Vai trò người phụ nữ trong việc giữ gìn, phát triển và sáng tạo các giá trị văn hóa truyền thống gia đình
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”
Thật vậy, trải qua bao biến cố của xã hội, thăng trầm của lịch sử, người phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng luôn giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội và gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, tạo dựng lên truyền thống bản sắc của người Việt nói chung và truyền thống của phụ nữ riêng Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Ngay từ buổi đầu dựng nước, khi đất nước lâm nguy trong bối cảnh ngoại bang xâm lược, Hai Bà Trưng đã dựng cờ khởi nghĩa đánh bại quân xâm lược Đông Hán, giành lại nền tự chủ nước nhà. Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) đã dấy binh khởi nghĩa chống xâm lược của quân Đông Ngô làm “Chấn động Giao Châu”. Hình ảnh Bà Trưng, Bà Triệu đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc và trở thành một huyền thoại sống mãi với thời gian. Thế kỷ XX, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, lịch sử lại ghi nhận hàng ngàn tấm gương phụ nữ, các chị, các mẹ không ngại gian khổ, không tiếc máu xương, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Trong chiến tranh, người phụ nữ dũng cảm, kiên cường mưu trí, gan dạ trong chiến đấu, trong hòa bình, trong đổi mới hội nhập người phụ nữ tích cực, sáng tạo lao động sản xuất, cần cù, chịu thương chịu khó để vượt lên cảnh đói nghèo và lạc hậu, góp phần xây dựng đất nước ngày càng to đẹp hơn và đàng hoàng hơn.
Trong gia đình, phụ nữ vừa là người giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của gia đình, vừa là người tiếp thu và sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mà trước hết đó là xây dựng gia đình văn hóa. Vai trò đó thể hiện ở các nội dung sau:
Trong gia đình, người mẹ, người bà luôn giáo dục con cháu về các chuẩn mực đạo đức, hướng dẫn con cháu thực hiện các qui tắc ứng xử trong gia đình, với truyền thống trên kính dưới nhường, kính lão đắc thọ, giữ gìn tôn ti trật tự trong gia đình. Đồng thời, với cương vị làm mẹ, làm bà họ luôn là người giữ gìn, tái tạo và sáng tạo các giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian như các làn điệu dân ca, các câu ca dao, tục ngữ, các bài hát, bài thơ. Bằng lời ru, tiếng hát dân ca mượt mà, thắm đượm tình yêu thương, người mẹ, người bà trong gia đình truyền lại cho con cháu vốn văn hóa lịch sử truyền thống dân tộc; đem lại cho con cháu trong nhà không chỉ là tình yêu thương, mà còn là những bài học đầu tiên về đạo lí làm người. Người phụ nữ cũng là người giữ gìn các phong tục, tập quán, truyền thống ăn quả nhớ người trồng cây qua việc thờ cúng ông bà, tổ tiên, tưởng nhớ tới người đã khuất vào các ngày đầu tháng, ngày rằm, các ngày lễ, tết, ngày giỗ…
Mặt khác, họ còn tiên phong trong việc thực hiện Luật Bình đẳng giới trong gia đình qua việc tích cực học tập nâng cao trình độ; phân công làm các công việc nhà phù hợp giữa vợ và chồng, giữa con trai với con gái; công bằng trong đối xử giữa các con… Người phụ nữ là nhân tố tích cực trong phòng, chống bạo lực gia đình; Phòng chống các tệ nạn xã hội từ gia đình… Trong cuộc sống thường nhật nếu thiếu sự quan tâm của người vợ, thiếu sự quản lý của người mẹ, người chồng và con cái rất có thể bị lôi kéo, sa ngã vào các tệ nạn xã hội như bài bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm… Như vậy, có thể nói phụ nữ luôn giữ vai trò trọng yếu trong việc sáng tạo, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Để ghi nhận vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam, Đảng, Bác Hồ đã phong tặng tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ kháng chiến và trong thời kỳ đổi mới đất nước “Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng”. Trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, có nhiều người trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng của mình trên nhiều lĩnh vực như: tham gia quản lý nhà nước, tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, tham gia chống tệ nạn xã hội, tham gia hoạt động đối ngoại… Những lĩnh vực trước đây chỉ giành cho nam giới, phụ nữ cũng làm rất tốt. Phụ nữ chiếm ưu thế trong một số ngành như giáo dục, y tế, dịch vụ… Phụ nữ Việt Nam đã tỏ rõ vai trò, khả năng, sức sáng tạo của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thích ứng và hội nhập trong xu thế phát triển chung của nhân loại.
Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, đòi hỏi người phụ nữ phải nỗ lực nhiều mặt: có tri thức, có văn hóa, có kĩ năng sống tự lập, biết đối mặt với áp lực và vươn lên mọi khó khăn thử thách… Trong đó giáo dục là chìa khóa cho sự trưởng thành và vươn lên của phụ nữ. Vì vậy các chị, các bạn, các em hãy tận dụng mọi thời gian và điều kiện tốt nhất để học tập, nỗ lực vươn lên tự khẳng định mình, để trở thành người phụ nữ hiện đại, xứng đáng với khẩu hiệu hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đưa ra cho thế kỉ XXI “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” ./.
Diệp Vấn
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả