+
Aa
-
like
comment

Vai trò người thầy trong ca dao, tục ngữ

Diệp Vấn - 12/11/2020 17:50

Từ xa xưa, ca dao, tục ngữ đã được kết tinh, lắng đọng từ vốn sống và những kinh nghiệm quý báu của nhân dân. Mọi đường ăn, nết ở, mọi “phép tắc” cần ứng xử ở đời đều đọng lại trong hơi thở của những câu ca dao, tục ngữ. Điều đó cũng là hợp lẽ khi trở lại mạch nguồn này để tìm hiểu vai trò của người thầy giáo trong xã hội cũ cũng như truyền thống “tôn sư trọng đạo” được vun đắp từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên, sinh thời Hồ Chủ Tịch từng khẳng định: “Nghề thầy giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý – vì đó là những kỹ sư tâm hồn”. Bởi ngay từ xa xưa, trong suy tư, tâm thức của mỗi người đã luôn đề cao vai trò của người thầy: “Không thầy đố mày làm nên”.

Vâng! Đối với mỗi người học trò – trên con đường tiếp cận kho tri thức khổng lồ của dân gian, của nhân loại, dù đạt nhiều mục đích khác nhau; song đều gặp nhau ở chỗ là họ luôn cần đến sự định hướng, dìu dắt của người thầy trong quá trình tiến gần đến chân lý. Do vậy, bên cạnh tục ngữ, thì ca dao cũng cất lên lời ca khẳng định:

“Mấy ai là kẻ không thầy

Thế gian thường nói đố mày làm nên”

Như chúng ta đã biết, mỗi con người – từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, luôn được chăm sóc, dạy dỗ bởi bàn tay, khối óc, tấm lòng cao cả, bao la của nhiều người theo dòng chảy của thời gian. Khi còn nhỏ, ta chịu ơn nuôi dưỡng “cao như núi Thái Sơn” của cha, chịu cái nghĩa sinh thành “như nước đầu nguồn” không ngừng tuôn chảy của mẹ. Rồi khi lớn lên, cắp sách tới trường – thì chính thầy giáo là người nâng niu, uốn nắn cho ta:

“Mẹ cha công sức sinh thành

Ra trường thầy dạy học hành cho hay”

Phải! Thầy giáo dạy học trò trên nhiều phương diện, lĩnh vực theo mỗi bước đi của thời gian và sự hình thành nhân cách của trẻ. Nhưng trước hết là dạy để chúng biết được cái chữ:

“Công cha, áo mẹ, chữ thầy

Gắng công mà học có ngày thành danh”

Rồi không chỉ có “chữ”, tiếp đó là thầy truyền đạt cho trò nguồn kiến thức gắn liền, phù hợp với tư duy lứa tuổi. Người học trò lớn khôn, trưởng thành hơn qua mỗi bài giảng của thầy. Đến một ngày kia, nếu có ai trong số họ thành đạt, vẫn nghĩ rằng “một chữ hay nửa chữ” là thuộc về công lao của thầy:      “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy).

Chỉ ngần ấy thôi, cũng đủ để chúng ta hiểu: Nhân dân rất coi trọng nghề thầy giáo. Họ đúc kết lại trong những câu ca dao, tục ngữ dễ nhớ, dễ thuộc. Cũng bởi xuất phát từ chỗ nhận thức rõ vị trí của người thầy, mà dân gian đã không quên nhắc nhở học trò lòng yêu kính, biết ơn thầy. Có một câu ca dao rất hay viết rằng:

“Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”

Lòng yêu kính ấy, được biển hiện qua nét ứng xử bằng nhiều cách thức khác nhau, mỗi người chúng ta, ngoài sống có hiếu với cha, với mẹ, còn phải sống có nghĩa đối với thầy. Quan niệm thầy – trò theo nếp này – một cách tự nhiên đã trở thành thứ tình nghĩa cao cả, thiêng liêng trải dài suốt bao đời nay, kết nối thành một sợi dây, tạo nên truyền thống đẹp đẽ của dân tộc: Truyền thống tôn sư trọng đạo. Nhân dân ta quan niệm:

