự khác biệt, tinh thần khoan dung, vị tha, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội… là điều cần thiết trên nền tảng tri thức, vốn sống, vốn văn hóa làng để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị; giữa Việt Nam với các nước tiên tiến trên thế giới. Mở cửa để hội nhập, giao thoa với nhiều không gian và nền văn hóa mới ở xung quanh là một tất yếu của cuộc sống.

Điều quan trọng là chủ thể của mỗi làng phải chuẩn bị những hành trang văn hóa để đưa làng mình phát triển ngày càng giàu đẹp, bền vững và trù phú hơn. Đến hiện đại từ những giá trị vững bền của văn hóa truyền thống sẽ là hướng đi thức thời và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam hiện nay. Bằng bản lĩnh, ý chí và quyết tâm của những người dân quê và sự quan tâm của các cấp, các ngành, chúng ta có quyền tin tưởng trong tương lai không xa, những làng quê Việt sẽ cất cánh, tiến xa hơn trong sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Hơn lúc nào hết, đây là lúc phải huy động sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, các cấp để thúc đẩy khu vực nông thôn, nông nghiệp bứt lên, vượt qua khó khăn thách thức, tạo bước phát triển mang tính đột phá. Đó chính là phát huy sức mạnh của cả khối đại đoàn kết dân tộc trong việc tìm kiếm những giải pháp khả thi để thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn./.

Diệp Vấn

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều