+
Aa
-
like
comment

Vấn đề Thủ Thiêm: Không thể chậm trễ thêm nữa!

10/07/2019 17:01

Một khi mâu thuẫn giữa dân và chính quyền bùng phát thì nó không khác gì “miếng đất lành” cho thế lực thù địch lợi dụng kích động, chống đối. 

Trong buổi bế mạc Hội nghị lần thứ 30 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh, khóa X nhiệm kỳ 2015-2020, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề cập tiến độ giải quyết khiếu nại ở Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm, quận 2 rằng: “Vấn đề Thủ Thiêm đã kéo dài hơn 20 năm, chúng ta phải dành sự quan tâm cần thiết chứ không thể chậm trễ hơn nữa”.

Dư luận đồng tình với quan điểm rốt ráo trong giải quyết vấn đề Thủ Thiêm của Bí thư TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân

Chuyện ở Thủ Thiêm – đúng là không thể chậm trễ được nữa

KĐTM Thủ Thiêm bắt đầu triển khai quy hoạch từ năm 1996, được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á. Dự án nằm bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1 (cách 300 m đường chim bay) là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP Hồ Chí Minh với các chức năng về tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí…

Khu đô thị có quy mô 930 ha, dân số khoảng 200.000 người, khu tái định cư khoảng 45.000 người. Hiện, dự án đã giải phóng hơn 99% mặt bằng nhưng vẫn còn hơn 100 hộ dân khiếu nại từ thành phố đến Trung ương hàng chục năm qua.

Tuy nhiên, dự án phát triển KĐTM Thủ Thiêm trở nên nổi tiếng từ năm 2002, khi TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định thu hồi đất (ngày 10/5/2002) và quy định vể đền bù, hỗ trợ, tái định cư (ngày 21/11/2002, được sửa đổi, bổ sung năm 2006 và 2009). Người Thủ Thiêm bức xúc đã đành, nhân dân các nơi cũng rất quan tâm. Thủ Thiêm, sau gần hai chục năm, vẫn như một vết thương chưa khép miệng. Chính quyền đã nhiều lần đối thoại với người dân Thủ Thiêm về chính sách hỗ trợ nhưng chưa đạt được sự đồng thuận.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) năm 2018-2019 đã kiểm tra, rồi sau đó thanh tra toàn diện và ban hành các kết luận. Trong Kết luận thanh tra số 1041/TB-TTCP ngày 26/6/2019, đáng chú ý là phần “kết quả đạt được” chỉ nửa trang giấy, nhưng phần “khuyết điểm, vi phạm” dài tới 7 trang, đều có nguyên nhân chủ quan là chính.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, sau khi có các kết luận thanh tra, kiểm tra, lãnh đạo thành phố và quận 2 đã nhiều lần gặp gỡ đối thoại với người dân. Hiện, dự thảo chính sách giải quyết quyền lợi cho người dân theo kết luận của TTCP đã hoàn thiện và đề nghị giải quyết nhanh chóng cho người dân Thủ Thiêm.

Dù thế nào đi nữa, chúng ta phải thừa nhận một thực tế là những vấn đề xung quanh Thủ Thiêm nó đã kéo dài hơn 20 năm, nên như Bí thư TP Hồ Chí Minh nói “chúng ta phải dành sự quan tâm cần thiết chứ không thể chậm trễ hơn nữa”. Càng dây dưa thì các thế lực thù địch càng có sơ sở để kích động một bộ phận người dân nơi đây chống đối chính quyền. Càng chậm trễ thì niềm tin của người dân với cả một bộ máy công vụ càng sứt mẻ thêm.

Thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề khiếu kiện đất đai

Lợi dụng, kích động người dân khiếu kiện đất đai cũng là một chiêu trò của các thế lực thù địch

Một nhược điểm lớn trong quản lý đất đai ở nước ta là giá trị tài nguyên này bị thất thoát khá lớn khi chuyển từ khu vực nhà nước sang sử dụng trong khu vực tư nhân. Mặt khác, giá trị đất đai cũng bị hao hụt lớn khi chuyển việc sử dụng từ tư nhân sang nhà nước thông qua cơ chế nhà nước thu hồi đất. Nhiều người đang sử dụng đất bị thiệt thòi, gây ra tình trạng nội dung về đất đai luôn chiếm tới 70% tổng số vụ khiếu kiện, khiếu nại của dân.

Và nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng giải quyết khiếu nại chậm chạp, thiếu dứt điểm, chất lượng thấp, tái khiếu kiện nhiều đó là chúng ta chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích của xã hội với lợi ích của những người có đất bị thu hồi.

Một điểm đáng quan tâm trong bản kết luận của TTCP là phần “khuyết điểm, vi phạm” dài tới 7 trang, đều có nguyên nhân chủ quan là chính. Nói cách khác, những sai phạm khác mang tính chủ quan chỉ là năng lực quản lý yếu kém hay cũng có ý đồ chủ động lách qua kẽ hở luật pháp?