“Nhất nhật vi sư” (Một ngày cũng là thầy)

Vậy nên, trong ca dao, thường cất lên lời hứa hẹn của nhân vật trữ tình (là học trò) về sự “đền ơn đáp nghĩa” nếu ngày kia họ thành đạt:

“Bao giờ anh chiếm bảng vàng

Ơn thầy ta trả, nghĩa nàng nào vong”

Song song với điều đó, dân gian cũng lên tiếng “cảnh báo”’ những kẻ “vong ơn bạc nghĩa”:

“Yêu kính thầy mới được làm thầy

Những phường bội bạc sau này ra chi”

Phải, những kẻ quay lưng lại với người đã nâng niu, dìu dắt, dạy dỗ mình ngay từ ngày đầu tiên – những kẻ đó chắc chắn cuối cùng không thể đi đến trọn vẹn của đỉnh cao vinh quang – vì vinh quang gắn liền với danh vọng song cũng không tách rời đạo lý và lễ nghĩa.

Tóm lại, tìm hiểu vai trò của người thầy trong ca dao và tục ngữ, chúng ta thấy, người xưa luôn đề cao vai trò của họ – đặc biệt là vai trò “đắc lực” trong truyền thụ kiến thức. Đồng thời, nhắc nhở học trò cũng phải luôn ghi nhớ, biết ơn và yêu kính người đã dạy dỗ mình. Tuy nhiên, trong mạch chảy ấy, có lúc, lại xen vào một câu tục ngữ tưởng như có vẻ lạc điệu ‘’Học thầy không tày học bạn” làm người học băn khoăn, nghi ngờ: Lẽ nào, học hỏi ở bạn bè là quan trọng hơn, tiếp nhận được nhiều tri thức hơn ở thầy. Thật ra, xét đến cùng, khi tục ngữ lên tiếng như thế – không đồng nghĩa với việc hạ thấp vị trí người thầy, mà như bổ sung thêm cho chúng ta một kinh nghiệm trong quá trình tiếp cận chân lý, tức là phải thành tâm học hỏi ở mọi người, mọi nơi và mọi lúc. Trong ý nghĩa như vậy, bạn bè tốt và giỏi giang thật sự cũng có thể coi đó là “thầy”.

Ngày nay, trước ngưỡng cửa của cơ chế thị trường, báo chí đã khá nhiều lần đề cập đến tình trạng suy thoái đạo đức và phẩm chất của một số giáo viên – và cho rằng họ không xứng đáng với những gì xã hội tin cậy, gửi gắm. Hiện tượng trên là điều có thật, song không hẳn là phổ biến, nó cũng chẳng hoàn toàn đại diện cho sự “xuống cấp” của hệ thống sư phạm Việt Nam. Bởi lẽ, ở bất cứ nơi đâu, trên mảnh đất quê hương yêu dấu này, vẫn không thiếu hình ảnh những người thầy, người cô dẫu còn trẻ mà đã hăng hái vượt đại ngàn lên vùng cao giảng dạy. Và cũng còn rất nhiều, rất nhiều bóng dáng của những người thầy, người cô ngồi kề ở cửa, tối tối bên ánh điện bàn, vẫn đang say mê, đắm mình vào trang giáo án với mong mỏi: ngày mai, trên bục giảng sẽ đem đến cho học trò nhiều điều bổ ích và lý thú.

Còn chúng ta, vẫn giữ trọn niềm tin yêu rằng: nhân dân ta đã, đang và sẽ mãi nối tiếp, giữ gìn truyền thống tôn sư trọng đạo. Và luôn luôn hy vọng, chờ trông ở “những kỹ sư tâm hồn”./.

Diệp Vấn

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều