Vấn đề quốc gia, chủ quyền lãnh thổ cần phải được đặt lên trên hết
Sự yếu kém của cơ quan kiểm duyệt bộ phim hoạt hình Everest – người tuyết bé nhỏ có nội dung lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò” tại Việt Nam, lại vô tình tiếp tay cho chủ đích tuyên truyền chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Vậy trách nhiệm của các bên liên quan thế nào? Để những sai sót này xảy ra do yếu kém về năng lực của cán bộ hay lỗ hổng trong cả quy trình kiểm duyệt?
“Đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” là khái niệm mà Bắc Kinh dựa vào để tuyên bố quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, yêu sách này hoàn toàn trái với luật quốc tế và trên thực tế, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.
Khi vấp phải phán quyết của PCA bác bỏ tính pháp lý của yêu sách “đường 9 đoạn” đồng thời lên án các hành vi trái phép của Trung Quốc trong việc cải tạo đảo và ngăn cản việc thực thi quyền đánh cá trên Biển Đông thì Trung Quốc đã buộc phải thay đổi chiến lược của mình. Theo đó, Trung Quốc đã không còn công khai nhắc đến yêu sách “đường 9 đoạn” trên truyền thông quốc tế như trước đây.
Thay vào đó, việc tuyên truyền về “đường 9 đoạn” và những tuyên bố chủ quyền sai trái khác của Trung Quốc được nước này thực hiện một cách tinh vi hơn thông qua các hình thức kín đáo hơn như lồng ghép trong các tác phẩm văn hóa mà nước này truyền bá ra thế giới.
Trung Quốc đã tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền về “đường lưỡi bò”, từ sách giáo khoa cho đến các tạp chí khoa học, dù là trong những lĩnh vực có vẻ không liên quan như môi trường, cả trong nước lẫn trên thế giới.
Tháng 5/2018, một đoàn du khách Trung Quốc bị phát hiện mặc áo thun in hình “đường lưỡi bò” ngay tại sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa. Sau đó, cơ quan chức năng địa phương đã yêu cầu những người này cởi bỏ và tịch thu số áo trên.
Tháng 9 cùng năm, bộ sách Wow! – Những bí mật kỳ diệu dành cho học sinh của tác giả Trung Quốc, dành cho học sinh từ 6 đến 16 tuổi, bị phát hiện có hình ảnh minh họa “đường lưỡi bò”. Vụ việc khiến nhà xuất bản cấp phép phải yêu cầu đơn vị phát hành thu hồi sách và chỉnh sửa nội dung.
Mới đây nhất, bộ phim hoạt hình “Everest – Người tuyết bé nhỏ” do DreamWorks Animation Studio (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc) đồng sản xuất đã bị khán giả phát hiện có cảnh “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc được cài cắm trong một số cảnh phim và ngay lập tức bị thu hồi và dừng chiếu ở Việt Nam.
Dù chỉ là “vài giây” nhưng đó là cả một chiến lược có chủ ý của quốc gia láng giếng Trung Quốc khi trước đó, họ từng “cài” hình ảnh “đường lưỡi bò” trong những tấm hộ chiếu, bộ đồ chơi trẻ em, áo thun, phim ảnh, nội dung thể thao… Phải nhìn vào lịch sử và những toan tính của Trung Quốc thì sẽ thấy, vì sao họ phải “khổ công” để đưa “đường lưỡi bò” xuất hiện khắp mọi nơi.
Những vụ việc trên một lần nữa cho thấy sự nguy hiểm của chính sách tuyên truyền của Trung Quốc và thể hiện rằng Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông của mình.
Ngày 15/10 vừa qua, trong cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa khẳng định: Những gì thuộc về độc lập, chủ quyền dân tộc thì ta không bao giờ nhân nhượng.
“Kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, nhưng phải giữ được môi trường hòa bình để phát triển”, Tổng bí thư nêu quan điểm với cử tri rằng xử lý mối quan hệ này không hề đơn giản, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải dứt khoát, đồng thời khôn khéo, mềm mỏng.
Trước đông đảo cử tri, người đứng đầu Đảng và Nhà nước khẳng định: “Những gì thuộc về độc lập, chủ quyền dân tộc thì ta không bao giờ nhân nhượng, tinh thần của ta là quyết chiến, quyết thắng”.
Nhưng chúng ta bảo vệ chủ quyền trên tinh thần đồng thời giữ môi trường hòa bình để phát triển. Bởi thế mà ý thức chủ quyền thường trực trong mỗi người dân là vô cùng quan trọng. Giáo sư Lê Văn Lan có lần kể lại rằng ông giật mình khi nhìn thấy dân mình mất cảnh giác đến độ treo cả đèn lồng có chữ “tam sa”. Kể chuyện này ra để thấy sự tinh vi trong việc cài cắm “đường lưỡi bò” phi pháp. Những sự việc ấy chỉ càng cho thấy chúng ta phải nâng cao cảnh giác hơn, phải thường trực ý thức chủ quyền ở trong tim mỗi người.
Chủ quyền đất nước là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, vì thế chúng ta phải hết sức cảnh giác với những chiến dịch tuyên truyền nguy hiểm của Trung Quốc. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự việc nào thì vấn đề quốc gia, chủ quyền lãnh thổ cũng cần phải được đặt lên trên hết.
Phạm Minh Hà