Giải quyết mâu thuẫn lợi ích từ đất đai mà mỗi bên cứ đứng trong hệ quy chiếu riêng của mình thì muôn năm cũng bất phân thắng bại. Khi mọi loại đất đai đều là “công” cả thì ranh giới công – tư thực ra rất mù mờ. Việt Nam ta gọi là cảnh “tranh tối, tranh sáng”, bên Tây thì dùng từ “chạng vạng” – lúc đó làm gì chẳng được. Lấn chiếm đất công chỉ cần xã, phường “lờ” đi là xong. Lấy được “đất vàng” để đầu tư chỉ cần tỉnh, thành “trợ giúp” cũng là xong. Phải chăng vì thế mà dân gian vẫn nói, đại gia ở ta đều lớn lên từ đất công.

Có lẽ vì thế nên có một vị chuyên gia đã đúng khi nói rằng: “Việt Nam có một “rừng luật”. Cành của các cây rừng đan xem chằng chịt nhưng cây nào cũng rất cô đơn, giữa sự cô đơn ấy là những khoảng trống đáng kể. Người thật thà đi vào “rừng” này dễ bị lạc, người tinh quái đi trong “rừng” lại như dạo chơi”.

Thực tế cho thấy, chuyện bức xúc ở Thủ Thiêm không phải là vấn đề cá biệt hay mới mẻ gì. Trước đây, đã có những câu chuyện tương tự khiến cho cả hệ thống chính quyền địa phương, sự chỉ đạo rốt ráo từ Trung ương mới vãn hồi được nỗi bức xúc của dân.

Chẳng hạn, không ai quên cuộc cưỡng chế tại Văn Giang, Hưng Yên đã làm nóng dư luận vì tính chất phức tạp của vụ việc. Trong khi nhiều người dân bị cưỡng chế một mực phản đối, chính quyền lại luôn khẳng định tính chính đáng của hoạt động này. Sự không tường minh về thông tin có thể dẫn tới những cách hiểu và suy diễn khác nhau không cần thiết.

Tương tự, biến cố ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội bắt nguồn từ tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm và trở thành điểm nóng khi người dân xã Đồng Tâm cho rằng, hàng chục ha đất đồng Sênh được quyết định giao cho Tập đoàn Viettel thực hiện dự án là đất nông nghiệp của xã chứ không phải đất quốc phòng.

Mọi chuyện không đơn giản khi thế lực thù địch đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân… Luận điệu mà các thế lực lợi dụng sự cả tin và một phần thiếu hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân khi đánh vào tư duy “đòi hỏi lợi ích chính đáng khi mất đất”.

Có thể nói, những từ câu chuyện ở Văn Giang – Hưng Yên, Đồng Tâm – Hà Nội cho đến Thủ Thiêm – TP Hồ Chí Minh minh chứng đó là những một cuộc “giải cứu niềm tin” cho dân, cho xã hội. Nó cũng minh chứng, người dân không cần những văn bản khuôn vàng thước ngọc, chỉ cần chân thành, trách nhiệm, nói đúng tâm can của người dân, giải quyết đúng lợi ích của dân.

Hơn nữa, trong mọi con đường, về với dân luôn là con đường dễ nhất và ngắn nhất. Nhưng để chọn được con đường ấy, cán bộ phải biết lắng nghe dân một cách chân thành và khiêm tốn.

Điều này cũng có nghĩa, cán bộ phải tự “cưỡng chế” mình trước khi tính đến việc cưỡng chế dân. Phải tự cưỡng chế lòng tham, thói quan liêu hách dịch, tuỳ tiện. Bởi những thứ đó luôn có trong mỗi con người, đặc biệt là người có chức quyền. Nếu không tự cưỡng chế để mình trở thành một công bộc tử tế thì khó có thể cưỡng chế dân vì công vụ.

Theo đó, muốn yên dân thì phải hiểu dân, biết dân muốn gì mà hành xử cho công tâm. Một khi người dân chưa thông, chưa đồng thuận thì phải về tận nơi để nghe dân nói, tìm cho ra căn nguyên cội rễ. Khi “tất cả đều đúng” mà dân vẫn phản ứng, thì tốt nhất là hãy rà soát lại quy trình, nhìn nhận sự việc một cách toàn diện.

Mọi khúc mắc, mâu thuẫn phải được giải quyết từ gốc, không để đi quá đà. Bởi, một khi mâu thuẫn giữa dân và chính quyền bùng phát thì nó không khác gì “miếng đất lành” cho thế lực thù địch lợi dụng kích động, chống đối.

(Theo Bút Danh)

Bài mới
Đọc nhiều